Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 1: Chào thành phố!

24/04/2015 09:21 GMT+7

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, có một chuyến tàu biển đầu tiên chở 541cán bộ miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách. Tàu Sông Hương, con tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam mua của Thụy Điển năm 1974 thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, có một chuyến tàu biển đầu tiên chở 541cán bộ miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm xa cách. Tàu Sông Hương, con tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam mua của Thụy Điển năm 1974 thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy.

 
Con tàu lịch sử Sông Hương - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Sứ mệnh lịch sử
Tàu Sông Hương là tàu viễn dương với trọng tải 10.000 tấn được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mua của Thụy Điển năm 1974. Về nước, tàu Sông Hương có nhiệm vụ chở hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.
Sau ngày 30.4.1975, tàu Sông Hương hối hả trở về cảng Hải Phòng sau chuyến chở hàng qua Nhật Bản. Khi đó, thuyền trưởng của tàu là ông Nguyễn Tấn Nghiêm; chính ủy tàu là ông Lê Minh Công; máy trưởng Trần Ngọc Giang. Cả ba người đều là cán bộ miền nam tập kết ra bắc. Thuyền phó của tàu là ông Nguyễn Mạnh Hà, người Nghệ An.
Tới cảng Hải Phòng, thuyền trưởng và ban chỉ huy tàu nhận lệnh mật từ Giám đốc Công ty vận tải biển (VOSCO): “Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường biển yêu cầu thuyền trưởng khẩn trương đưa tàu ra vịnh Hạ Long chọn vị trí neo thích hợp, an toàn và kín đáo, gần cảng Hòn Gai để nhận nhiệm vụ đặc biệt chở hơn 500 cán bộ miền Nam được trung ương cử về bổ sung lực lượng tiếp quản các vùng giải phóng”.
Sau khi nhận được lệnh, ngay lập tức tàu Sông Hương được các thuyền viên vệ sinh sạch các hầm hàng. Đồng thời tàu được bố trí, sắp xếp hợp lý toàn bộ các phòng ở của sĩ quan thuyền viên và các khu vực sinh hoạt công cộng để lấy thêm chỗ ở cho cán bộ lớn tuổi và phụ nữ.
Hàng chục thợ mộc của VOSCO cùng thuyền viên của tàu lắp ráp thêm các giường mới tạm thời ở các hầm hàng thông thoáng và thích hợp nhất để bố trí chỗ nằm cho các cán bộ tập kết. Tàu cũng trang bị đủ phao áo cứu sinh cho 541 hành khách, tăng cường thêm bình chữa cháy di động; chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc và dụng cụ y tế cho khách.
Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm yêu cầu tính toán và kiểm tra chính xác thế vững của tà để tàu ít lắc, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe của khách khi gặp sóng to gió lớn. Chăm sóc bảo dưỡng máy móc thiết bị thật tốt để đảm bảo hành trình đưa khách vào Sài Gòn an toàn, đúng hạn.
Sáng 9.5.1975, tàu Sông Hương được lệnh đón khách tại vịnh Hạ Long để đảm bảo bí mật. Đêm hôm đó, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, chính ủy Lê Minh Công cùng toàn thể thuyền viên của tàu “nồng nhiệt nhưng lặng lẽ” đón tiếp 541 cán bộ miền Nam từ Hà Nội ra Hòn Gai và lên tàu.
Trong số cán bộ lên tàu có nhiều người là bạn, là đồng đội, đồng hương của thuyền trưởng Nghiêm, chính ủy Công và một số sĩ quan trên tàu. Nhưng vì yêu cầu bí mật và kỷ luật của chuyến đi nên mọi người đều hồi hộp, cảm động nhưng chỉ lặng lẽ trao đổi với nhau qua ánh mắt và nụ cười.
Sáng 10.5.1975, ban chỉ huy tàu và thuyền viên cùng đoàn cán bộ vô cùng phấn khởi được đón bà Ngô Thị Huệ (phu nhân của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh), lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Miền Nam của Ban Tổ chức trung ương lên tận tàu Sông Hương trực tiếp giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm, tiễn đưa đoàn cán bộ về tiếp quản Sài Gòn.
Ruột thịt bắc nam
Vợ chồng nhận không ra nhau
Theo ông Nguyễn Văn Thận, nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực 2 - một trong những cán bộ tập kết trở về trên tàu Sông Hương – sau khi cập bến, các cán bộ tập kết được đưa về bệnh viện Cơ Đốc (Tân Bình) nghỉ ngơi vài ngày rồi được phân đi các nợi theo sự bố trí của Tiểu ban quân quản Sài Gòn – Gia Định.
“Thời gian xa cách hơn 20 năm khiến nhiều người không nhận ra nhau. Tôi còn nhớ trường hợp ông Xê, vợ chồng họ đứng sát mà không nhận ra nhau. Đến khi được người ta chỉ, người vợ lại hỏi anh có phải là anh Xê không, ban đầu ông Xê vẫn không nhận ra đó là vợ mình. Đến khi nhận ra, hai người ôm nhau khóc. Nhìn tội nghiệp lắm”, ông Thận nói.
Đúng 14 giờ ngày 10.5.1975, tàu Sông Hương nhổ neo rời vịnh Hạ Long. Ra khỏi cụm đảo đèn biển Long Châu, tàu hướng về phía nam chạy về hướng bán đảo Sơn Trà. Sáng 11.5.1975, tàu vượt qua bán đảo Sơn Trà, tiếp tục chạy ven theo bờ biển phía nam để cho đoàn cán bộ cùng anh em thuyền viên ngắm nhìn phần phía nam của đất nước sau hơn 20 năm chia cắt.
Chuyến tàu đó dù ông Nguyễn Tấn Nghiêm là thuyền trưởng, lãnh đạo tàu nhưng thuyền phó Hà mới là người lái chính.
“Đêm hôm tàu xuất phát, chú Nghiêm kêu tôi lên giao tôi cầm lái chính. Ông Nghiêm nói chú sắp trở về quê hương sợ tâm trạng bồn chồn cầm lái không an toàn. Cháu cầm lái chính để sau chuyến đi này làm thuyền trưởng Sông Hương. Chú giờ già rồi”, ông Hà nhớ lại. Khi đó thuyền trưởng Nghiêm đã 61 tuổi.
Chiều 12.5.1975, tàu Sông Hương đến Vũng Tàu neo ở phao số không. Đón tàu Sông Hương ngoài hoa tiêu còn có ông Lê Văn Hớn và ông Ngô Lực Tài – cán bộ quân cảng cảng Sài Gòn. Tàu Sông Hương ở lại Vũng Tàu một đêm để chờ thủy triều, đồng thời họp bàn thống nhất thủ tục đón tàu ở cảng Sài Gòn.
Sáng 13.5.1975, tàu Sông Hương rời Vũng Tàu đi vào sông Sài Gòn. Trưa đó đến Nhà Bè, tàu dừng lại sắp xếp đội hình để đưa Sông Hương vào cảng.
Đội hình dẫn tàu Sông Hương: Đi đầu là một chiến hạm lớn của hải quân, tiếp theo là tàu lai dắt cỡ lớn, tàu Sông Hương đi giữa, theo sau là một tàu kéo, khóa đuôi là một tàu tuần tiễu hải quân. Hai bên mạn phải và trái tàu Sông Hương là bốn sa lúp của hải quân.
“Khoảng 15 giờ, tàu Sông Hương cập bến Nhà Rồng. Hai bên bờ sông từ Cần Giờ đến Sài Gòn rực rỡ cờ hoa. Hàng ngàn người tập trung vẫy chào đón tàu. Thuyền trưởng Nghiêm đứng trên boong, tôi đứng trước mũi tàu. Không gian lúc đó phải nói là tuyệt đẹp”, ông Hà trầm trồ.
Chiều hôm đó, trên bục danh dự, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm đầy xúc động nói: “Xin kính chào thành phố Sài Gòn, thành đồng tổ quốc. Xin kính chào bà con cô bác miền Nam”.
Dưới lễ đài, những gói quà trái cây từ các má, những bó hoa tươi từ tay các thiếu nữ được chuyển lên tàu trao tặng cho từng sỹ quan thuyền viên với tấm lòng ruột thịt bắc nam.
Đêm 13.5.1975, hàng chục chuyến xe đò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn Gia Định nối đuôi nhau vào bến Nhà Rồng để đón đoàn cán bộ về vị trí tập kết. Sau chuyến đi lịch sử đó, ông Nghiêm trở về quê nhà Trà Vinh và giao lại vị trí thuyền trưởng cho thuyền phó Hà.
Chừng 3-4 tháng sau, tàu Sông Hương còn thực hiện một chuyến đi lịch sử nữa khi chở khoảng 3.000 người khách, đồng bào miền Nam trở về quê hương.
Rất tiếc là cách đây khoảng 20 năm, trong một chuyến đi Nhật, tàu Sông Hương gặp bão trên cấp 12, va vào vách đá ngầm và vĩnh viễn nằm lại vùng biển Okinawa của Nhật Bản, kết thúc sứ mệnh bi tráng của một con tàu đã đi vào lịch sử ngành hàng hải.
“Đến nay, thời gian đã phủ trắng mái đầu, sỹ quan và thuyền viên trên tàu người còn người mất nhưng chúng tôi không bao giờ quên chuyến tàu lịch sử ngày 13.5.1975”, ông Hà bùi ngùi.
Đưa văn công vào Sài Gòn phục vụ lễ thống nhất
Cũng như tàu Sông Hương, tàu Đồng Nai nhận được lệnh vào Sài Gòn khi đang làm nhiệm vụ chở hàng sang Nhật. Tàu Đồng Nai có nhiệm vụ chở 12 đoàn chủ yếu là văn công, tuồng chèo, bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa và Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng vào Sài Gòn.
Ông Cao Trọng Tùng – khi đó là thuyền phó tàu Đồng Nai – cho biết tàu Đồng Nai đi sau tàu Sông Hương vài ngày, xuất phát từ cảng Hải Phòng, sau 48 giờ trên biển vào tới Sài Gòn. Chính người hoa tiêu nổi tiếng Sài Gòn lúc đó là ông Tôn Thọ Khương đã dẫn dắt tàu Đồng Nai cập cảng Khánh Hội.
Ông Tùng cho biết khi tàu cập cảng, ngay tại cảng Khánh Hội còn một lô hàng mỹ nghệ đóng bằng thùng gỗ mà sau này được biết chủ nhân lô hàng là ông Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa – gửi cho anh trai mình là Nguyễn Văn Kiểu thời điểm đó đang làm đại sứ ở Đài Loan.
“Tới Sài Gòn, các đoàn của Bộ Văn hóa xuống tàu để chuẩn bị biểu diễn nghệ thuật cho người dân Sài Gòn dịp thống nhất đất nước. Riêng anh em được ở lại vài ngày chờ chở hàng ra bắc vừa kết hợp tham quan Sài Gòn. Sinh hoạt của người dân thời điểm đó khá nhộn nhịp. Đường phố Sài Gòn được quy hoạch khá quy củ, các ngã tư đều có đèn chỉ dẫn, báo hiệu giao thông”, ông Tùng kể.

 
Lãnh đạo và thuyền viên tàu Sông Hương chụp ảnh kỷ niệm khi tàu tới Sài Gòn. Người đứng ở hàng đầu, thứ hai từ phải qua là thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nhiêm. Người đứng hàng đầu ngoài cùng bên trái là thuyền pho Nguyễn Mạnh Hà - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (người đứng hàng đầu, thứ năm từ bên trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo tàu Sông Hương - Ảnh chụp từ tư liệu của ông Nguyễn Mạnh Hà
Ông Nguyễn Mạnh Hà nhớ lại những kỷ niệm về chuyến tàu đầu tiên từ bắc vào nam sau ngày 30.4.1975  - Ảnh: Trung Hiếu
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.