Khi tiếp cận mảnh đất Triêm Tây (xã Điện Phương, H.Điện Bàn, Quảng Nam), KTS Bùi Kiến Quốc mê ngay, dù vùng đất này, mỗi năm có hàng ngàn mét khối đất lở trôi theo dòng nước dữ.
Giữ vùng đất lở
Cách Cửa Đại (TP.Hội An) không xa, năm 2009, làng Triêm Tây được chính quyền Quảng Nam đưa vào diện di dời bởi sau mỗi mùa mưa lũ, bờ sông sạt lở nặng, dìm một số ngôi nhà và những bờ tre xanh mát, những khu vườn trù phú đổ nhào theo dòng nước dữ. Tình trạng này kéo dài, đã khiến 147 hộ dân ở Triêm Tây lo lắng, bất an, buộc chính quyền địa phương phải lên kế hoạch di dời đầy tốn kém. Đúng lúc này, KTS Bùi Kiến Quốc xuất hiện và dự án Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây được ông đệ trình lên lãnh đạo Quảng Nam. Theo KTS Bùi Kiến Quốc, rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông “nhảy” vào vùng đất “chết” và mọi người đều nghĩ rằng “ông Quốc này có vấn đề”. Thế nhưng, với những gì đã được lĩnh hội ở Khoa Kiến trúc - ĐH Mỹ thuật Paris, KTS Bùi Kiến Quốc thuyết phục lãnh đạo các cấp đồng ý để ông thực hiện dự án du lịch mà ông nói đúng chất dân quê là “dự án giữ đất, giữ làng” với tổng diện tích đất được cấp gần 15.000m2. Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng khu du lịch với những căn nhà đơn sơ, dựng phên tre, lợp ngói, song cực kỳ vững chãi nằm dưới bụi tre già, chen lẫn nào là cây ô ma, ổi, chuối, khế... xanh tốt. Những con đường vòng vèo dẫn từ khu nhà này sang nhà khác ngập tràn nắng vàng, vang vọng tiếng ve và âm thanh lạo xạo từ những chiếc lá khô rơi rụng được phân định bằng những hàng dâm bụt, chè tàu cắt xén công phu. Ở khu du lịch này, màu xanh là màu chủ đạo, thế thôi. Để có được hình hài đẹp đẽ như ngày hôm nay, KTS Bùi Kiến Quốc phải mất gần 4 năm, trong đó kỳ công nhất phải kể đến chuyện trị thủy, chống sạt lở bờ sông để ổn định con đất. Đứng trên kè bê tông, sát mép nước, sóng vỗ nhè nhẹ, KTS Bùi Kiến Quốc say sưa nói về 3 năm dãi dầu mưa nắng cùng công nhân đổ hàng trăm khối bê tông. “Khi nhận làng, nhận vùng đất sạt lở tè le này, tôi đã dày công nghiên cứu tính toán, thiết kế bờ kè bằng bê tông cốt thép, song phải đặc biệt mềm dẽo với thiên nhiên. Bởi theo quan niệm của tôi, với thiên nhiên không nên dùng lực cản để áp chế, làm thế là đối kháng sẽ không trụ nổi... Và thiết kế kè sông theo hình bậc thang thay thế cách làm kè sông theo kiểu bê tông thẳng đứng cũ kỹ đã thực sự làm cho vùng đất Triêm Tây tồn tại”, KTS Bùi Kiến Quốc nói về chuyện làm kè chống sạt lở bờ sông. Chưa hết, trên một số đoạn kè, ông còn xây dựng những hồ bơi mini, trồng những hàng cây chỉ cách mép sông không quá vài bước chân. Qua 3 năm cần mẫn, tiêu tốn trên 5 tỉ đồng, hàng chục mét kè sông đã được hoàn thiện, trải bao thử thách, kè đã đứng vững. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và sự sáng tạo của con người đã làm hồi sinh cho vùng đất nơi đây. Quả thực, đi dọc theo bờ sông Thu Bồn lộng gió, tận mắt chứng kiến cách làm kè sông “không giống ai” này và những ngôi nhà mới xây đơm đầy hoa trái của người dân trong làng mới hiểu được nỗi niềm, tình cảm của KTS Bùi Kiến Quốc đã gửi vào đất này. “Có giữ được bờ sông, giữ được đất thì mới giữ được dân, rồi mới nói đến chuyện giữ làng, dựa vào làng để phát triển du lịch”, KTS Bùi Kiến Quốc trải lòng sau nhiều năm gắn bó với làng Triêm Tây.
|
Giữ nếp làng xưa
KTS Bùi Kiến Quốc tâm sự: “Nếu bạn còn trẻ, bạn đừng ngại thử thách, đừng ngại thất bại. Bởi có trải qua thử thách, có thất bại thì bạn mới có thêm những kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân. Trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo nên dành cho những công việc có ích.”. Trở lại với khát vọng của mình cho vùng quê yên bình bên bờ sông Thu Bồn này, KTS Bùi Kiến Quốc bộc bạch: “Dự án Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây này là một thí điểm về việc liên kết giữa bảo vệ vùng quê và phát triển du lịch. Dự án có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế và văn hóa khi nó đạt được cùng lúc nhiều mục đích như bảo vệ được bản sắc văn hóa lâu đời của người dân và với nguồn thu nhập từ một mô hình du lịch “nông thôn” sẽ tạo điều kiện để họ cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ sẽ không phải bỏ làng quê đi nơi khác để kiếm kế mưu sinh”. Làng Triêm Tây chỉ cách TP.Hội An chừng 10 phút đi ca nô, có nhiều tiềm năng, nhưng để khai thác nó như thế nào cho hiệu quả mới quan trọng. “Chủ trương của tôi khi xây dựng dự án là bảo tồn và phát triển văn hóa của một làng nông thôn, phát triển kinh tế dựa vào du lịch, phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa và phát triển văn hóa dựa vào người dân”, KTS Bùi Kiến Quốc nói. Rồi ông tiếp tục biện giải: “Muốn có “nông thôn” thì phải có những người nông dân thực thụ. Chính bản thân họ và những nét văn hóa, những sinh hoạt thường ngày sẽ làm nên vẻ đẹp đặc trưng của vùng Triêm Tây mà không ai có thể thay thế được. Không ai có thể hiểu rõ vùng đất này bằng những người đã sống và gắn bó với nơi đây. Nhưng muốn giữ dân ở lại làng không phải là điều đơn giản. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để người dân có thể tiếp tục sinh sống bằng chính những nghề họ đã gắn bó lâu đời”. Vị KTS đã có 40 năm sống ở Pháp, là Viện sĩ Viện Kiến trúc sư Pháp, kinh qua hàng trăm công trình ở các nước tiên tiến, và đã bước qua tuổi 70 say sưa với làng, với quê, vẫn đau đáu làm thế nào để người dân sống được với nghề truyền thống của người dân trong làng: “Triêm Tây là một vùng đất được biết đến với những nghề truyền thống lâu đời như nghề chiếu, nghề mộc, nghề gốm. Có những nghệ nhân đã đi vào lịch sử bởi bàn tay tài hoa của mình. Những cái tên “làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây”, “làng đồng Phước Kiều” luôn là những địa danh được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những năm gần đây làng nghề ít phát triển và có chiều hướng mai một dần vì thu nhập của người dân từ các sản phẩm này không đủ để trang trải cuộc sống. Vì thế chúng tôi quyết giữ lại các nghề này để phục vụ cho du lịch, khách tham quan. Đây cũng là tiền đề mấu chốt để người dân gắn bó với làng”. Nói là làm. Từng ngôi nhà thôn dã được giữ gìn nguyên trạng, hay tôn tạo và cả xây mới để tạo một không gian làng Việt đúng nghĩa, thân thiện với môi trường, với bàn thờ tổ tiên, với không gian sinh hoạt gia đình Việt, được xây dựng bằng vật liệu tre, gỗ thuần túy và 100% lắp ghép.
Không những vậy, ông còn đeo đuổi kế hoạch bảo tồn, phát triển bãi bồi ven sông Thu Bồn ở xã Điện Phương, mà theo ông là ở làng phải giữ được tầm nhìn bao quát xanh mát mắt. “Chính vì vậy, tôi đang thương lượng với một tổ chức quốc tế, tìm kiếm viện trợ nhằm hỗ trợ cho việc giữ lại đồng rau, tổ chức canh tác hợp lý trên bãi bồi, chứ không phải biến nó thành một vùng khô cằn hoặc quy hoạch nhà ở”, KTS Bùi Kiến Quốc mơ màng. Rồi ông tiếp tục đưa ra hướng đi mới cho người dân nơi đây: sẽ có dịch vụ cho thuê ghe qua sông, cho trẻ em và cả người lớn nữa lên đồng bãi, trải nghiệm đời sống nông dân thuần Việt bên dòng Thu Bồn này...
Viện sĩ, KTS Bùi Kiến Quốc sinh năm 1944, sang Pháp năm 1951. Năm 1969 tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Paris. Năm 1991 được bầu vào Viện Kiến trúc sư Pháp. Năm 1996, ông trở về Việt Nam và theo đuổi các dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái. Ông là em ruột chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, con của bác sĩ Bùi Kiến Tín, là em chú bác ruột của nhà thơ Bùi Giáng. |
Hữu Trà
Bình luận (0)