Giữ nghề hầm than đước hơn trăm năm xứ Đất Mũi

14/10/2024 08:00 GMT+7

Hình thành hơn trăm năm, nghề hầm than đước gắn liền với cuộc sống các hộ dân sống dưới tán rừng ngập mặn ở Cà Mau. Hàng trăm gia đình ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn có thu nhập ổn định khi làm việc tại các cơ sở sản xuất than.

Nghề truyền thống ngày càng phát triển

Tỉnh Cà Mau có hơn 50.000 ha rừng ngập mặn, trong đó chủ yếu là cây đước, tập trung ở 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Loài cây này là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển nghề sản xuất than (còn gọi là hầm than).

Theo những người lớn tuổi tại địa phương, không ai nhớ rõ nghề hầm than ở đây hình thành từ bao giờ, chỉ nghe ông cha kể lại. Từ khoảng năm 1920 đã xuất hiện những lò hầm than đước với hình thức rất thô sơ tại Chợ Thủ, nay là xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển. Thời gian sau đó, nghề càng phát triển, hàng trăm lò mọc lên, sản phẩm bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Giữ nghề hầm than đước hơn trăm năm xứ Đất Mũi- Ảnh 1.

Lao động tại HTX chế biến than 2.9 chuẩn bị than giao cho khách hàng

ẢNH: GIA BÁCH

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX chế biến than 2.9 ở xã Tam Giang, H.Năm Căn có gần 20 năm theo nghề. Ông cho biết, đa số người làm than tại địa phương học nghề từ tỉnh Hậu Giang rồi về vận dụng cho phù hợp. HTX hiện có 19 xã viên, với 42 nhân công, mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng.

"Khác với các lò xây bằng đất ngày xưa, lò hầm than ngày nay xây bằng gạch kiên cố để sử dụng lâu dài. Mỗi lò cao khoảng 4 m, đường kính 5 - 7 m, hình bầu giống như chiếc nón úp xuống, có cửa lò để chất củi vào và lấy than. Gia đình tôi có 2 lò hầm than, mỗi tháng lãi khoảng 25 triệu đồng", ông Bình cho biết.

Bà Huỳnh Thị Ngọ, người có hơn 10 năm làm công tại lò hầm than của HTX chế biến than 2.9, cho biết: "Tại các cơ sở sản xuất than, công việc phân chia theo sức của người lao động. Thông thường, phụ nữ được ưu tiên làm các khâu nhẹ như chất củi, thu than; nam thì làm các việc nặng nhọc như cưa, vác cây. Nhờ công việc này, tôi không phải đi làm xa, có thời gian chăm sóc gia đình".

Chất lượng sản phẩm vượt trội

Để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm, các lò hầm than tại Cà Mau thường xây dựng gần kênh rạch và sông. Để có được những thước than đước đạt chuẩn, cả quá trình phải trải qua thời gian gần 2 tháng. Gỗ đước dùng làm than khai thác theo hợp đồng, trung bình 5 kg gỗ cho ra 1 kg than.

Những đoạn gỗ dài khoảng 5 cm được xếp khít chặt vào lò theo chiều ngang hoặc thẳng đứng. Việc này giúp cho thành phẩm than nguyên vẹn, không bị nát. Sau đó, cửa lò bít lại, chỉ chừa lỗ nhỏ để đốt lửa với các lỗ thông cho khói thoát ra. Sau khoảng 1 tháng đốt lửa liên tục cửa lò được bịt lại, để nguội khoảng 20 ngày rồi mở ra thu thành phẩm.

Giữ nghề hầm than đước hơn trăm năm xứ Đất Mũi- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX chế biến than 2.9, đốt lửa lò hầm than

ẢNH: GIA BÁCH

"Những người thợ lành nghề sẽ nhìn khói thoát ra để gia giảm lửa, xác định than trong lò đã chín hay chưa", ông Lê Phước Thân, Giám đốc HTX chế biến than Tân Phát (xã Tân Ân Tây, H.Ngọc Hiển), cho biết.

Theo ông Thân, thời trẻ, ông đi bán củi cho các lò làm than rồi học nghề, về quê lập nghiệp. Có nhiều yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm than. Than đước cháy lâu hơn, nhiệt cao hơn các loại than gỗ khác nên được khách hàng ưa chuộng dùng.

HTX chế biến than Tân Phát hiện có 21 lò hầm than, mỗi năm làm ra khoảng 800 tấn than đước, tạo việc làm cho 15 lao động, với thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.

Những năm gần đây, sản xuất than được chính quyền và ngành chức năng sắp xếp quy củ hơn nên sản phẩm dần khôi phục vị thế, bán đi nhiều tỉnh hơn. Hiện, than đước Cà Mau được bán đi các tỉnh miền Tây, Bình Thuận, Đồng Nai… với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân H.Ngọc Hiển, cho biết: "Các lò hầm than tại địa phương tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ngành chức năng đã khôi phục nghề với sự kiểm soát chặt chẽ và tạo điều kiện để phát triển hơn trước. Nhờ đó, hoạt động sản xuất tại các cơ sở ngày càng phát triển, hiệu quả kinh tế cao".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.