“Trong gian nhà lợp xi măng đã cũ, các cụ ngồi làm cùng nhau như thời hợp tác xã ngày xưa. Tôi hỏi cụ bây giờ vẫn thường làm loại nôi này hay sao mà tay vẫn nhanh, chưa quên gì hết. Cụ bảo lâu nay chẳng ai làm. Tự dưng có cậu trẻ vợ đẻ lại đặt cụ đan. Làm bán cho ông bố trẻ xong, tiền còn dư cụ mua tre làm thêm cái nữa. Biết đâu có người nhìn thấy lại mua”, Đạt nhớ lại.
“Các cụ vẫn có thể kể từng sơn cái này, xịt cái kia, dùng đèn khò tuốt lông cho nan tre. Nhưng mây tre đi Đông u giờ không còn hợp đồng. Ngoài mấy lẵng hoa, lồng đèn bán chậm, làng không còn gì nữa. Hoa giấy thì đẹp nhưng không giặt được như hoa giả. Nón bài thơ không ai đội vì giờ úp trên đầu là mũ bảo hiểm. Chẳng ai dám khinh làng nghề cả nhưng thị trường không có, chẳng ai mua thì nó lụi”, Đạt nói.
|
Sự chua xót của Đạt kéo dài cho đến khi “gạ” được Khu du lịch Alba Thanh Tân (Thừa Thiên-Huế) cho anh “ké” một khu vui chơi trẻ con có sử dụng sản phẩm làng nghề. Theo đó, các ngôi nhà nhỏ như ở làng nghề được dựng. Người ở làng nghề sẽ gửi bán sản phẩm thô của làng mình, còn trẻ con học được cách làm gốm, quạt giấy, mặt nạ giá rẻ.
Để trả ơn các làng nghề đã cho mình nhiều bí quyết (các sản phẩm điêu khắc của Đạt đều dựa trên bí quyết của làng nghề), Đạt tới đây dạy trẻ làm các sản phẩm đó. Chỉ mất 25.000 đồng, trẻ được vẽ mặt nạ giấy trên cốt đã đắp sẵn, với màu acrylic xịn. Cũng tầm tiền đó, các em được tự tay làm quạt giấy rồi trang trí đúng ý mình. Còn gốm thì khỏi nói, ai thích gì nặn lấy. “Ơ, cái bát làm thế này ạ. Cháu cứ tưởng là thổi ra một cái bát”, một bé trai cười phá khi hoàn thành tác phẩm bát gốm.
Những hoạt động giáo dục di sản - bảo tàng - du lịch như thế này vốn là mô hình Bảo tàng Dân tộc học đã áp dụng nhiều năm. Tuy nhiên, nó cũng chỉ được làm ngắt quãng khi có sự kiện được tổ chức. Chẳng hạn, học làm bánh nướng bánh dẻo dịp trung thu, gói bánh chưng tết... Chính vì thế, nếu việc kết hợp này được nhân lên trong cả nước, nó hứa hẹn một con đường giáo dục và nuôi dưỡng di sản sinh động.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)