Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Vẽ lại điện Kính Thiên thời Lê sơ

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
14/11/2021 06:00 GMT+7

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, dù có những giả thuyết về hình ảnh điện Kính Thiên thời Lê được đưa ra, vẫn cần khai quật khảo cổ và nghiên cứu bổ sung mới có thể phục dựng công trình này.

Nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, công bố sáng 12.11 tại tọa đàm quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện cổ VN thời Lê sơ” đã cho thấy hình ảnh điện Kính Thiên giai đoạn này. Hình ảnh được đưa ra cho thấy cấu trúc mái cung điện với đấu củng, các loại ngói lợp, trong đó có ngói rồng màu men vàng với hình rồng, giống như phong cách nhiều đồ ngự dụng đã tìm thấy. Mặt bằng điện Kính Thiên cũng được vẽ sơ bộ, có nét tương đồng với Lam Kinh - một hành cung của nhà Lê sơ. “Chúng tôi sẽ công bố hình ảnh tổng thể 3D trong tháng 12 này”, ông Trí chia sẻ.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại đưa ra các nghiên cứu về nhiều cấu kiện gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện Kính Thiên. Chúng được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ từ 2017 - 2021 do Viện Khảo cổ và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phát hiện.

Qua tọa đàm, có thể thấy việc vẽ lại điện Kính Thiên vẫn khó nhất ở mặt bằng. Qua một số nghiên cứu so sánh, PGS-TS Bùi Minh Trí cho rằng có những tương đồng giữa mặt bằng điện Kính Thiên với chính điện ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Ông Trí cũng dựa vào một bản vẽ mặt bằng do PGS-TS Tống Trung Tín công bố để dựng lại hình ảnh 2D của điện Kính Thiên. Mặc dù vậy, do chưa có khai quật, điện Kính Thiên đến nay cũng chỉ còn lại thềm điện nguyên vẹn, nên phương án mặt bằng mà PGS-TS Tín đưa ra cũng chưa chắc có chính xác hết hay không.

Thềm điện Kính Thiên thời Pháp

TƯ LIỆU

“Thường thì đơn vị nào thấy cần thiết họ sẽ đặt hàng nghiên cứu. Nhưng ở đây, Viện Nghiên cứu kinh thành tự bỏ thời gian, công sức nghiên cứu mà không phải theo yêu cầu đặt hàng nào. Chúng ta cũng chờ đợi thêm các ý kiến phản biện chi tiết về nghiên cứu này vì nhiều chỗ vẫn chỉ là suy đoán. Nhiều chi tiết vẫn cần được khẳng định bằng kết quả khai quật khảo cổ học”, PGS-TS Tín nêu ý kiến.

Sách thiếu nhi nổi bật trong giải thưởng Sách quốc gia

Tối 12.11, lễ trao giải thưởng Sách quốc gia diễn ra tại Hà Nội. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Sách quốc gia, đánh giá nét nổi bật trong mùa giải lần này là mảng sách thiếu nhi.

Ông Vũ Đức Đam (phải), Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó thủ tướng; và ông Nguyễn Trọng Nghĩa (trái), Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; trao giải thưởng Sách quốc gia lần 4 cho các tác giả và nhóm tác giả vào tối 12.11

BTC

Số lượng sách mảng này tuy không nhiều so với các mảng khác nhưng thể loại khá phong phú, chất lượng được đánh giá cao hơn so với những năm trước. “Trong mùa giải này, sách thiếu nhi chiếm 1 giải A, 4 giải B, 2 giải C trong tổng số 24 giải. Điều này cho thấy mảng sách thiếu nhi năm nay có nhiều khởi sắc, được sự quan tâm của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách”, ông Bảo cho biết.

Báo cáo tổng kết giải thưởng Sách quốc gia cũng cho biết giải năm nay có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và được xã hội quan tâm.

Nên tu bổ di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn thế nào?

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện xung quanh đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng).

Tháng 12.2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đến tháng 4.2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Công tác trùng tu, tu bổ di tích tại Ngũ Hành Sơn được khuyến cáo thận trọng để gìn giữ tính nguyên gốc

HOÀNG SƠN

Tại báo cáo kết quả hội nghị phản biện xã hội đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Ủy ban MTTQ TP đã tổng hợp nhiều ý kiến giá trị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa gửi đến Thành ủy, HĐND TP, UBND TP.Đà Nẵng. Các góp ý quy hoạch hết sức quan tâm đến sự hài hòa đối với cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” của khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. “Cần hạn chế tối đa việc nhựa hóa, bê tông hóa, phố hóa trong khu vực này. Chẳng hạn, thay tráng nhựa mặt đường bằng sử dụng đá chẻ lát nền đường”, PGS-TS Ngô Văn Minh - Hội Di sản văn hóa TP.Đà Nẵng, kiến nghị.

Trong khi đó, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng cho rằng nên xem xét mở rộng thêm ranh giới nghiên cứu quy hoạch qua bên bờ bên kia của sông Cổ Cò khu vực hướng tây và nam của đồ án nhằm gắn kết cảnh quan ven sông với cảnh quan chung của danh thắng.

Một yếu tố gốc khác được ông Huỳnh Văn Phương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.Đà Nẵng đề cập là cư dân bản địa. Theo ông Phương, không nên giải tỏa trắng dân cư xen kẽ trong di tích mà chỉ giải tỏa các nhà dân ở khu vực sát chân núi, vì dân cư chính là hồn cốt, là văn hóa, là kiến trúc mang hơi thở cuộc sống, làm “sống động” thêm cho di tích. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận việc quy hoạch mô hình du lịch sinh thái làng quê tại khu vực phía tây bắc là phù hợp. Đây là khu vực có nhiều nhà cổ tư nhân, đã trải qua nhiều đời sinh sống, người dân ở đây cũng quen với lối sống này nên quan điểm giữ nguyên nét cổ kính của các ngôi nhà cổ.

Rà soát bản quyền âm nhạc

Nhiều nhạc sĩ tiếp tục lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị “cầm nhầm”. Trong đó, có 7 CD do Hội Nhạc sĩ Việt Nam sản xuất đang bị BHMedia sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.

Sáng 9.11, nhiều nhạc sĩ đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để lên tiếng về những tác phẩm của mình. Một số khác đã tới VCPMC từ trước và có biên bản làm việc. Cũng có nhiều đơn kiến nghị gửi VCPMC để nhờ trung tâm này thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài nhạc sĩ Giáng Son đã lên tiếng về Giấc mơ trưa bị “nhầm tác quyền”, các nhạc sĩ khác cũng đã lên tiếng như: Ngọc Khuê, Ngô Tự Lập đại diện nhóm nhạc M6, Trần Thanh Tùng, Bảo Chấn, Hoàng Sông Hương…

CD gây ồn ào thời gian qua của Dương Thùy Anh

T.L

Thông tin từ VCPMC cho biết có 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất đang bị BHMedia sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. Theo đó, 100% quyền tác giả thuộc về các tác giả thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Quyền liên quan 100% thuộc về Hội Nhạc sĩ Việt Nam là đơn vị chủ đầu tư thuê ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm phối khí, ký hợp đồng với NXB Âm nhạc là Dihavina để thu âm, in xuất bản đĩa CD.

Một phần để lại của lịch sử là trên các giấy phép cấp để lưu hành băng đĩa, đơn vị xin cấp phép được ghi tên ở đó. Quy định về thủ tục cấp phép cũng có đoạn “đơn vị xin cấp phép phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà đơn vị mình sản xuất”. Giấy phép cũng không có thông tin gì về việc khoản tiền sản xuất từ nguồn nào. Chính vì thế, nếu chỉ căn cứ vào giấy phép lưu hành, ưu thế về việc được công nhận là nhà sản xuất đang nghiêng về phía hãng băng đĩa. Về điều này, nhạc sĩ Giáng Son cho rằng nhạc sĩ có thể làm việc với người phối khí, phòng thu… xác nhận là đã trả tiền từ A - Z

Bên cạnh đó, nếu các nhạc sĩ không xuất trình được hợp đồng sẽ rất khó trong việc chứng minh mình đã ủy quyền như thế nào cho hãng băng đĩa. Họ có thể yêu cầu đối tác là Hồ Gươm Audio hoặc Dihavina trình hợp đồng. Tuy nhiên, khả năng đối tác trả lời không còn giữ hợp đồng là có thể xảy ra. Khi đó, sẽ khó khăn để chứng minh đối tác vi phạm khi tự ý chuyển các bản ghi sang định dạng khác, phát hành trên nền tảng khác mà tác giả chưa được xin phép. Như vậy, một cuộc rà soát bản quyền âm nhạc với số lượng lớn sẽ phải được thực hiện.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ được đặt tên đường

Ngày 9.11, Hà Nội lấy ý kiến về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ đặt tên cho 38 đường phố mới, điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường và phố. Nghị quyết trên sẽ được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 12 tới.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

UBND thành phố đề xuất phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại phường Trung Hòa. Phố dài 470 m, rộng 10 m (trong đó lòng đường rộng 6 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2 m).

Phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430 m, rộng 17,5 đến 26 m (lòng đường 7,3 đến 13 m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5 m).

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk sẽ làm phần 2 series Squid Game

Nhiều nguồn tin sáng 10.11 cho biết đạo diễn Hwang Dong Hyuk sẽ thực hiện mùa 2 của series đình đám Trò chơi con mực (Squid Game).

Phim Squid Game được nhiều khán giả theo dõi trên nền tảng trực tuyến

NETFLIX

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk - "cha đẻ" series Squid Game (Trò chơi con mực), xác nhận sẽ thực hiện phần tiếp theo của phim. Anh nói: "Tôi đang suy nghĩ về mùa 2. Tôi đang lên kế hoạch thực hiện. Nhưng tôi thấy vẫn còn quá sớm để tiết lộ khi nào bắt tay vào dự án. Vì vậy tôi hứa với mọi người, nhân vật Seong Gi Hun sẽ quay trở lại và làm điều gì đó cho thế giới".

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk lấy cảm hứng từ trò chơi cùng tên của rất nhiều trẻ em Hàn Quốc thập niên 1970 - 1980 để sáng tạo phim. Mùa đầu tiên của series phát sóng từ tháng 9, nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.