Chuyện cổ vật hồi hương: Quả chuông thời Nguyễn trở về từ Nhật Bản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/11/2022 06:44 GMT+7

Chuông chùa Ngũ Hộ ( Bắc Ninh ) từng bị đưa sang Nhật Bản, sau đó được chính người dân Nhật Bản quyên góp tiền để hồi hương.

Trang web của Bảo tàng Bắc Ninh có mục giới thiệu các hiện vật quý mà bảo tàng sở hữu. Trong số này có bài viết về một cổ vật đặc biệt - chuông chùa Ngũ Hộ (xã Kim Chân, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) được hồi hương từ Nhật Bản. Theo hồ sơ tư liệu của bảo tàng, chuông có mã số BTBN 434, chất liệu đồng, niên đại thời Nguyễn; đường kính: 42 cm; cao: 1 m; trọng lượng: 120 kg.

Chuông chùa Ngũ Hộ theo hồ sơ của Bảo tàng Bắc Ninh

Bảo tàng Bắc Ninh

Hồ sơ tư liệu mô tả chuông chùa Ngũ Hộ bên trên quai có chạm hình con rồng hai đầu, bốn phía có khắc bốn chữ “Ngũ Hộ Tự Chung”. Trên thân chuông khắc chữ Hán, có đoạn: “Chuông của chùa Ngũ Hộ, xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn. Chuông chùa bị chiến tranh thiêu hủy, phải đúc một quả chuông khác. Tháng 2 năm 1825 chuông mới đúc lại bị cướp mất. Sau hai năm quyên góp tiền và đồng, quả chuông thứ ba đã đúc xong ngày 19 tháng 12 năm Minh Mạng thứ chín” (năm Mậu Tý - 1828). Ngoài ra trên chuông còn ghi tên hơn 300 người thuộc 30 xã đã góp công, góp của đúc chuông. Theo minh văn này, trong số những người góp công đúc chuông, có cả người của khu vực chùa Bút Tháp.

Biến cố lớn nhất xảy ra với chuông chùa Ngũ Hộ cũng được hồ sơ Bảo tàng Bắc Ninh ghi nhận: “Vào năm 1945, phát xít Nhật vào Bắc Ninh, chiếm chùa làm nơi đóng quân, thấy quả chuông có giá trị nên đã mang về Nhật, bán lại vào tiệm cầm đồ. Sau này quả chuông được vị luật sư người Nhật kêu gọi quyên góp chuộc lại và gửi về Việt Nam vào tháng 6.1978”.

Vị luật sư người Nhật được hồ sơ nhắc tới là ông Watanabe Takuro, một người yêu thích và sưu tầm đồ cổ. Ông Watanabe đã thấy chiếc chuông đồng này tại cửa hàng đồ cổ tại Ginza, Tokyo (Nhật Bản). Theo minh văn trên chuông, ông biết xuất xứ của chuông. Chủ cửa hàng đồ cổ cũng cho ông biết một viên sĩ quan Nhật đã mang chuông tới bán. Ông chủ cửa hàng phát giá 9 triệu yen cho quả chuông này, sau đó rút xuống 5 triệu do cảm động trước sự “đắm đuối” của ông Watanabe với món cổ vật.

Tuy nhiên 5 triệu yen vẫn là một số tiền lớn, vì thế một hội có tên “Hội hồi hương chuông cổ” đã được lập ra để quyên góp tiền, gồm nhiều nhà tu hành, nhà văn và bạn bè ông Watanabe. Số tiền quyên góp sau đó đã đủ để mua và vận chuyển chuông về Việt Nam. Nhiều buổi cầu nguyện cho quả chuông cũng được thực hiện tại Nhật. Cuối cùng, tháng 6.1978, quả chuông đã về tới chùa Quán Sứ, trao lại cho Việt Nam.

Chuông chùa Ngũ Hộ khi còn ở Nhật Bản

Tuân Vũ

Mong chuông cổ về chùa xưa

Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Bắc Ninh, sau khi quả chuông được trao trả cho Việt Nam, Hội hữu nghị Việt - Nhật và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất gửi chuông về chùa Bút Tháp do chùa Ngũ Hộ đã bị tàn phá trong chiến tranh chưa được tu bổ lại. Một trong những lý do để đưa chuông về chùa Bút Tháp là có người tại khu vực này được ghi tên công đức đúc chuông. Sau này chuông được đưa về Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ và bảo quản.

Việc chuông về Bảo tàng Bắc Ninh khiến nhiều người tham gia hồi hương chuông năm nào mất khá nhiều thời gian khi tìm hiểu xem chuông đã về chùa cũ chưa. Bà Komatsu Miyuki, giáo viên tiếng Nhật ở Hà Nội, cũng là người đã tham gia việc hồi hương chuông năm xưa, sau nhiều năm tìm kiếm đã tới được Bảo tàng Bắc Ninh - nơi chuông được bảo quản. Ông Watanabe Takuro cũng đã sang Việt Nam năm 2012, tới Bảo tàng Bắc Ninh và đánh ngân vang quả chuông này. Khi ấy, ông đã 89 tuổi, phải ngồi xe lăn, và luôn mong muốn chuông được trở về chùa xưa Ngũ Hộ. Cũng năm đó, chùa Ngũ Hộ dự kiến đúc một quả chuông y hệt chuông cũ, nhưng rồi lại chuyển tiền đúc chuông sang xây tháp chuông.

Chính vì thế, xung quanh quả chuông chùa Ngũ Hộ hiện có hai luồng ý kiến. Một cho rằng cần đưa chuông về chùa sở hữu nó hàng chục năm trước, cũng là đúng với ý nguyện của những người bạn Nhật Bản. Hai là cho rằng nếu để ở Bảo tàng Bắc Ninh, chuông sẽ được phát huy giá trị tốt hơn.

Tuy nhiên, cái khó của vụ việc nằm ở chỗ hiện tại chuông đã được xác lập đầy đủ cơ sở pháp lý để trở thành hiện vật bảo tàng, cụ thể là Bảo tàng Bắc Ninh. Theo Thông tư 18 quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, tài liệu, hiện vật của bảo tàng được chuyển giao, thanh lý, hủy trong 6 trường hợp: Không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng; Bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi; Được xác định gây thiệt hại cho con người và môi trường; Được xác định không chính xác về lịch sử, văn hóa, khoa học; Được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Được xác định nguồn gốc bất hợp pháp.

Dựa trên những quy định trên, khả năng chuông chùa Ngũ Hộ được trở về chùa xưa hầu như không có. Có thể thấy việc chuông ở bảo tàng hiện phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng. Người dân ở Ngũ Hộ chỉ có thể chờ luật Di sản sửa đổi bổ sung, với điều kiện các quy định thay đổi theo hướng ưu tiên trả hiện vật về nơi xuất xứ, mới có thể tiếp nhận lại hiện vật này.

(còn tiếp)

Chuyện cổ vật hồi hương

Ai Cập thu hồi cổ vật bị đánh cắp

Hy Lạp căng thẳng với Anh về thu hồi cổ vật

Tỉ phú trả lại cổ vật cho Trung Quốc

Kinh nghiệm thu hồi di sản văn hóa từ các nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.