Những bảo vật quốc gia mới: Mộc bản bách khoa thư y học cổ truyền

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/02/2022 06:38 GMT+7

Bộ mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh được coi là mộc bản bách khoa thư y học cổ truyền Việt Nam.

Nhà sư trục vớt sách quý

Bộ mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh có thể sẽ không ra đời nếu không có vị sư trụ trì chùa Đồng Nhân (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) là ông Thích Thanh Cao dày công sưu tầm, lưu giữ. Trước đó, bộ sách quý Hải Thượng y tông tâm lĩnh bị tản mát, sao chép sai lệch khắp nơi sau khi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác qua đời (1791). Trước nguy cơ thất truyền, nhà sư Thích Thanh Cao đã sưu tầm nội dung bộ sách từ nhiều nguồn khác nhau, nhờ các danh y khảo đính bản thảo sau đó tiến hành khắc ván, in sách. Bản khắc đó chính là bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh vừa được phong bảo vật quốc gia, lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh.

Các hình họa lý giải về cơ thể của con người, chi tiết bộ vị trong cơ thể

Theo Bảo tàng Bắc Ninh, công việc khắc in bộ ván được thiền sư Thích Thanh Cao chủ trì và thực hiện trong suốt 6 năm liên tiếp 1879 - 1885, rồi mới khắc mộc bản. Nội dung phần tiểu dẫn của tập sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh do Thích Thanh Cao soạn bộ mộc bản được hoàn thành vào năm 1885.

Cũng theo Bảo tàng Bắc Ninh, toàn bộ 1.183 ván khắc đã được phân loại, sắp xếp theo thứ tự từ quyển 1 đến quyển 61 cùng với quyển thủ và quyển vỹ dựa theo bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh hiện lưu tại Thư viện Quốc gia VN. Trong số ván nói trên, có 1.024 ván được khắc 2 mặt, số còn lại là 1 mặt. Như vậy, tổng số mặt ván là 2.207 mặt (trang). Trong khi đó, bản sách lưu tại Thư viện quốc gia VN có 3.092 trang, tương ứng với 3.092 mặt ván. Như vậy, số mặt ván hiện còn từ bộ mộc bản sách thuốc Hải Thượng y tông tâm lĩnh lưu chiếm 71,3% bản đầy đủ.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, gỗ thị được sử dụng để làm ván khắc mộc bản này do đặc tính bền dai, thớ mịn, khó cong vênh. “Bộ ván đã trải qua nhiều lần in dập nên các ván đều được phủ lên lớp mực đen bóng, lớp mực này vô tình trở thành chất bảo vệ ván, chống mối mọt rất hiệu quả”, hồ sơ cho biết.

Nội dung phong phú, nghệ thuật đa dạng

Hồ sơ bảo vật cho biết bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh là một công trình nghệ thuật điêu khắc thể hiện giá trị thẩm mỹ của người xưa. Tác phẩm có hệ thống đồ án và nghệ thuật thư pháp đạt tới trình độ cao, hoàn hảo về kỹ, mỹ thuật. Việc xử lý tinh tế hàng chục, hàng trăm chữ Hán trên một mảnh ván đòi hỏi sự kết hợp hoàn hảo giữa người viết chữ và người khắc chữ trên cơ sở nắm chắc kỹ nghệ thư pháp.

Theo hồ sơ di sản, bộ mộc bản mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa của dân tộc như: lịch sử diễn biến và quá trình hình thành hệ giá trị của nền y học cổ truyền; lịch sử nghề khắc in cổ truyền VN; văn hóa in ấn, lưu trữ và tàng bản cổ thư. Trong đó, nghề khắc in mộc bản cổ truyền VN đến nay gần như đã mai một, thất truyền.

Bên cạnh đó, hồ sơ cũng nhấn mạnh giá trị tư liệu lịch sử của tác phẩm. Điều đó thể hiện trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự, ghi chép về hành trình của Lê Hữu Trác từ quê nhà Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm. “Tác phẩm kể về những cuộc gặp gỡ giao lưu với nhiều người, miêu tả những điều mắt thấy tai nghe ở kinh đô, cuộc sống xa hoa, quyền uy, thế lực của nhà chúa cùng thái độ coi thường danh lợi của ông. Tập ký kết thúc bằng việc Lê Hữu Trác được về lại quê nhà, trở về với cuộc sống tự do, trong tâm trạng hân hoan, tiếp tục cống hiến đời mình cho y thuật”, hồ sơ viết.

Hồ sơ còn cho biết bộ mộc bản cũng góp phần hình thành hệ giá trị y học dân tộc. Ở thời kỳ trung đại, rất ít trường hợp các thầy thuốc, danh y có trước tác truyền bá rộng rãi. Phương thức truyền nghề hoặc bí truyền để tránh lộ nghề dẫn tới điều đó. Chính vì thế, các công trình y thư có giá trị tổng quan cũng vắng bóng. Trong hoàn cảnh đó, danh y Lê Hữu Trác với Hải Thượng y tông tâm lĩnh lại muốn sự nghiệp làm thuốc của mình có phần đóng góp cho đời, xây dựng sự nghiệp với nền y học nước nhà.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.