Lúc 2 giờ chiều ngày 1.11, chiếc tàu đánh cá đầu tiên trong tổng số trên 200 tàu bị mắc kẹt ấy đã ra tới biển sau nhiều ngày bị ngáng đường do nạn bồi lấp cửa sông - hậu quả của việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn của hai doanh nghiệp khai thác cát tại đây. Có lẽ đây là lời hứa với dân của những người lãnh đạo của một tỉnh đã được thực tế “nghiệm thu” nhanh nhất.
Sự việc bắt đầu từ chuyện hút cát để khai thông cửa biển và tận thu số cát nhiễm mặn tại sông Trà Khúc. Theo giấy phép mà tỉnh Quảng Ngãi cấp cho hai doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông này, sẽ có khoảng 40 triệu khối cát được “tận thu” để xuất khẩu. Cửa sông Trà Khúc cũng sẽ được khơi thông, tạo điều kiện để tàu bè của ngư dân ra vào dễ dàng. Thế nhưng, mới khai thác khoảng 3 triệu khối, mối an nguy của làng chài nơi cuối sông Trà bắt đầu xuất hiện. Hàng chục ao tôm của nông dân bị sóng đánh sập, cuốn luôn ra biển; sóng cũng đã lan đến làng chài Nghĩa An, những cây dương giữ làng có tuổi đời 30-40 năm bắt đầu bật gốc. Hàng trăm tàu thuyền không những không được ra vào thông suốt như lời hứa của doanh nghiệp mà còn bị mắc kẹt do cửa sông Trà Khúc đã bị “bít” hẳn. Dân đã phản ảnh với tỉnh về thực trạng nguy hại này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra thực tế và ra ngay quyết định tạm đình chỉ việc khai thác cát từ giữa tháng 9.2013, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục sự cố. Sự việc cứ tưởng như thế là đã ổn thì đùng một cái, nơi cửa biển cuối sông Trà lại xuất hiện những chiếc sà lan cùng con tàu vận tải đầy “khả nghi”. Một mất mười ngờ, dân Nghĩa An cho rằng các doanh nghiệp đã bội tín, tiếp tục hút cát. Họ bắt đầu tập họp nhau kéo lên huyện Tư Nghĩa để phản đối, gây tắc nghẽn quốc lộ 1A trong nhiều giờ liền. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cấp tốc đến hiện trường để giải thích, thuyết phục đám đông.
Cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với hàng ngàn người dân Nghĩa An ngay sáng hôm sau ngày xảy ra sự cố không chỉ là động thái nhằm “vỗ an bá tánh” mà cái chính là những người lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những cam kết với dân. Theo đó, sau 4 ngày, cửa sông Trà sẽ được khơi thông; tiến hành đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu không ra khơi được; yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương xây bờ kè để chống tái sạt lở; và điều cuối cùng, tỉnh sẽ chấm dứt “tận thu cát nhiễm mặn” nếu như việc nạo vét cửa sông tiếp tục đe dọa làng chài.
Sau 4 ngày, những lời hứa của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã được thực hiện từng phần. Dân Nghĩa An cũng an lòng “nghiệm thu từng phần” những lời hứa ấy. Đã xuất hiện nụ cười trên những khuôn mặt đầy nắng gió của các ngư phủ khi tàu của họ được trở lại biển khơi. Người dân chỉ có thể tin vào chính quyền khi lời hứa của lãnh đạo trở thành hiện thực. Và họ đã bắt đầu tin.
Trần Đăng
>> Vụ dân bắt giữ 3 công nhân: Khẩn trương khắc phục sạt lở cửa biển, thông luồng lòng sông
>> Nạo vét, tận thu cát ở cửa biển gây sạt lở
Bình luận (0)