Cùng với điện, nước sinh hoạt là lĩnh vực thiết yếu cần phải bảo đảm cho người dân sau ngày thống nhất. Thậm chí, ngay trong ngày 30.4 lịch sử, nước sạch vẫn được cấp đủ cho người dân Sài Gòn.
Các kỹ sư, công nhân sửa chữa khắc phục máy móc của Nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 - Ảnh: tư liệu Sawaco
|
>> Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 2: Giữ ánh sáng cho Sài Gòn
>> Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn Đông - Kỳ 1: Chào thành phố!
Nhận cả Ban lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục
Cuối tháng 2.1975, khi đang tiếp quản huyện Phước Long (Bình Phước), ông Bùi Minh Thế nhận được lệnh cấp trên chuẩn bị công tác tổ chức tiếp quản Sài Gòn.
Ngày 30.4.1975, đoàn tiếp quản của ông Thế vào tới Sài Gòn. Dọc hành trình, do trước đây làm ở Nhà máy chế tạo bơm Hải Dương nên ông Thế được phân về đội tiếp quản nước gồm 11 thành viên.
Đến Sài Gòn, đội tiếp quản nghỉ một đêm ở Trường kỹ thuật Cao Thắng để hôm sau tiến hành công việc tiếp quản. Chiều 30.4.1975, dù Sài Gòn đã được tiếp quản nhưng theo ông Thế “tiếng súng đạn vẫn kêu đì đẹt cả đêm. Mọi người dặn nhau nếu không có chuyện gì quan trọng nên tránh ra đường”.
6 giờ sáng 1.5.1975, 11 thành viên lên đường để tiếp quản. Ông Thế kể do không rành đường lại không biết địa chỉ Sài Gòn Thủy cục (tên gọi cũ của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) trước 1975) nên đoàn cứ nhìn ở đâu có bồn nước to thì cứ đến đó dò hỏi.
Ban đầu đoàn vào khu cấp nước Sài Gòn nằm gần Hồ Con Rùa, nay là trụ sở của Sawaco. Tuy nhiên, một số công nhân cho biết trụ sở chính của Sài Gòn Thủy cục lúc đó ở số 86 Nguyễn Thông (Q.3). Tới nơi, Ban giám đốc của Sài Gòn Thủy cục đã có mặt, trong đó có cả Giám đốc Sài Gòn Thủy cục Vũ Đình Hạnh.
Các kỹ sư, công nhân đang sữa chữa khắc phụ máy móc của nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 - Ảnh: tư liệu Sawaco
|
Ban đầu tổ tiếp quản vẫn giữ nguyên thành phần lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục và bộ máy cũ hơn 1.500 công nhân viên. Hoạt động của Sài Gòn Thủy cục diễn ra bình thường dưới sự giám sát của đội tiếp quản.
“Quan hệ giữa đội tiếp quản và lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục lúc đó khá tốt, tôn trọng lẫn nhau. Hằng tuần hai bên vẫn họp giao ban để nắm tình hình”, ông Thế nói.
Theo ông Thế, sau một thời gian, tổ tiếp quản đã tiến hành chuyển đổi Sài Gòn Thủy cục. Tên gọi của công ty được đổi sang thành Công ty cấp nước TP.
Ông Trần Văn Thình - một trong những thành viên của đội tiếp quản - được phân công làm giám đốc công ty, phó giám đốc là các ông Võ Văn Đường, Nguyễn Văn Lang, Trương Hoàng Khải. Ngoài ra, công ty tiếp quản được hệ thống cơ sở vật chất ngành nước hầu như còn nguyên vẹn, từ Nhà máy nước Thủ Đức, Biên Hòa đến các chi nhánh Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn... đủ sức cung cấp nước sinh hoạt cho 3 triệu dân Sài Gòn ở các quận 1, 3, 5, 11, Tân Bình...
Sau đó, công ty còn cung cấp nước sản xuất cho Khu công nghiệp Biên Hòa và một số khu công nghiệp vùng phụ cận.
“Người bên kia” bảo vệ ngành nước
Theo hồi ức của ông Võ Văn Đường (thời điểm tiếp quản là phó giám đốc, sau này là Giám đốc Công ty cấp nước TP, hiện ông Đường đã mất), việc cơ sở ngành nước Sài Gòn sau ngày 30.4.1975 được bảo toàn nhờ một phần từ chủ trương của lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục mà đứng đầu là Giám đốc Vũ Đình Hạnh.
Khi nắm vị trí Giám đốc Sài Gòn Thủy cục trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng”, chủ trương của ông Hạnh là bất kỳ giá nào cũng phải duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho dân thành phố.
Các kỹ sư, công nhân đang sữa chữa khắc phụ máy móc của nhà máy nước Thủ Đức sau năm 1975 - Ảnh: tư liệu Sawaco
|
Một câu chuyện còn được anh em ngành cấp nước Sài Gòn kể cho nhau nghe về việc lãnh đạo Sài Gòn Thủy cục cố gắng bảo vệ Trạm bơm Hóa An không để cho chiến tranh tàn phá.
Theo đó, vào chiều 28.4.1975, một tàn quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa sau khi rút chạy từ Xuân Lộc và Biên Hòa về đã định vào chốt Trạm bơm Hóa An, biến thành nơi tử thủ và phá vỡ hệ thống cung cấp nước của Sài Gòn.
Ông Hạnh nhận thức Trạm bơm Hóa An là đầu nguồn cung cấp nước cho cả Sài Gòn. Nếu đụng độ ở đây, bom đạn khiến hệ thống bơm nước bị phá hủy thì cả Sài Gòn sẽ bị tê liệt về nguồn nước, mọi sinh hoạt và sản xuất xem như đều đình trệ. Ngay lập tức, ông Hạnh bàn với lãnh đạo các sở trực thuộc thủy cục tìm cách can thiệp để quân đội không đưa quân vào trạm bơm tránh những tổn thất cho cơ sở vật chất của ngành nước.
Theo ông Bùi Minh Thế, rất tiếc sau một thời gian làm việc với Công ty cấp nước TP, vì nhiều lý do ông Vũ Đình Hạnh đã nghỉ việc. Một thời gian sau ông Hạnh sang Pháp định cư.
“Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp dù trước đó làm lãnh đạo ở Sài Gòn Thủy cục nhưng sau này vẫn được bồi bổ, cất nhắc. Điển hình nhất là ông Võ Quang Lý trước ngày 30.4.1975 là Trưởng khu cấp nước Chợ Lớn. Khi tiếp quản ông Lý được đưa lên Nhà máy nước Thủ Đức làm chuyên gia, sau này về công ty kết nạp Đảng, làm trưởng phòng kỹ thuật, rồi phó giám đốc công ty cấp nước”, ông Thế nói.
Chế nòng pháo làm phần bạc cho máy bơm Ông Phạm Tấn Sỹ - nguyên Giám đốc Nhà máy nước Thủ Đức - cho biết tối 30.4.1975, đoàn tiếp quản đã tiếp quản Nhà máy nước Thủ Đức, nơi cung cấp phần lớn nước sạch cho Sài Gòn. Dù từng được coi là hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng thời điểm tiếp quản Nhà máy nước Thủ Đức đã vận hành được 14 năm nên nhiều thiết bị bắt đầu hư hỏng, cần phải thay thế, sửa chữa. Tuy nhiên, việc sửa chữa không hề dễ dàng vì toàn bộ máy móc của nhà máy đều của Mỹ mà sau 1975 hai nước không bang giao. “Do đang bị cấm vận nên dù có tiền cũng không mua được thiết bị thay thế. Đơn cử như máy bơm to quá khi hư không xưởng nào trong nước sửa được. Phần bạc trong máy bơm chạy một thời gian bị mòn. Anh em phải đến Nhà máy Ba Son, Nhà máy Z751 cắt những nòng pháo không còn sử dụng để tiện thành bạc thay thế vào. Dù khó khăn nhưng không bao giờ để thiếu nước khó khăn cho sinh hoạt”, ông Sỹ cho hay. |
Bình luận (0)