Di sản và ký ức từ những mảnh ghép cổ vật

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
27/08/2023 00:22 GMT+7

Sáng 28.8, tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ phối hợp Hội Cổ vật TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề Di sản và ký ức - bức tranh từ những mảnh ghép, giới thiệu đến công chúng gần 170 hiện vật tiêu biểu được chọn lựa từ các bộ sưu tập quý.

BỨC TRANH ĐA SẮC VỀ NGHỆ THUẬT GỐM Việt Nam

Chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20), với nhiều loại hình: đồ gia dụng, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ dùng trong thưởng ngoạn (uống trà, uống rượu). Bên cạnh dòng gốm truyền thống, còn có dòng gốm sứ đặt hàng Trung Quốc sản xuất.

Di sản và ký ức từ những mảnh ghép cổ vật - Ảnh 1.

Đĩa Chu Đậu - thời Lê (thế kỷ 15)

Vào thời Nguyễn, các sứ bộ khi đi sứ nước ngoài, ngoài nhiệm vụ chính trị, còn kiêm nhiệm việc đặt làm những đồ gốm sứ cho triều đình. Ngoài dòng gốm đặt hàng của Trung Quốc, thời Nguyễn còn ưa chuộng dòng gốm châu Âu, đặc biệt là những đồ gốm được biếu tặng, hoặc đặt hàng các lò gốm nổi tiếng của Pháp sản xuất.

Người xem sẽ được chiêm ngưỡng chiếc đĩa bồng in huy hiệu Đại Nam và băng văn "Mérigot" màu vàng trên nền men xanh coban là một trong những sản phẩm gốm đặt hàng lò Sèvres - một lò gốm rất nổi tiếng của Pháp ra đời từ thế kỷ 18, trong chuyến công du sang Pháp của vua Khải Định vào năm 1922. Dưới trôn đĩa có ký hiệu của lò gốm cùng năm sản xuất. Theo tư liệu thì lô sản phẩm này được vua Khải Định đặt riêng cho cung An Định.

Di sản và ký ức từ những mảnh ghép cổ vật - Ảnh 2.

Chóe - Trung Quốc (thế kỷ 18 - 19)

Đại diện Hội Cổ vật TP.HCM cho biết thêm: "Sản phẩm gốm đặt hàng xuất hiện thịnh hành vào thời kỳ Lê - Trịnh. Chúng được các nghệ nhân Việt vẽ kiểu dáng, hoa văn, sau đó gửi sang các lò gốm Trung Quốc sản xuất theo đúng sở thích, thị hiếu, ý đồ. Dòng gốm này thường có những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa. Đề tài trang trí phong phú như tứ linh, long mã, liên áp, liên giải, mai điểu, mai cài thọ, mây, phong cảnh, tích truyện, thơ chữ Hán… hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp".

Được biết, những đồ gốm sứ đặt làm này chỉ lưu dùng riêng cho người Việt, không lưu hành trên thị trường Trung Quốc đương thời. Gốm sứ đặt hàng thường có hiệu đề ghi ở trôn của sản phẩm. Đáng chú ý là bát vẽ phong cảnh và bài thơ Ải Lĩnh xuân vân do chúa Nguyễn Phúc Chu sáng tác năm 1719, miêu tả hình thể và cảnh trí của ngọn đèo Hải Vân - được xem là "thiên hạ đệ nhất hùng quan" vào một ngày đầu xuân cùng nỗi lòng của tác giả, hay đĩa vẽ đề tài cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Túy Vân có bài thơ chữ Hán Vân Sơn thắng tích của vua Thiệu Trị.

Di sản và ký ức từ những mảnh ghép cổ vật - Ảnh 3.

Bát nội phủ thị trung (thế kỷ 17 - 18)

Bình gốm men xanh trắng thời Thanh được tìm thấy trên tàu đắm Hòn Cau (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây cũng là một trong những hiện vật thể hiện sự giao lưu văn hóa trong trang trí đồ gốm giữa Trung Quốc và phương Tây vào thế kỷ 17 - 18, qua các đề tài trang trí hoa lá kết hợp kiến trúc châu Âu. Các đề tài mang phong cách châu Âu như kiến trúc nhà mái nhọn theo phong cách Hà Lan thế kỷ 17, hay kiểu trang trí trong các ô hình lục giác và sọc caro (một kiểu thiết kế thường thấy trên đồ dệt Hà Lan thế kỷ 17)…, cũng được giới thiệu tại triển lãm lần này.

Theo Ban tổ chức, thời Nguyễn, bên cạnh những lò gốm của triều đình chuyên sản xuất gạch ngói, gạch trang trí để phục vụ cho việc xây dựng kinh thành Huế, ở các địa phương còn có nhiều làng gốm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Miền Nam có sự xuất hiện của các dòng gốm mới như Sài Gòn, Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) có màu men đa dạng và kỹ thuật thể hiện sự kết hợp giữa nghệ nhân gốm Việt Nam và Trung Quốc. Các loại hình sản phẩm của ba dòng gốm này rất phong phú như: gốm gia dụng (chén, bát, đĩa, siêu, khạp, lu, hũ…), gốm thờ cúng (lư hương, lư trầm, tam sự, ngũ sự, tượng thờ) và gốm trang trí mỹ thuật (đôn, chậu, tượng trang trí, quần thể tiểu tượng…). Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về nghệ thuật gốm Việt Nam cùng "hội ngộ" tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Di sản và ký ức từ những mảnh ghép cổ vật - Ảnh 4.

Trấn phong (đầu thế kỷ 20)

TUẤN HOÀNG

VỀ MIỀN KÝ ỨC QUA NHỮNG HIỆN VẬT

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Hoàng Anh Tuấn khoe thêm: "Hiện vật thời Nguyễn lần này giới thiệu rất phong phú, nhất là về chất liệu: đá, gỗ, ngà, đồng qua các hiện vật: nghiên mực, khay, hộp đựng sắc phong, trấn phong, lư trầm, con dấu... Đồ thờ cúng, lư hương - những loại hình không thể thiếu trên bàn thờ thần, Phật trong đình, đền, chùa, miếu, mà ngay cả trong phong tục thờ cúng tại gia cũng được chúng tôi giữ bí mật đến giờ chót. Lư thường có dạng hình khối chữ nhật được trang trí hoa văn tỉ mỉ, nên những chiếc lư hương không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa mà cả ý nghĩa lịch sử".

Người xem sẽ được tận mắt ngắm loại lư dạng khối hộp chữ nhật, thành miệng đứng, gắn hai rồng kiểu lưỡng long chầu ngọc, rồng kiểu "giáng long" (rồng bay xuống), thân rồng uốn lượn vắt từ hai mặt bên ra phía trước, hai mặt rồng chầu trái châu gắn ở chính giữa mặt trước. Thân lư giật cấp nhiều tầng đúc nổi văn bán công. Phần chân đế choãi ra tạo dáng dạng chân Louis. Mặt trước và mặt sau đắp nổi đề tài "long hàm thọ", hai mặt bên văn tua rua.

Dưới thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc gỗ đạt trình độ phát triển đỉnh cao, nhiều sản phẩm được tạo tác mang tính nghệ thuật thẩm mỹ với phong cách đăng đối hài hòa, đường nét tinh xảo. Với sự phát triển của kỹ thuật sơn son thếp vàng, chạm khắc, cẩn khảm kết hợp các chất liệu như ngà, vỏ trai, tre, gỗ… đã tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, mang tính mỹ thuật cao. Hiện vật chạm khắc gỗ trong trưng bày chuyên đề này bao gồm những loại hình như khay, hộp hình khối chữ nhật, khối lập phương, hộp tròn với nhiều công dụng khác nhau như dùng làm khay trà, khay mứt, hoặc đựng trang sức…

"170 hiện vật tiêu biểu được chọn lựa trưng bày và giới thiệu lần này thể hiện một diện mạo đa sắc cũng như thông điệp từ quá khứ đã được lưu giữ. Qua đó, giúp cho công chúng và những người yêu cổ ngoạn tìm thấy những miền ký ức của mình qua các câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về tri thức, lịch sử văn hóa được chuyển tải từ những mảnh ghép di sản. Cuộc trưng bày còn là dịp hợp tác giữa hội cổ vật và bảo tàng để thời gian tới sẽ có thêm nhiều kết nối Di sản và ký ức từ cổ vật mà cha ông xưa để lại", Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.