Giữ hồn sông núi: Đi tìm điệu múa C’tu

16/07/2014 10:06 GMT+7

Với ai từng đến thôn Dỗi, một điểm du lịch hấp dẫn, điển hình của H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) và có dịp xem văn nghệ nơi đây chắc hẳn sẽ hết sức bất ngờ.

Giữ hồn sông núi: Đi tìm điệu múa C’tu

Anh Trần Văn Châu (bên trái) và già Hồ Văn In tại nhà gươl của thôn bản - Ảnh: Tuyết Khoa

Từ thủ lĩnh...

Du khách đến thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) không chỉ bất ngờ bởi sự dàn dựng công phu bài bản của các tiết mục văn nghệ mà còn thấy sự chuyên nghiệp hiếm có của một đội văn nghệ thôn bản. Anh Trần Văn Thoa, Cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Thượng Lộ cho biết: “Văn nghệ là một phần không thể thiếu cho du khách khi đến thăm thôn Dỗi. Và người có công dìu dắt đội văn nghệ ấy là ông Trần Văn Châu, một người rất am hiểu về câu hát điệu múa đồng bào C’tu”. Anh Thoa nói, trước đây xã có 4 đội văn nghệ của 4 thôn, nhưng qua thời gian chỉ còn đội văn nghệ của thôn Dỗi còn biểu diễn thường xuyên cho khách du lịch và lễ hội của xã, huyện. Ông Châu là người luyện tập và duy trì đội văn nghệ ngày càng nề nếp. Khách du lịch đến thôn đa phần là những đoàn khách nước ngoài vì thế dàn dựng các tiết mục phải rất chu đáo. Mỗi điệu múa, câu hát đều được thuyết trình ý nghĩa rõ ràng. Ông Châu là người làm tất cả những điều đó.

Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, hẳn ông Châu là một già làng C’tu, nhưng thực tế Trần Văn Châu còn khá trẻ, năm nay 37 tuổi. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc là sự thân thiện và xông xáo. Mái tóc dài rất nghệ sĩ. Anh Châu cho biết, hiện tại đội văn nghệ gần 30 người từ trẻ đến già. Vốn đam mê văn nghệ từ nhỏ nên anh Châu không chỉ biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc mà anh còn biết nhiều nhạc cụ hiện đại như ghita, organ. Điều ngạc nhiên thú vị là anh Châu chưa qua trường lớp nào mà chủ yếu đều tự mày mò học hỏi. “Tôi rất thích văn nghệ và chơi nhạc. Nhưng đam mê lớn nhất của tôi là điệu múa người C’tu. Từng điệu múa phản ánh ý nghĩa khác nhau rất đặc sắc. Nhưng qua chiến tranh và cuộc sống khó khăn, nhiều điệu múa mất dần, chỉ có những người già mới biết”, anh Châu tâm sự.

Đến biên đạo múa

Theo anh Châu, người ta chỉ biết người C’tu có điệu múa tung tung da dá đặc trưng, nhưng ngoài nó ra người C’tu còn nhiều điệu khác nữa cũng rất độc đáo. Nhiều bài người ta không còn hát múa, chỉ những người già còn biết như bài Mừng ăn lúa mới, Nhịp điệu phụ nữ C’tu hay điệu múa chà nơơ…Tung tung da dá là điệu múa phổ biến nhất. Đó là điệu múa truyền thống quan trọng không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người C’tu trong các lễ hội đâm trâu, lễ tết... Điệu múa này thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao của người C’tu. 

Để làm phong phú cho các tiết mục phục vụ du khách, anh Châu cất công đi tìm những điệu múa cũ, bài hát cũ từ những già làng với tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Một trong những điệu được anh Châu thu thập lại và tập cho đội là điệu cha nơơ. Điệu múa vui tươi này dành cho người con gái trước khi lấy chồng với ý nghĩa bày tỏ chính mình, thường múa hát trong dịp đám cưới vui chơi. Rồi những bài được anh Châu dàn dựng lại sau nhiều năm không ai múa hát như Nhịp điệu người phụ nữ C’tu, Mừng ăn lúa mới, Mẹ ơi con nhớ mẹ, Bài ca đoàn kết, Bài ca giã bạn... Già Hồ Văn In, năm nay 86 tuổi, một nhạc công của đội văn nghệ cho biết: “Châu hay tìm lại những điệu múa, bài hát cũ rồi tập cho mọi người. Nhiều điệu múa câu hát cũ được hát lại làm nhiều người già vui lắm. Nhiều đứa trẻ trước đây không biết hát múa cũng được luyện tập và tham gia hát múa”.

Suốt ngày bận làm nương phát rẫy, tối đến ngôi nhà cộng đồng thôn Dỗi lại âm vang tiếng nhạc, tiếng chiêng. Những chàng trai cô gái lại cùng nhau luyện tập những điệu múa bài hát dưới sự hướng dẫn của anh Châu.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.