Những bảo vật quốc gia mới: Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/02/2022 07:30 GMT+7

Kỹ thuật vẽ nhiều màu, vẽ vàng trên bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ cho thấy tài khéo của người thợ Đại Việt.

Rồng bay vờn ngọc báu

Bảo vật quốc gia bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ 15 hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Bình cao 46 cm, đường kính miệng 16 cm, đường kính đáy 22,5 cm và đường kính thân 30,5 cm. Bình được phủ men kín cả trong lẫn ngoài, mép miệng cạo men; đáy không phủ men mà tô son nâu. Toàn bộ mặt ngoài được trang trí hoa văn với nhiều đồ án khác nhau. Hiện trạng bình còn khá nguyên vẹn, đáy bình bị rạn nứt, nhiều lớp màu vẽ trên men đã bị bay màu.

Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ

TL Cục Di sản văn hóa

Bảo tàng Quảng Ninh cho biết hoa văn được trang trí trên toàn bộ bề mặt ngoài của bình, từ miệng xuống đến chân đế. Hoa văn được vẽ bằng nhiều màu khác nhau, kỹ thuật vẽ hoa văn sử dụng bút lông vẽ dưới men và vẽ trên men.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho thấy thành miệng bình trang trí 16 cánh sen. Các cánh xếp liền nhau tạo thành một băng tròn phủ kín thành miệng, mỗi lớp cánh được thể hiện bằng một màu khác nhau. Lớp cánh trong cùng màu đỏ nâu, lớp tiếp theo là màu xanh lá cây và lớp ngoài cùng là màu xanh lam.

Đồ án hoa văn chính, bao phủ gần như toàn bộ diện tích thân trên của bình là đồ án trang trí 2 con rồng đang bay lượn vờn ngọc báu quay theo chiều kim đồng hồ. Đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, không có vảy, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây giương cao. Rồng có 4 chân, các chân được thể hiện ở tư thế vận động như đang đạp vào mây với các bắp cơ nổi khối, 4 ngón chân dang rộng như đang muốn cầm nắm lấy ngọc báu ở phía trước.

Ngọc báu được thể hiện là một hình tròn xoáy ốc từ 3 điểm, tạo cảm giác ngọc đang chuyển động khiến nó giống vòng tròn thái cực hơn là hình tượng của ngọc báu. Cách tạo hình này được cho là thể hiện sự vận động không ngừng của vũ trụ theo quan điểm của Đạo giáo. Giả thuyết này được bổ sung thêm bởi màu sắc chủ đạo trang trí bình là màu đỏ nâu hay còn gọi là màu chu sa, màu mang tính biểu trưng của Đạo giáo. Với màu sắc và đồ án hoa văn như vậy, dường như bình được dùng trong các nghi lễ hoặc thể hiện triết lý của Đạo giáo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thân rồng trên bình gốm rất uyển chuyển. Tuy nhiên, nó không còn uốn tròn kiểu thắt miệng túi như rồng thời Lý - Trần nữa. So với hình rồng trang trí ở bậc thềm điện Kính Thiên hay rồng trên bát men trắng thấu quang ở Hoàng thành Thăng Long, hình rồng trên bình gốm này không mềm mại bằng. Mặc dù vậy, hình rồng trên bình gốm có những nét tương đồng với rồng trên lư hương hoặc chân đèn thời Mạc, tiêu biểu như hình rồng vẽ trên lư hương gốm men trắng vẽ lam hiện trưng bày tại Bảo tàng Machida, Tokyo (Nhật Bản) hay trên chân đèn gốm men trắng vẽ lam hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định.

Hình rồng 4 móng cho thấy phẩm cấp cao của bình

Kỹ thuật sản xuất gốm đỉnh cao thời Lê sơ

Theo hồ sơ bảo vật, bình gốm men vẽ nhiều màu là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Điều này thể hiện rõ ở chất liệu, màu men và đặc biệt là kỹ thuật vẽ nhiều màu. Theo đó, nguyên liệu chế tạo là đất sét trắng được lọc ủ kỹ, cộng với độ nung cao khiến cho xương gốm có kết cấu xốp mà vẫn chắc. Kỹ thuật vẽ nhiều màu cùng lúc đòi hỏi trình độ thẩm mỹ để kết hợp chính xác các nét vẽ của hai lần vẽ khác nhau. Họa tiết dưới men được vẽ trực tiếp lên cốt gốm trước khi phủ men, sản phẩm này được nung sau đó mới vẽ họa tiết trên men và nung lần thứ hai.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, thời Lý - Trần có dòng sứ tiêu biểu là sứ men trắng, gốm men lục và gốm hoa hâu. Thời Lê sơ lại có dòng gốm sứ tiêu biểu là gốm men vẽ lam và đặc sắc nhất là loại gốm men vẽ nhiều màu. “Bình gốm này thuộc nhóm gốm đặc sắc thời Lê sơ - gốm men vẽ nhiều màu”, hồ sơ nêu.

Không chỉ khác biệt với các dòng gốm trong nước, bình gốm nhiều màu này còn cho thấy kỹ thuật đáng nể so với khu vực. Kỹ thuật gốm men vẽ nhiều màu xuất hiện tại Trung Hoa từ thời Đường và phát triển mạnh mẽ ở các thời đại sau, trở thành một dòng gốm sứ đặc sắc. Ở Việt Nam, kỹ thuật gốm men vẽ nhiều màu xuất hiện và phát triển mạnh dưới thời Lê sơ thế kỷ 15. “Nhưng, khác với gốm men vẽ nhiều màu của Trung Hoa, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng… gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men”, hồ sơ nhấn mạnh. Các phân tích thành phần cho thấy vàng đã được vẽ lên men, dù đã bị bay gần như hoàn toàn theo thời gian.

Hồ sơ bảo vật cũng nhấn mạnh việc kỹ thuật vẽ vàng trên men đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao không chỉ ở khâu vẽ mà còn cả ở các khâu khác để đảm bảo có một sản phẩm chất lượng cao. Do vậy, việc xuất hiện kỹ thuật dùng kim loại vàng làm màu vẽ thể hiện trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ của Đại Việt thế kỷ 15. “Những nghiên cứu về lịch sử gốm sứ đều thống nhất cho rằng, kỹ thuật dùng kim loại vàng vẽ trên gốm chỉ xuất hiện tại Trung Hoa dưới thời Thanh. Điều này càng cho thấy sức sáng tạo của các thợ gốm Đại Việt”, hồ sơ viết.

Về hình rồng 4 móng, các nhà nghiên cứu không cho rằng đây là biểu hiện của vương triều, dù đồ dành cho hoàng thái tử thường vẽ rồng như vậy. Các sản phẩm gốm cao cấp Việt Nam thời Lê sơ khi xuất khẩu được tìm thấy trên tàu đắm cũng có hình rồng kiểu này. “Như vậy, rồng 4 móng ngoài biểu trưng cho hoàng thái tử, có thể có hàm ý các sản phẩm được trang trí có đẳng cấp chỉ xếp sau những sản phẩm dành riêng cho nhà vua”, hồ sơ viết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.