Lưới quốc tế phòng chống buôn bán tài sản văn hóa
Đầu năm 2017, một nhóm chuyên gia cổ vật đã được Cục Di sản văn hóa lập ra để “thẩm định từ xa” các hiện vật mà Cơ quan Phòng chống tội phạm Công an Berlin (Đức) thu giữ tại cửa hàng một thương nhân VN từ cuối năm 2016. Trong nhóm, chiếm đa số là chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Gọi là thẩm định từ xa vì họ chỉ có các hình ảnh do phía Đức cung cấp. “Thực ra, phía Đức cũng đã có thẩm định và đánh giá đây là cổ vật của VN”, nguồn tin từ Bộ VH-TT-DL cho biết.
Sau đó, phía VN mau chóng xác nhận đó chính là hiện vật của mình. Những cổ vật này là đồ trôi nổi, không phải là đồ của bảo tàng làm mất. Kết hợp các xác minh nguồn gốc cho thấy đây đúng là cổ vật VN, Bộ VH-TT-DL và Bộ Ngoại giao Đức đã hoàn thiện các thủ tục để các cổ vật hồi hương. Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN là đơn vị tiếp nhận bộ sưu tập này. Việc liên lạc, chuyển giao nhóm cổ vật 18 hiện vật từ Đức bắt đầu từ tháng 3.2017, kết thúc vào tháng 2.2018.
Các hiện vật trở về từ Đức năm 2018 gồm 10 hiện vật chất liệu đá, 8 hiện vật chất liệu đồng, là công cụ sản xuất và vũ khí của người xưa. Trong đó, 5 hiện vật văn hóa Đồng Nai cách ngày nay 4.000 - 3.500 năm; 5 hiện vật Hậu kỳ Đá mới, Sơ kỳ Kim khí Tây nguyên cách ngày nay 4.000 - 3.500 năm; 8 hiện vật văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm.
Nhóm cổ vật từ Mỹ trở về |
Đại sứ quán VN tại Mỹ |
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết tới đây bảo tàng lại tổ chức lễ tiếp nhận một bộ sưu tập hiện vật hồi hương từ Mỹ. Số cổ vật này được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trao cho Đại sứ quán VN tại Mỹ vào 7.8 vừa qua. Phía Mỹ cho biết những cổ vật này bị một người Mỹ lưu giữ trái phép và trước khi qua đời người này mong muốn chúng được về với cộng đồng gốc. “Chúng tôi sẽ tổ chức một lễ đón nhận và công bố các hiện vật này”, TS Đoàn cho biết.
Hưởng lợi
Điểm chung giữa hai nhóm hiện vật trở về từ Đức và Mỹ là đều hồi hương nhờ Công ước 1970. Công ước có tên “Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”, được Đại hội đồng UNESCO họp tại Paris (Pháp) thông qua năm 1970.
Công ước có đưa ra khái niệm “tài sản văn hóa”. Khái niệm này chỉ một trong những nhóm hiện vật như: bộ sưu tập và mẫu vật hiếm về động vật học, thực vật học, khoáng sản và giải phẫu học và những vật thuộc diện cổ sinh vật học; những tài sản liên quan đến lịch sử bao gồm lịch sử khoa học, công nghệ, quân sự và xã hội, liên quan đến cuộc sống của những nguyên thủ quốc gia, những nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nghệ sĩ và liên quan đến những sự kiện có tầm quan trọng quốc gia; những sản phẩm của khai quật khảo cổ học (bao gồm khai quật hợp pháp và không hợp pháp) hoặc những khám phá khảo cổ học; những cổ vật có hơn 100 năm tuổi chẳng hạn như những bản khắc, những đồng xu và dấu triện khắc…
Có thể thấy hai nhóm hiện vật chúng ta nhận được từ Mỹ và Đức là cổ vật có hơn 100 năm tuổi. Do khi phát hiện, chúng đã ở trong bộ sưu tập, không có các mô tả nguồn gốc kèm theo nên rất khó đưa chúng vào loại hiện vật từ khảo cổ học. Đây cũng là điều sẽ gây khó cho các nhà quản lý bảo tàng khi làm hồ sơ hiện vật về sau vì không có chứng cứ về việc chúng từng nằm ở tầng văn hóa nào. Được chỉ định là đơn vị quản lý những hiện vật này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ khoa học cho các hiện vật từ Đức và Mỹ trở về nói trên.
Năm 2021, Thứ trưởng VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đại diện cho VN tham dự Hội nghị quốc tế kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1970 do Văn phòng UNESCO Bangkok và Ban Thư ký Công ước UNESCO 1970 tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ông Cương khẳng định, VN thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia thành viên, triển khai tích cực, hiệu quả các quy định của công ước này. VN đã chủ động đăng cai tổ chức thành công một số hội thảo, hội nghị, sự kiện chuyên đề về Công ước 1970, kiến nghị các nước ASEAN ủng hộ sáng kiến của VN đưa tội phạm buôn lậu cổ vật thành lĩnh vực ưu tiên trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…
Theo Thứ trưởng Cương, trong nước, VN đã chủ động xây dựng mạng lưới cơ quan quản lý các cấp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa từng bước phù hợp và tương thích với luật pháp và điều ước quốc tế. VN có nhiều quy định liên quan đến việc ngăn chặn xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép di sản văn hóa. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT-DL cũng phối hợp với Bộ Công an (Interpol VN) thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến dịch Athena II tại VN - Chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán cổ vật năm 2020. (còn tiếp)
Bình luận (0)