Động thái này nằm trong khuôn khổ ưu tiên cao nhất mà nhà nước Ai Cập dành cho việc thu hồi các cổ vật bị buôn lậu và đưa chúng về quê hương, theo tờ Daily News Egypt.
Các quan chức Ai Cập cho biết họ lên kế hoạch thực hiện nhiều thủ tục pháp lý để thu hồi 5 cổ vật bị tịch thu từ Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) như một phần của cuộc điều tra trên diện rộng liên quan đến cựu Chủ tịch - Giám đốc Bảo tàng Louvre Jean-Luc Martinez.
Năm cổ vật, được cho có trị giá tổng cộng hơn 3 triệu USD, đã bị tịch thu khỏi bảo tàng bởi giới hữu trách New York theo lệnh ký ngày 19.5.2022 từ Tòa án Tối cao bang New York, The Art Newspaper đưa tin.
“Các biện pháp đang được thực hiện để thu hồi những cổ vật đó”, cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass, một thành viên hàng đầu của ủy ban đặc biệt được thành lập để hồi hương các cổ vật bị đánh cắp, nói với ABC News.
Ông Zahi Hawass nhìn một cỗ quan tài có niên đại khoảng năm 1070 - 945 trước Công nguyên được Mỹ trả lại cho Ai Cập |
AFP |
Bảo tàng mua cổ vật không rõ nguồn gốc
Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (còn gọi là The Met) đã mua số cổ vật nói trên trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2015, bao gồm bức chân dung của một phụ nữ được vẽ dưới thời trị vì của hoàng đế La Mã Nero (54 - 68 sau Công nguyên) và những mảnh vải lanh của Sách Xuất hành (The Book of Exodus) có từ “thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm trước Công nguyên”.
Các cổ vật được đề cập còn bao gồm một tấm bia đá granit màu hồng của vua Tutankhamun mà Bảo tàng Louvre Abu Dhabi từng mua vào năm 2016. Theo bảo tàng, tấm bia có niên đại khoảng năm 1327 trước Công nguyên. Louvre Abu Dhabi là một bảo tàng lớn tại Abu Dhabi (UAE) và được gắn từ Louvre vào tên của mình đến năm 2037 theo thỏa thuận hợp tác giữa Pháp và UAE.
“Trong suốt cuộc điều tra này, The Met đã hoàn toàn hợp tác và sẽ tiếp tục như vậy”, một phát ngôn viên của The Met nói với ABC News. Martinez, người đứng đầu Bảo tàng Louvre từ năm 2013 - 2021, bị buộc tội vào tháng 5.2022 vì đồng lõa và gian lận trong việc che giấu nguồn gốc của những món đồ cổ do The Met và Louvre Abu Dhabi mua, theo công bố của công tố viên Paris.
“Về Bảo tàng Louvre, chúng tôi đang chờ kết thúc điều tra để yêu cầu trả lại cổ vật”, Zahi Hawass nói thêm trong khi các quan chức khác cho biết chính quyền Ai Cập đã theo dõi vụ việc với các đối tác Pháp kể từ năm 2020. Nhà Ai Cập học nổi tiếng Zahi Hawass đả kích cả hai bảo tàng lớn kể trên vì nhắm mắt làm ngơ nguồn gốc của những cổ vật đã mua. Ông cho biết tất cả cổ vật được “bí mật khai quật” và buôn lậu ra khỏi Ai Cập vào năm 2011 khi đất nước đang chìm trong cuộc hỗn loạn Mùa xuân Ả Rập.
Một khuôn mặt trong quan tài Ai Cập bằng gỗ sơn có niên đại năm 945-712 trước Công nguyên |
afp |
Shaaban Abdel Jawad - Tổng giám sát của Cục Thu hồi cổ vật - giải thích rằng các cổ vật thu hồi bị buôn lậu, ra khỏi Ai Cập một cách bất hợp pháp, điều này đã được chứng minh bằng các cuộc điều tra được tiến hành ở Mỹ.
Ngoài ra, trong số các cổ vật được thu hồi còn có 9 đồ tạo tác quý hiếm thuộc sở hữu của một doanh nhân người Mỹ, được chứng minh là mua lại một cách bất hợp pháp, ngoài ra còn có một đồng tiền vàng có từ thời Ptolemaic (300 năm trước Công nguyên).
Số cổ vật này được chuyển đến Tổng lãnh sự quán Ai Cập ở New York để hồi hương nhanh chóng. Hãng thông tấn nhà nước Al-Ahram của Ai Cập sau đó đưa tin nước này nhận được 16 cổ vật sau khi các quan chức du lịch và nhà ngoại giao của họ kết thúc cuộc điều tra với chính quyền Mỹ.
“Cổ vật bị đưa khỏi Ai Cập bất hợp pháp sớm muộn cũng sẽ quay lại”
Năm ngoái, Ai Cập đã nhận lại các cổ vật từ Pháp. Các nhà chức trách cũng bắt giữ một số chính trị gia và doanh nhân Ai Cập vào thời điểm đó với cáo buộc tham gia hoạt động buôn lậu cổ vật bất hợp pháp. Israel cũng trao lại gần 100 hiện vật cho Ai Cập vào tháng 12.2021. Gần đây nhất, Ai Cập đã yêu cầu trả lại tác phẩm điêu khắc Sphinx từ Bảo tàng Louvre ở Paris.
Vào năm 2019, các nhà chức trách Mỹ trả lại cho Ai Cập quan tài mạ vàng chứa xác ướp tu sĩ Nedjemankh thời Ai Cập cổ đại, sau khi nó được bán cho The Met thông qua việc gian lận giấy tờ xác nhận nguồn gốc 2 năm trước đó. Ai Cập cho biết thu hồi tổng cộng 5.000 cổ vật từ Mỹ trong năm 2021.
Để ngăn chặn nạn buôn lậu cổ vật, ông Zahi Hawass điều động các nhân viên chuyên trách về cổ vật làm việc tại các cảng và sân bay. Từ năm 2018 Ai Cập tăng hình phạt tội buôn lậu đồ cổ lên 3 - 5 năm tù giam, mức cao nhất là 25 năm tù giam và một khoản tiền phạt tối thiểu là 317.432 USD.
Các bản thảo cổ của Ai Cập được thu hồi |
t.r |
“Bất kỳ món cổ vật nào bị đưa ra khỏi Ai Cập một cách bất hợp pháp, nó sẽ quay trở lại. Đó là mục tiêu chính của chúng tôi”, ông Shaaban Abdelgawad - Giám đốc bộ phận hồi hương cổ vật của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập khẳng định. Ông Abdelgawad cho biết thêm Ai Cập đã ký một số thỏa thuận song phương trong suốt thập niên qua với Chile, CH Síp, Ecuador, Guatemala, Hy Lạp, Ý, Jordan, Li Băng, Peru, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ để hồi hương cổ vật. (còn tiếp)
Bình luận (0)