Giữ hồn sông núi: Nghệ sĩ của bản làng

17/07/2014 12:15 GMT+7

Với ai từng ghé thăm làng Việt Tiến, xã Hồng Kim (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) ấn tượng nhất có lẽ là đội văn nghệ rất đặc biệt của các cụ ông cụ bà Pa Kô nơi đây.

Giữ hồn sông núi: Nghệ sĩ của bản làng
Một tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ làng Việt Tiến biểu diễn - Ảnh: Tuyết Khoa

Người già mê ca hát

Được người dân nơi đây ví như những nghệ sĩ của bản làng Pa Kô nên một dịp lên A Lưới, chúng tôi quyết tìm gặp tận mắt thỏa trí tò mò. Con đường nhỏ hai bên cây cối xanh mát dẫn đến ngôi nhà sàn lớn nơi đội văn nghệ sinh hoạt. Những nhạc cụ, dụng cụ múa hát được cất cẩn thận vào một góc nhỏ trong nhà sàn. Không như những vật dụng khác, tất cả những nhạc cụ ấy không một chút bụi bặm mà bóng loáng dù đôi cái đã cũ kỹ phần nào. Già Quỳnh Liên năm nay đã ngoài 80 tuổi vẫn chơi trống rất khỏe cũng là chủ nhân của ngôi nhà sàn. Già Quỳnh Liên nói: “Tối thứ bảy và chủ nhật nào mọi người cũng tập trung ở đây chơi văn nghệ. Các ông các bà đến đây trò chuyện múa hát đông vui lắm. Quen rồi, chừ có việc gì phải nghĩ là buồn lắm, thấy thiếu. Vậy là gần 7 năm rồi, từ ngày thành lập làng đến nay”. Đội văn nghệ gồm 15 người là những cụ ông cụ bà tuổi đã ngoài 60. Đầu hai thứ tóc nhưng tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình vẫn cuồn cuộn trong họ. Trong trang phục truyền thống của đồng bào Pa Kô, cụ ông thì chơi nhạc, cụ bà thì múa hát. Họ chơi say sưa, cười vang cả bản làng. Thanh âm của tiếng khèn, thanh la, câldilh, đàn ta lư như phá vỡ màn đêm của núi rừng. Những tiết mục đôi khi vẫn còn thô mộc nhưng lại mang vẻ hoang dại, độc đáo khiến người nghe không khỏi mê đắm.

Văn nghệ là “thuốc bổ”

Mỗi người biết mỗi ít, cứ thế họ cùng nhau luyện tập lại những điệu múa lời ca của đồng bào mình, những bài tưởng chừng đã quên theo thời gian lại được sưu tầm, hoàn chỉnh lại. Cứ thế, những điệu múa truyền thống của người Pa Kô được dàn dựng lại một cách đầy đủ như lễ hội, phát rẫy, đâm trâu... Các tiết mục được đồng bào Pa Kô sáng tác trong chiến tranh như bài ca ngợi ca du kích; bài hát Nhớ quê hương và Thương người cách mạng... cũng vang lên mỗi tuần. Ông Lê Văn Yên, Trưởng nhóm văn nghệ chia sẻ: “Ban đầu, đội văn nghệ được thành lập là để phục vụ du lịch. Vì làng này còn có ngọn thác thiêng A Nôr. Lúc đầu cũng có khách, nhưng sau ít dần... Nhưng đội vẫn duy trì múa hát bình thường cho tới chừ vì đó là niềm vui, là truyền thống của bản làng Pa Kô, mình không giữ thì ai giữ”. Già Đặng Pưn, người chơi được nhiều nhạc cụ của nhóm kể, ngày xưa chàng trai Pa Kô nào cũng biết đánh thanh la, thổi khèn. Họ dùng những thứ ấy để gọi bạn tình, bày tỏ tình cảm. Những người lớn cũng vậy, sau một ngày làm rẫy vất vả, tối đến họ thường quây quần bên bếp lửa uống rượu cần và hát múa. “Chúng tôi ai cũng già rồi, đàn hát thấy vui hơn, khỏe hơn. Nhờ tiếng đàn tiếng hát chúng tôi mới thường xuyên gặp nhau, trò chuyện vui vẻ với nhau. Nó như liều thuốc bổ bồi dưỡng cơ thể người già và cũng để giữ bản sắc, cái hồn âm nhạc của đồng bào vùng cao”, già Pưn tâm sự.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.