Giữ lửa

21/06/2012 01:18 GMT+7

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí Cách mạng đã nêu rõ những quan điểm sâu sắc và mẫu mực về ý thức trách nhiệm chính trị xã hội của nhà báo. Người dạy: “Đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh”.

Trong các cung bậc cảm xúc chuyện nghề hằng ngày, nhiều nhà báo nhận thức và thể hiện tính chiến đấu ấy qua hình tượng “giữ lửa”, có khi là “thắp lửa” tùy theo ngữ cảnh cụ thể. Mặt khác, việc đấu tranh để loại dần yếu tố cá nhân qua từng bài báo cũng chính là yêu cầu quan trọng của nghề, thể hiện bởi “trí sáng, tâm trong, bút sắc”.

Như các đồng nghiệp của chúng tôi chia sẻ, việc làm báo hiện nay không đơn giản. Bối cảnh đan xen những thuận lợi và thách thức của công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tái cấu trúc và đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho mục tiêu phát triển, phòng chống nạn tham nhũng, tiêu cực… đòi hỏi nhà báo không chỉ “thắp lửa”, “giữ lửa” mà còn “canh lửa” đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm của đất nước, của các ngành, các địa phương và cả của cộng đồng doanh nghiệp. Tâm thế “giữ lửa mà canh lửa” ấy là chính trị nghề nghiệp; tùy theo từng nội dung, từng vụ việc cụ thể để vừa không vô cảm, vô thưởng vô phạt đối với sự kiện cần truyền thông mà còn là sự cân nhắc để không “thêm dầu vào lửa”, không làm “nóng thêm những điểm nóng” một cách phù hợp. Về ngôn ngữ của “chất lửa” ấy, bên cạnh sự đanh thép, cách thuyết phục tới cùng trên tinh thần xây dựng, còn là vận dụng kinh nghiệm người xưa “lạt mềm buộc chặt” thay dần cho “đao to búa lớn”. Qua đó, nghề báo vừa góp phần vào sự ổn định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc.

Thử thách đặt ra với người làm báo ở chỗ, để duy trì bản lĩnh, bản sắc của tờ báo thì không thể chỉ bằng cái “lửa” chung chung mà là việc “giữ lửa” cụ thể trong từng cấp độ khác nhau được cân đong bởi trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân.

Tổng kết giải Báo chí toàn quốc lần thứ VI lần này, hòa cùng niềm vui của các đồng nghiệp - tác giả của 90 tác phẩm báo chí đoạt giải khác, Báo Thanh Niên phấn khởi mùa bội thu khi đón nhận được 3 giải B trong các thể loại của báo in (Ban giám khảo không chấm giải A báo in, chỉ có giải A báo hình), 1 giải C và một giải khuyến khích cũng của báo in; 2 tác phẩm báo chí khác được vào vòng chung khảo. Đó là những đề tài từ quan trọng, nhạy cảm là Bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa đến câu chuyện dân sinh bức xúc Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa; ảnh báo chí về những tấm gương trong Dồn sức hộ đê cứu lúa, chống tội phạm kinh tế câu kết với cán bộ biến chất qua Gian nan cuộc chiến giữ than rồi lời cảnh báo đời thường nhưng cần thiết Người Việt phải biết bơi…

Phía sau các tác phẩm báo chí được giải toàn quốc nói chung cùng các tác phẩm báo chí nêu trên của Thanh Niên chính là những “ngọn lửa” và sự tâm huyết, dấn thân bằng trách nhiệm nghề báo ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau.

Không thể chỉ dựa vào tác phẩm báo chí tiêu biểu để suy xét đầy đủ hiệu quả công tác nội dung của một tòa báo. Hành trình với nghề luôn đòi hỏi nhà báo không đứng trên hay đứng ngoài sự kiện thông tin cùng các tác nhân của sự kiện ấy để “giữ lửa” bằng thái độ của người trong cuộc. Chúng tôi vẫn luôn nhận được và cảm ơn những lời góp ý, động viên sâu sắc và chân thành từ các đồng nghiệp đàn anh đến sự ủng hộ, chia sẻ của các tầng lớp độc giả gần xa; vẫn cầu thị tiếp thu, khắc phục dần những sơ suất trong định tính, định lượng lẫn cách thức thể hiện thông tin.

Và, luôn tiếp tục động viên nhau vượt qua nhọc nhằn bằng lương tâm nghề nghiệp, bằng niềm vui lẫn niềm tự hào của từng ngày “giữ lửa”…

Quang Thông

(*) (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-1996).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.