Giữ nghề làm bánh 'tiến vua': Cả nhà bà cụ 90 tuổi tất bật... in 20.000 bánh

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
10/01/2023 14:07 GMT+7

Những ngày này, lò bánh in của cụ bà Đinh Thị Tằm luôn đỏ lửa, các thành viên trong nhà mỗi người một công đoạn, tất bật ngày đêm để kịp phục vụ thị trường Tết Quý Mão.

Làm không kịp bán

Ghé thăm căn nhà nhỏ của cụ bà Đinh Thị Tằm (90 tuổi, thôn Thanh Vinh, xã Phú Mậu, TP.Huế) những ngày cuối năm. Từ đầu ngõ, người viết phần nào cảm nhận được vị tết sớm bởi mùi thơm lừng của gừng, mè... Đó là hương thơm của những chiếc bánh in vừa ra lò, món bánh truyền thống trong ngày tết của người dân xứ Huế.

Những chiếc bánh in thành phẩm được bà Đinh Thị Tằm tỉ mỉ gói lại

LÊ HOÀI NHÂN

Bà Tằm là người giữ nghề bánh in lâu đời nhất trong làng, bởi vậy mà cứ mỗi độ cận Tết Nguyên đán, gia đình nhỏ lại trở nên nhộn nhịp đón khách đến, khách đi.

Cụ bà chia sẻ, để làm ra chiếc bánh in không khó nhưng đòi hỏi rất nhiều công. Những ngày này, các thành viên trong gia đình phân chia ra mỗi người một phần việc.

Những phần khó như chuẩn bị nguyên liệu, in bánh và sấy bánh do con trai và con dâu của bà đảm nhiệm. Các cháu nhỏ thì háo hức, dõi theo từng mẻ bánh ra lò để phụ bà đóng gói. Khâu cuối cùng, bà Tằm cẩn thận kết bánh thành hình tháp.

Ông Nguyễn Thanh Hà phấn khởi mang tháp bánh in đi giao cho khách

LÊ HOÀI NHÂN

“Tôi không nghe rõ nhưng mắt vẫn còn sáng, bây giờ chủ yếu giao lại cho con trai với con dâu làm. Mình thì phụ thêm cho vui tay vui chân”, bà Tằm nhỏ nhẹ nói.

Ở gian bếp phía sau vang lên tiếng gõ để đổ bánh từ khuôn ra. Đưa xong lượt bánh tiếp theo vào lò, ông Nguyễn Thanh Hà (56 tuổi, con trai bà Tằm) tạm nghỉ tay để tiếp chuyện chúng tôi.

Một cặp tháp bánh in có giá từ 140.000 - 180.000 đồng

LÊ HOÀI NHÂN

“Tất cả các khâu đều làm thủ công nên muốn có số lượng lớn cũng không được. Năm nay không chỉ những người đặt quen, mà khách ở xa như Sài Gòn, Hà Nội... cũng mua về làm quà biếu. Nhà tôi giờ tập trung làm để dành cho tới 20 tháng chạp đưa ra chợ bán cho người dân mua về cúng tết. Chỉ lo không có sức mà làm thôi”, ông Hà phấn khởi.

Theo ông Hà, giá thành năm nay có tăng nhẹ, mỗi cặp bánh in kết thành hình tháp có giá từ 140.000 - 180.000 đồng. Ông dự tính năm nay sẽ bán ra thị trường khoảng 20.000 bánh.

Bánh "tiến vua" ngày tết

Bánh in đắt hàng bởi từ lâu đã là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người dân xứ Huế.

Ở tuổi 90, ký ức của bà Tằm có chút nhớ chút quên, nhưng qua lời kể của bà, người nghe có thể cảm nhận được món bánh này đã có mặt trong văn hóa ngày tết qua bao thế hệ người Huế.

Cụ bà Đinh Thị Tằm là người làm bánh in lâu đời nhất làng này

LÊ HOÀI NHÂN

“Ngày trước bánh in là của ngon, thanh cao dùng trong ngày lễ, chưng trên bàn thờ ông bà dịp tết. Gọi là bánh in, bởi được in nhiều hình thù với các chữ "Phúc", "Lộc", "Thọ"… vừa để bày tỏ lòng thành kính vừa cầu cho gia đình bình an. Thời đó, không nhiều món ngon như bây giờ nên bánh in còn dùng để đãi khách đến thăm nhà ngày tết, ăn miếng bánh thơm ngọt, uống chén trà rồi chúc nhau những điều tốt đẹp đầu năm”, bà Tằm nhớ lại.

Theo các bậc cao niên trong làng, ngày xưa bánh in dùng để dâng lên vua chúa triều Nguyễn. Tương truyền rằng, trong ngày cận Tết Nguyên đán, vua bỗng nhiên cảm thấy muốn có món ăn thưởng thức cùng trà nhạt.

Tất cả công đoạn đều được làm bằng tay

LÊ HOÀI NHÂN

Qua sáng tạo, những chiếc bánh in đậu xanh lần đầu được dâng lên vua với hình chữ "Thọ” ra đời, ngụ ý chúc vua trường thọ. Vua ăn thử thấy ưng bụng, bèn ra chiếu truyền lệnh lưu giữ nghề này đến muôn đời sau.

Một chiếc bánh in vừa ra lò

LÊ HOÀI NHÂN

Qua bao thăng trầm lịch sử, đến ngày nay món bánh in đã được biến tấu muôn hình vạn trạng, từ hình tròn, vuông, chữ nhật đến lục giác, bát giác… với đủ nguyên liệu như bột nếp, bột bình tinh hay hạt sen... nhưng vẫn là hương vị không thể thiếu trong văn hóa ngày tết của người dân cố đô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.