Căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc) là nơi ông Xén chế tác ra loại trống Chhay dăm đi kèm theo điệu múa. Cầm chiếc trống vừa hoàn thành, ông Xén giới thiệu: “Thân trống phải được làm bằng gỗ mít già, mặt trống đường kính khoảng 20 - 25 cm bịt bằng da trâu để có độ bền và căng cứng, chân trống dùng nhôm (thay cho gỗ) để tiện cho người múa trống”.
Theo ông Xén, múa trống Chhay dăm là bài múa tập thể, phải có ít nhất 12 người mới đủ bộ múa. “Các động tác múa trống Chhay dăm giống như múa võ. Khi thì xuống tấn, lúc thì ngã nhào hoặc lộn xuống đất; đứng thì sử dụng tay, cùi chỏ; nằm thì phải dùng gót chân... để đánh trống. Từng động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát”, ông Xén vừa nói vừa biểu diễn.
“Cái khó nhất của người biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác từ chi tiết nhỏ nhất. Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân thì phải kết hợp với nhào lộn nhưng vẫn phải đảm bảo âm thanh vang, không mất tiếng, nhằm tránh làm hạn chế cảm xúc và sự hưng phấn của người nghe. Trong lúc nhào lộn, phải ôm chặt trống vào người mà không được để chạm sàn diễn, tạo âm thanh lốp cốp”, ông Xén nói tiếp.
Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, múa trống lúc đầu hình thành chủ yếu trong các dịp tết (Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ Đolta); cúng, đón rước thần linh. Sau đó, xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng trong phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer. Ngày nay, điệu múa trống Chhay dăm được biểu diễn tại các nhà văn hóa dân tộc, lễ hội của dân tộc Khmer, Hội Yến Diêu trì cung của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh... Múa trống Chhay dăm được hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian mà các tác phẩm không có tác giả, không có bản phổ ký âm nhưng điệu múa vẫn được người dân lưu truyền.
Hơn 40 năm sống cùng điệu trống Chhay dăm, nghệ nhân Trần Văn Xén đã truyền dạy cho hàng trăm học viên (tuổi đời thấp nhất 8 tuổi) lưu giữ về điệu trống này. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Tháng 12.2014, điệu múa trống Chhay dăm ở xã Trường Tây (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Bình luận (0)