Đại đức Thích Hải Đức, thành viên Hội đồng quản lý đồng thời là người trực tiếp quản lý chùa Diệu Đế (Huế), cho biết sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của thiện hữu tri thức, nhà chùa đã đi đến quyết định xây chánh điện mới, không hạ giải phần nội điện của ngôi chùa cũ để bảo tồn nguyên trạng bức tranh tường Long vân khế hội trên trần và 4 trụ của chánh điện cũ.
Cụ thể, nhà chùa đã hạ giải phần tiền đường ngôi chùa cũ, xây dựng phần móng chánh điện mới có diện tích 600 m2, áp sát vào ngôi chánh điện cũ. Với giải pháp này, toàn bộ phần kết cấu nội điện của ngôi chùa cũ có bức tranh sẽ được giữ nguyên trạng.
Chùa Diệu Đế (tọa lạc bên bờ sông Đông Ba, đường Bạch Đằng, gần cầu Gia Hội, thuộc P.Phú Cát, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) trước đó đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà chùa đã mời các đơn vị tư vấn thiết kế làm việc hơn 2 năm, sau khi khảo sát, tìm tư liệu… tư vấn cho nhà chùa lập dự án trùng tu.
Bức tranh Long vân khế hội (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện, cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện. Bức tranh được vẽ khi ngôi chùa này được xây dựng lại sau năm 1953, theo phong cách bích họa cung đình, tương tự bức tranh trên trần lăng Khải Định. Tương truyền, đây là bức tranh do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh (tác giả bức tranh trên trần lăng Khải Định) thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cứ liệu lịch sử xác thực.
Theo đại đức Thích Hải Đức, ngôi chánh điện cũ sau khi được giữ lại dự kiến sẽ gia cố thêm để tăng khả năng an toàn của công trình, trở thành phần hậu điện của ngôi chùa. Giữa công trình cũ và phần mái của chánh điện mới sẽ được kết nối bằng hệ thống máng xối để tạo liên kết thành một tổng thể hài hòa. Nhà chùa mong nhận được sự “trợ duyên” của thiện hữu trí thức, phật tử và cơ quan chuyên môn để tiếp tục bảo tồn bức tranh.
Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844, được triều đình xếp vào hàng quốc tự. Hiện tại chùa vẫn chưa được công nhận di tích.
Bình luận (0)