Giữ di sản thiên nhiên trường tồn

03/09/2023 06:49 GMT+7

Khi những hòn Phụ Tử, hòn Trống Mái, nàng Tô Thị… di sản thiên nhiên, biểu tượng du lịch, văn hóa của nhiều địa phương bị hư hại, thậm chí đổ sập, đó sẽ là những mất mát rất lớn. Thực tế này gửi đi thông điệp rằng chúng ta cần phải bảo tồn, gìn giữ để di sản thiên nhiên có cơ hội trường tồn.

Người dân muốn di sản trở lại

Hòn Phụ Tử, biểu tượng du lịch của tỉnh Kiên Giang đã không còn nguyên vẹn sau khi một phần hòn Phụ bị đổ và chìm xuống biển hồi 2006, chỉ còn lại hòn Tử. Một khảo sát trên địa bàn H.Kiên Lương (Kiên Giang) sau đó được thực hiện đối với 80% đại diện hộ dân tại 2 xã Bình An, Bình Trị và khoảng 10.900 hộ dân ở các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện, cho thấy 99,77% số hộ dân được lấy ý kiến đồng ý với việc phục dựng lại hòn Phụ Tử, có 0,23% số hộ không đồng ý và 0,18% hộ có ý kiến khác.

Giữ di sản thiên nhiên trường tồn - Ảnh 1.

Chụp ảnh hòn Trống Mái ở Hạ Long

Lã Nghĩa Hiếu

Tại Quảng Ninh, nguy cơ hòn Trống Mái cũng như các hòn đảo đá tại vịnh Hạ Long đã được đong đếm. Thực tế cho thấy trên di sản này đã xảy ra một số vụ sạt lở làm biến dạng các đảo đá như vụ sạt lở hòn 649 năm 2013; sạt lở hòn Thiên Nga năm 2016; sạt lở hòn Bề Hẹn Đông năm 2019, sạt lở hòn 365 năm 2020... "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long" được thực hiện, giao cho Viện Địa chất khoáng sản, Bộ TN-MT.

Cứ đến mùa du lịch, khi đông khách chúng tôi lại cử người túc trực ở dưới chân không cho du khách trèo lên phía trên hòn Trống Mái chụp ảnh, chỉ được đứng ở phía dưới thôi. Bây giờ cũng không cho du khách dùng tay rung lắc các tảng đá nữa.

Ông Lương Viết Phương (Phó chủ tịch UBND P.Trường Sơn, TP.Thanh Hóa)

Kết quả mới công bố của Viện Địa chất khoáng sản cho thấy hòn Trống Mái có 40 khối nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối. Phân tích mô hình các kiểu trượt cho thấy có tổng cộng 13 khối nguy cơ trượt phẳng (hòn Trống có 6 khối và hòn Mái 7 khối) và 23 khối nguy cơ đổ lở, lật đổ (hòn Trống có 2 khối và hòn Mái 21 khối). Đáng chú ý, một số vị trí có nguy cơ sạt lở nằm ở "mào" hòn Trống, "mỏ" hòn Mái. Vì thế, nếu bị sạt trượt thì hình dáng đôi gà Trống Mái sẽ không còn.

Giữ di sản thiên nhiên trường tồn - Ảnh 3.

Sơn Đoòng đang được khai thác đặc biệt để đảm bảo hệ sinh thái có thời gian phục hồi

TTXVN

Hòn Trống Mái tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) là danh thắng cấp quốc gia cũng đang ở thế rất chênh vênh. Tháng 10.2013, UBND TP.Sầm Sơn đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh khiến cho hòn đá Mái bị dao động và dịch chuyển ra phía mép ngoài khối đá đế, có nguy cơ bị rơi nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời. Văn bản cũng đề nghị cơ quan liên quan khảo sát nhằm có biện pháp bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, sau đó chính quyền và các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa cũng không đưa ra được biện pháp nào để can thiệp, bảo vệ hòn Trống Mái.

Kiến thiết hành lang bảo vệ

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết các nhà khoa học đưa ra giải pháp, yêu cầu các phương tiện khi đi qua hòn Trống Mái phải được giới hạn tốc độ 10 km/giờ; phân luồng ra vào điểm tham quan này và khống chế khoảng cách tối thiểu để du khách ngắm cảnh là 70 m.

Viện Địa chất khoáng sản cũng đề xuất gia cố hòn Trống Mái bằng việc tác động trực tiếp đến cặp núi đá vôi này như khoan neo; xây tường bê tông cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hóa mạnh. Trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt; phun vảy bê tông trộn sợi polyme nhằm bảo vệ chân đảo.

Ông Vũ Kiên Cường cho biết: "Việc bảo tồn hòn Trống Mái rất quan trọng nhưng cũng phải hết sức thận trọng, đảm bảo hạn chế tối thiểu tác động vào thiên nhiên, không làm thay đổi cảnh quan, biến dạng và đặc biệt không để tạo ra một hòn Trống Mái mới trên vịnh Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của luật pháp VN và hướng dẫn của công ước quốc tế", ông Cường khẳng định.

Ông Lương Viết Phương, Phó chủ tịch UBND P.Trường Sơn (TP.Thanh Hóa), tiết lộ địa phương cũng có giải pháp để tránh tổn hại hòn Trống Mái thêm nữa.

Ông Phương nói: "Từ trước đến nay hòn Trống Mái vẫn để tự nhiên như thế, không làm gì cả. Để tránh tác động, những năm qua cứ đến mùa du lịch, khi đông khách chúng tôi lại cử người túc trực ở dưới chân không cho du khách trèo lên phía trên hòn Trống Mái chụp ảnh, chỉ được đứng ở phía dưới thôi. Bây giờ cũng không cho du khách dùng tay rung lắc các tảng đá nữa. Trước đây, thành phố còn làm biển cấm, nhưng bây giờ không đặt biển cấm nữa mà bảo vệ bằng cách cử người đứng trực tiếp trông coi, hướng dẫn bà con, du khách. Theo tôi thì nên để nguyên vẹn như thế, không nên tác động gì đến hòn Trống Mái cả, vì bao đời nay nó đã như thế rồi, từng trải qua các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt rồi vẫn không bị ảnh hưởng gì".

Trong khi đó, tại Kiên Giang, sau sự cố hòn Phụ đổ gãy, tỉnh đã có nhiều động thái để phục dựng. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan cộng với kinh phí phục dựng quá lớn nên dự án chưa thể thực hiện. Hiện nay, Kiên Giang đang cố gắng nối lại việc phục dựng di tích danh thắng này. Tỉnh đã giao cho Sở VH-TT làm đầu mối thuê các đơn vị khảo sát, nghiên cứu phương án phục dựng hòn Phụ Tử.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở VH-TT Kiên Giang, cho biết Sở đang tính toán kinh phí để thuê đơn vị khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án phục dựng. "Phải khảo sát dưới mặt nước, thậm chí phải khoan địa chất xem dưới chân hòn Phụ Tử đặc hay rỗng mới có thể đề ra phương án phục dựng phù hợp và xem việc phục dựng có khả thi hay không nữa", ông Sáu cho biết.

Thạc sĩ Hồ Tiến Chung, quyền Trưởng phòng Kiến tạo địa mạo (Viện Địa chất khoáng sản), cho biết tai biến thiên nhiên sẽ gây ra đổ lở nhưng thỉnh thoảng nó cũng sinh ra di sản. "Như hòn Chó Đá hay Sư Tử Biển cũng chỉ là các khối đổ lở rồi thiên nhiên mài mòn đi thành hình giống vậy. Hay hòn 649 (Hạ Long) thì sau khi có đổ lở từ một hòn không có hình thù gì lại nhìn giống con lạc đà. Vì thế, chúng ta không thể giữ nó nguyên trạng mãi, vì có can thiệp của tự nhiên, nhưng muốn giữ dài hơn thì do nỗ lực tạo các biện pháp bảo vệ", ông Chung nói.

Giữ di sản thiên nhiên trường tồn - Ảnh 4.

Các chuyên gia BCRA tại VN trong một lần khảo sát hang động

Trương Quang Nam

Sơn Đoòng được khai thác đặc biệt

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho biết tour khai thác Sơn Đoòng mỗi năm chỉ đón tối đa là 1.000 khách, mỗi tour không quá 10 khách du lịch. Các tuyến du lịch thường sẽ sắp xếp thời gian ngừng hoạt động mỗi năm để tránh bão lũ, đồng thời cho hệ thống hang có thời gian cân bằng sinh thái sau nhiều tháng khai thác du lịch. Vì thế, tour Sơn Đoòng chỉ khai thác 7 tháng/năm. Thời gian 5 tháng đó giúp phục hồi hệ sinh thái trong hang.

Cũng theo ông Á, nhân viên đi cùng khách sẽ đảm bảo mọi thứ nghiêm ngặt. Khách tham gia khám phá buộc phải đi trên những lối đi định sẵn, không được bước ra khỏi đó. Họ không để lại gì ngoài những dấu chân ở lối đi.

Năm 2017, từng có dự kiến tổ chức phần thi trang phục dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 trong động Thiên Đường (cũng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Dư luận phản ứng với kế hoạch này, bởi sự tham gia của 600 người trong 3 giờ (trong đó phần thi 90 phút) gây nguy cơ hư hại hang động này. Sau đó phần thi đã không diễn ra tại đây. 

Nguyễn Phúc



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.