Chuyện cổ vật hồi hương: Công ước “cứu” di sản văn hóa

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
13/11/2022 07:30 GMT+7

Vào những năm 1950, nhiều người đã lên tiếng lên án việc cướp bóc tại các địa điểm khảo cổ rồi phá dỡ di tích. Chủ đề này từng được thảo luận vào những năm 1930, thậm chí đã dẫn đến một dự thảo điều ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng chỉ đến sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong bối cảnh được đánh dấu bởi các phong trào đòi độc lập của các nước thuộc địa, vấn đề buôn bán bất hợp pháp di sản văn hóa mới thật sự được đưa lên bàn cân. Các quốc gia non trẻ sau khi giành độc lập từ tay thực dân nổi lên qua các phong trào này. Họ lo lắng khôi phục, thu hồi các di sản văn hóa của đất nước đang được lưu giữ trong các bảo tàng của các nước thực dân kiểu cũ, từ đó khơi mào một hiệp ước quốc tế nhằm chấm dứt nạn cướp bóc.

Tượng Athena bằng đá cẩm thạch có từ năm 200 trước Công nguyên bị cướp từ một ngôi đền ở miền Trung nước Ý, được trưng bày trong cuộc họp báo và lễ hồi hương những cổ vật bị đánh cắp về Ý, tổ chức tại New York tháng 9.2022

NPR

Công ước 1970 ra đời

Vào tháng 4.1964, UNESCO đã chỉ định một ủy ban gồm các chuyên gia để đưa ra nhiều khuyến nghị cho một công ước trong tương lai. Sáu năm sau, Công ước 1970 ra đời.

Đây là Công ước về các biện pháp cấm và ngăn chặn việc xuất/nhập khẩu, chuyển giao bất hợp pháp quyền sở hữu tài sản văn hóa - công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên để bảo vệ di sản văn hóa trong thời bình - đã được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1970. Công ước có hiệu lực từ ngày 24.4.1972, sau khi được các quốc gia phê chuẩn.

Các quốc gia ký kết đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo vệ trong lãnh thổ của họ (bao gồm việc tạo ra các cơ quan kiểm kê quốc gia và các đơn vị cảnh sát chuyên trách), để kiểm soát việc lưu thông hàng hóa văn hóa - đặc biệt là nhập khẩu bất hợp pháp - và trả lại tài sản văn hóa bị đánh cắp.

Các cổ vật Hy Lạp bị đánh cắp được trưng bày trong lễ hồi hương tại Văn phòng Biện lý quận Manhattan, New York (Mỹ) vào ngày 23.2.2022

ABC NEWS

Năm 1978, Ủy ban Liên chính phủ về Thúc đẩy trả lại tài sản văn hóa cho các quốc gia xuất xứ hoặc bồi thường trong trường hợp Chiếm đoạt bất hợp pháp (ICPRCP) được thành lập. Ủy ban giải quyết cụ thể việc trả lại hoặc bồi thường tài sản văn hóa bị mất, bị cướp phá, đặc biệt giải quyết các trường hợp xảy ra trước khi Công ước 1970 - không có hiệu lực hồi tố - có hiệu lực.

Năm 1999, UNESCO công bố Quy tắc đạo đức quốc tế dành cho người buôn bán tài sản văn hóa. Quy tắc này trở thành tài liệu tham khảo cho những người buôn bán đồ cổ và nghệ thuật trên khắp thế giới.

Ủy ban liên chính phủ của UNESCO về xúc tiến trao trả tài sản văn hóa có trách nhiệm:

1. Theo đuổi nhiều phương thức thích hợp để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương về việc bồi thường hoặc trả lại tài sản văn hóa cho các nước xuất xứ. Về vấn đề này, ủy ban cũng có thể đệ trình các đề xuất lên các quốc gia thành viên liên quan để hòa giải.

2. Thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương nhằm phục hồi và trả lại tài sản văn hóa cho quốc gia gốc của nó.

3. Khuyến khích việc nghiên cứu và tìm hiểu để thiết lập các chương trình thống nhất cho việc xây dựng các bộ sưu tập đại diện ở các quốc gia có di sản văn hóa bị phân tán.

4. Kích thích một chiến dịch thông tin công khai về bản chất, mức độ và phạm vi thực sự của tài sản văn hóa cần phục hồi hoặc trả lại tài sản văn hóa cho các quốc gia xuất xứ.

5. Hướng dẫn việc thiết lập và thực hiện chương trình hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực phục hồi hoặc trả lại tài sản văn hóa cho các quốc gia xuất xứ.

6. Khuyến khích thành lập hoặc củng cố bảo tàng hoặc các tổ chức khác để bảo tồn tài sản văn hóa và đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật cần thiết.

7. Thúc đẩy trao đổi tài sản văn hóa theo khuyến nghị về Trao đổi quốc tế tài sản văn hóa.

8. Báo cáo các hoạt động của ủy ban lên Đại hội đồng UNESCO tại mỗi phiên họp thường lệ.

Công ước 1970 hiện có 140 quốc gia thành viên. Trong 50 năm tồn tại, UNESCO, thông qua Công ước, đã tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề này; giúp nhiều quốc gia xây dựng luật Di sản kèm theo các biện pháp phòng ngừa, đồng thời khuyến khích việc thu hồi tài sản văn hóa bị di dời bất hợp pháp khỏi lãnh thổ của họ.

Nhiều bảo tàng trên thế giới - như Bảo tàng Anh ở London và Bảo tàng Getty ở Los Angeles - đã thông qua Công ước 1970. Điều này khiến cho việc lưu thông cổ vật của các đối tượng mua bán gần đây trở nên khó khăn hơn.

Ủy ban liên chính phủ của UNESCO về xúc tiến trao trả tài sản văn hóa cho các quốc gia xuất xứ hoặc bồi thường trong trường hợp Chiếm đoạt bất hợp pháp (ICPRCP) được thành lập theo Nghị quyết 20 C4/7.6/5 của phiên họp thứ 20 của Đại hội đồng UNESCO năm 1978 như một cơ quan liên chính phủ thường trực, độc lập với Công ước 1970.

Một quốc gia bất kể có phải là thành viên của Công ước 1970 hay không nhưng bị mất tài sản văn hóa có tầm quan trọng và yêu cầu bồi thường hoặc trả lại, trong trường hợp không được quy định trong các công ước quốc tế, có thể khiếu nại lên Ủy ban liên chính phủ để xúc tiến việc trao trả tài sản văn hóa về quốc gia xuất xứ hoặc trong trường hợp bị chiếm đoạt bất hợp pháp khi là thuộc địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.