Nguyễn Ngọc Ẩn không nhớ rõ mình có niềm đam mê sưu tầm cổ vật từ bao giờ, nhưng anh nói từ thuở nhỏ đã từng nhịn tiền ăn quà để mua lại những đồng tiền kim loại cổ từ tay các bạn học tìm được.
Trong khoảng 30 năm qua, ông đã sưu tầm được hơn 100.000 cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật rất quý hiếm.
Hiến tặng hơn 50.000 cổ vật
Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn, "chơi cổ vật không chỉ thỏa mãn đam mê của mình, mà phải biết giới thiệu giá trị cổ vật mình sưu tập được cho nhiều người khác cùng biết để làm nổi bật giá trị văn hóa, lịch sử qua mỗi thời kỳ".
Từ ý tưởng ấy, trong 15 năm qua, ông đã hiến tặng trên 50.000 hiện vật, từ các vật cổ có niên đại cho đến những vật chứng tích chiến tranh, cho hơn 50 đơn vị trường học, bảo tàng thuộc 30 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn đã trao tặng khoảng 1.500 cổ vật, hiện vật cổ có giá trị về văn hóa lịch sử. Có những hiện vật cổ có giá trị đặc biệt như bộ Linga - Yoni của người Chăm cổ (thế kỷ 9 - 10) hiện được trưng bày tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bắc Bình (Bình Thuận); bộ chày dập hoa văn gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh (2.500 năm); kiệu võng của quan lại tỉnh Bình Thuận thế kỷ 19 được hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Ẩn đã hiến tặng tổng cộng 1.984 cổ vật cho Bảo tàng tỉnh Đăk Nông. Những hiện vật được hiến tặng cho bảo tàng này có giá trị văn hóa như bộ trang phục của người M'Nông, nhiều hiện vật khác liên quan xứ Gia Nghĩa xưa…
Xây bảo tàng tư nhân để phục vụ du lịch Mũi Né
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn chia sẻ, những năm 2003, Mũi Né (Phan Thiết) có nhiều nhà hàng đón rất nhiều du khách. Thời gian ấy ông có khoảng 500 cổ vật trưng bày tại một nhà hàng ở gần đồi cát Mũi Né. Ngày nghỉ, ông thường đến đây làm hướng dẫn viên, kiêm giới thiệu về cổ vật cho du khách.
"Công việc này diễn ra được 5 - 6 năm, khoảng thời gian ấy tôi quen biết được khá nhiều người trong giới chuyên môn, sau này họ giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sưu tầm cổ vật", ông nói.
Với những đóng góp miệt mài của mình, ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã được lãnh đạo các địa phương, Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen, và hàng trăm giấy khen, kỷ niệm chương của các trường đại học, các bảo tàng và các đơn vị khác, bởi những đóng góp của ông trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa…
"Trong chuyến trao tặng cổ vật ở Bến Tre, cha con tôi đã gặp gỡ nhiều người làm công tác sưu tầm, bảo tồn bảo tàng. Mến mộ cha con tôi, đã có 2 người cùng nghề nhận cha tôi là cha nuôi và gắn bó với gia đình tôi đến bây giờ", ông Ẩn chia sẻ.
Hiện nay, lượng cổ vật còn trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Ẩn lên đến hàng chục nghìn hiện vật. "Tôi đưa các cô giáo dạy sử cùng học sinh đến tham quan, để các em tận mắt chứng kiến các hiện vật thời tiền sử mà xưa nay các em chỉ thấy trong sách giáo khoa. Mới đây, một trường trung học đã đưa học sinh đến nhà tôi tận mắt chứng kiến cổ vật từ thời Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm-Pa, các cháu rất thích thú tìm hiểu", ông Ẩn cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết diện tích mặt bằng của gia đình ông hiện không đủ để xây thêm các gian trưng bày cổ vật. "Tôi ước muốn thuê hoặc mua được vài sào đất để xây dựng một bảo tàng tư nhân đúng nghĩa, có một bảo tàng hoàn thiện để phục vụ du khách tại Mũi Né", ông Ẩn chia sẻ.
Nhận xét về nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn ở Mũi Né, ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, cho hay ông Ẩn là người đam mê nghề sưu tầm cổ vật rất đặc biệt, được giới chuyên môn đánh giá là người có uy tín, hiểu biết sâu về lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm hiện vật trong cả nước.
"Đến nay, anh Ẩn đã sưu tầm được hàng chục nghìn hiện vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa; anh còn lựa chọn hiện vật mà các bảo tàng, trường đại học còn thiếu để trao tặng, phục vụ trưng bày và giảng dạy, trong đó có nhiều lần hiến tặng hiện vật quý hiếm cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, chính anh còn kịp thời phát hiện nhóm người đào bới, tìm kiếm cổ vật trái phép ở di chỉ Tà Lú, xã Phan Sơn (H.Bắc Bình, Bình Thuận) gây bất bình trong dư luận. Sau đó anh thông báo cho Bảo tàng tỉnh phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, bảo vệ hiện trường và tiến hành đào thăm dò nghiên cứu, kết quả phát hiện hơn 71 hiện vật có giá trị tại đây. Sự đóng góp của anh trong nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng đối với ngành di sản văn hóa, nhất là đối với bảo tàng tỉnh nhà", ông Đoàn Văn Thuận chia sẻ.
Bình luận (0)