Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Lâm Đồng chọn xây quần thể khách sạn trên đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
31/10/2021 06:00 GMT+7

Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, ký ban hành văn bản lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư Việt Nam về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt đã được lựa chọn.

Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, ngày 30.6.2021, Sở đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh thuộc đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực Trung tâm Hòa Bình (TP. Đà Lạt). Tại buổi làm việc, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đã có biên bản làm việc thống nhất với phương án kiến trúc được lựa chọn; riêng Hội KTS Việt Nam đã đề xuất kế hoạch khảo sát thực địa và đăng ký làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị có liên quan.

Mô hình phương án 1: Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt sẽ được nâng lên 28 m, phía dưới là quần thể khách sạn

GIA BÌNH

Trước đó, ngày 12.4.2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Kết luận số 130 về triển khai quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng khu vực Trung tâm Hòa Bình. Theo kết luận này, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương xây dựng lộ trình thực hiện dự án; hoàn chỉnh và sớm phê duyệt phương án kiến trúc khách sạn đồi Dinh (phương án 1 của KTS Thierry Van de Winagaert) làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Cũng liên quan dự án này, từ ngày 14.8 - 14.9.2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp UBND TP. Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng do các KTS Thierry Van de Winagaert (tư vấn Escape Architecture International - EAI), KTS Hồ Thiệu Trị (tư vấn HTT), KTS Salvador Perez Arroyo (tư vấn SDesign) sáng tác. Thời điểm đó, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết thông tin thêm về Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt cũng như ghi nhận nhiều ý kiến của các KTS trong nước bày tỏ sự không đồng tình với cả 3 phương án kiến trúc được trưng bày này. Ngày 15.9.2020, Hội KTS Việt Nam gửi văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng có ý kiến về 3 phương án xây dựng khách sạn quy mô 10 tầng tại đồi Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt. Văn bản của Hội KTS Việt Nam khi đó nêu: “Vì mục đích trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên để xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, Hội KTS Việt Nam đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, KTS trong cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh tỉnh trưởng ở TP. Đà Lạt”.

Chiếc mũ quan lại triều Nguyễn bán đấu giá được 20 tỉ đồng có gì lạ?

Một hiện tượng độc đáo chưa từng có trong các phiên đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài là vào ngày 28.10 vừa qua, một chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn đã được bán thành công với giá 600.000 EUR (khoảng hơn 20 tỉ đồng cả thuế và phí).

Câu chuyện bắt đầu “nóng” cách đây khoảng một tuần, từ việc TS.Trần Đức Anh Sơn đăng trên trang cá nhân thông tin chiếc mũ của quan lại triều Nguyễn được đấu giá ở Tây Ban Nha, với giá khởi điểm 500 - 600 EUR. Thế là sự việc trở nên ồn ào với nhiều thắc mắc đại loại như, mũ đó thật hay giả, mũ đó của quan có phẩm hàm nào?…

Mặt bên chiếc mũ quan lại triều Nguyễn vừa bán đấu giá

BALCLIS

Về chiếc mũ phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21 giờ ngày 28.10) tất cả gồm có: hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh; Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép là dùng 2 lông làm thành một dây để kết.

Qua đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế, thì cho thấy rất nhiều điểm khác lạ như: bác sơn thay vì diềm phía dưới là văn sóng nước để cùng với văn mây ở diềm trên để tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc trong khung cảnh trời mây nước, nhưng ở đây lại được thay bằng văn cánh hoa. Còn hoa, vẫn là hoa cúc nhưng được cách điệu hơi khác so với hoa ở các mũ, và lại còn có sự khác biệt như. Các mũ có các lớp cánh hoa nổi ở trên một nền dây lá, nhưng ở đây không có nền dây lá và thay vào đó là một vòng tròn và vòng tròn dây lá bao quanh.

Vấn đề dư trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân, như ở bản vẽ về mũ của Chánh Nhất phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa và cả ở mũ hiện tồn như chiếc mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong (hàm Tòng Nhất phẩm), mũ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Chánh Nhị phẩm) cũng cho thấy điều này, nhưng thường là dư 1 hoa ở trước mũ và 1 hoa sau mũ. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là dư 2 giao long, bởi đây là lần đầu được biết đến. Như vậy phát hiện này cho thấy chủ nhân của chiếc mũ quan lại triều Nguyễn đã được đặc ân mà từ trước đến nay chưa hề có.

Kết quả phiên đấu giá thật sự là một dấu hiệu mừng cho cổ vật Việt Nam, mà cụ thể là chiếc mũ quan lại triều Nguyễn đã được đánh giá đúng thực chất, một lần nữa khẳng định vị thế của cổ vật Việt Nam ngày càng có giá trị cao trên thị trường đấu giá quốc tế.

Trùng tu sai thiết kế, di tích cấp tỉnh chùa Bạch Tượng bị hủy xếp hạng

Ngày 29.10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ngày 28.10, UBND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, H.Nga Sơn, Thanh Hóa).

Hạng mục xây dựng sai thiết kế bản vẽ thi công trong dự án tu bổ, tôn tạo chùa Bạch Tượng khiến di tích cấp tỉnh bị hủy xếp hạng

PHÚC NGƯ

Nguyên nhân là do trong quá trình tu bổ, tôn tạo chùa Bạch Tượng, UBND xã Nga Giáp (đơn vị làm chủ đầu tư dự án) đã thi công một số hạng mục sai thiết kế, bản vẽ thi công. Đáng chú ý là sự việc đã được cơ quan chức năng phát hiện, nhiều lần đình chỉ xây dựng, yêu cầu xử lý dứt điểm, nhưng công trình vẫn được hoàn thiện sai thiết kế.

Liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo UBND xã Nga Giáp khi thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bạch Tượng, UBND H.Nga Sơn đã kỷ luật một số cán bộ. Chùa Bạch Tượng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2006.

Nhà văn Triệu Xuân đã vào "cõi mê" sau những tháng ngày đau đớn với bệnh tật

Trưa 26.10, giới văn chương phương Nam rơi nước mắt về sự ra đi của nhà văn Triệu Xuân - tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: Giấy trắng, Cõi mê, Nổi chìm trong dòng xoáy..., sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo.

Nhà văn Triệu Xuân tên khai sinh là Triệu Xuân Điến; ông còn có các bút danh khác: Triệu Minh, Minh Đức, Triệu Minh Đức. Ông sinh ngày 4.9.1952 tại An Đức, Ninh Giang (Hải Dương). Ông là một nhà văn, nhà báo đa tài, sống nghĩa tình cùng đồng nghiệp và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1986. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường của Đài phát thanh Giải phóng, thường trú tại Khu V (Trung Trung Bộ). Sau 1975, ông là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM; Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1997, ông là Phó trưởng cơ quan đại diện Báo Đầu tư - Vietnam Investment Review tại TP.HCM; từ tháng 12.2000 đến tháng 10.2012 là Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP.HCM.

Nhà văn Triệu Xuân

WWW.TRIEUXUAN.INFO

Ông làm ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM hai nhiệm kỳ 4 - 5, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Phó trưởng Chi hội Hội Nhà văn VN tại TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông tham gia sáng lập và là Chủ tịch nhóm Văn chương Hồn Việt, làm chủ biên nguyệt san Văn chương ngày nay, hợp tuyển Văn thơ chọn lọc. Nhà văn Triệu Xuân có nhiều tác phẩm lớn để lại cho đời: Sức mạnh từ trong lòng đất (truyện ký), Những người mở đất (truyện vừa), Nổi chìm trong dòng xoáy, Đâu là lời phán xét cuối cùng, Giấy trắng, Trả giá, Bụi đời (tiểu thuyết), Lấp lánh tình đời (truyện và ký)...

Quảng Ninh xác minh bài thơ cổ bị vùi dưới chân núi Bài Thơ

Ngày 28.10, thông tin từ UBND TP.Hạ Long cho biết đơn vị này đang phối hợp với Sở VH-TT Quảng Ninh để xác minh việc một bài thơ cổ trên núi của Nguyễn Cẩn sáng tác vào những năm 1910, nghi bị chôn vùi nhiều năm.

Trước đó, theo phản ánh của người dân TP.Hạ Long, quá trình tôn nền thi công khu Đền thờ bài thơ cổ núi Bài Thơ đã khiến bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới đất khoảng 2m.

Theo Sở VH-TT Quảng Ninh, trước đây, bài thơ của Nguyễn Cẩn ở trên vách núi, nằm thấp hơn so với các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương.

Việc thi công cảnh quan khuôn viên Đền thờ bài thơ cổ núi Bài Thơ đã khiến bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới đất

N.H

Bài thơ của Nguyễn Cẩn là một trong 3 thi phẩm kiệt xuất trong chùm thơ 12 bài, hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ, được bảo tồn theo Luật Di sản. Trong các bài thơ được khắc trên núi, bài thơ đầu tiên là của vua Lê Thánh Tông, được vua cho khắc năm 1468 khi nhà vua đưa quân đi tuần qua đây.

261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô vương Trịnh Cương, khi đem quân đi tuần qua đây, thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Tuy nhiên, bài thơ của chúa Trịnh lại được khắc ở vị trí cao hơn bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Chính vì thế, trong bài thơ của mình năm 1910, Nguyễn Cẩn đã trách mắng chúa An Đô vương Trịnh Cương vì ứng xử như vậy.

Nguyễn Cẩn có tên trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam do nhà thư mục học lớn là Trần Văn Giáp biên soạn, NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1971. Ông có tên hiệu là Hương Khuê, tác giả nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỉ 20. Nguyễn Cẩn làm quan Án sát triều Nguyễn, được vua Nguyễn bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao tặng Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội

Chiều 28.10, tại lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14, nhạc sĩ Hồng Đăng được tôn vinh với Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội bởi những cống hiến cho âm nhạc của thủ đô.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

T.L

Quê gốc ở Yên Thành, Nghệ An, nhạc sĩ Hồng Đăng ra Hà Nội và học Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1 năm 1956. Tác phẩm sớm nhất ông trình làng với thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 với sự tham gia chỉ huy của Nguyễn Hữu Hiếu. Tiếp đó, nhiều sáng tác của ông gắn liền với Hà Nội như Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa… Được viết cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ nhưng ca khúc Hoa sữa của Hồng Đăng đã có đời sống riêng và trở thành ca khúc nổi tiếng về Hà Nội. Vì lý do sức khỏe, nhạc sĩ Hồng Đăng không thể tham dự, vợ và con gái đã thay mặt ông để nhận giải thưởng này.

Hàn Quốc trao Huân chương Văn hóa cho sao đoạt giải Oscar Youn Yuh Jung

Theo Yonhap News, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vừa thông báo trao tặng huân chương văn hóa hạng nhất Geumgwan cho nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh Jung. Lễ trao huân chương sẽ diễn ra trong khuôn khổ Giải thưởng Văn hóa và Nghệ thuật đại chúng Hàn Quốc 2021 (Korea Popular Culture and Arts Awards) tổ chức vào tối 28.10 ở Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc.

Ngôi sao gạo cội Youn Yuh Jung giành tượng vàng Oscar 2021 ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc

G.I

Huân chương Văn hóa là giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở xứ kim chi. Danh hiệu này được trao tặng cho Youn Yuh Jung vì những đóng góp của bà trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh quê nhà. Nữ nghệ sĩ 74 tuổi đã chinh phục tượng vàng Oscar 2021 ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho vai diễn trong phim Minari, trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Oscar về diễn xuất. Trước Youn Yuh Jung, đạo diễn Bong Joon Ho và tài tử Song Kang Ho cũng nhận Huân chương Văn hóa sau chiến thắng lịch sử của phim Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) tại lễ trao giải Oscar 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.