Giữ nguyên hay tiếp tục các dự án ở Sơn Trà?

31/05/2017 10:00 GMT+7

Đó là bài toán chưa có lời giải sau cuộc tọa đàm 'Phát triển du lịch bền vững ở khu du lịch quốc gia Sơn Trà', do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội sáng qua 30.5.

“Chúng ta bảo vệ thiên nhiên hoang dã chứ đâu phải nuôi thú”
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, tỏ ra lo lắng cho voọc chà vá khi nói một câu chuyện về linh trưởng khác - loài khỉ ở Sơn Trà. Ông cho biết, hiện tại ở một số dự án tại Sơn Trà, khỉ đã vào phòng khách sạn. “Người ta nói dự án này thân thiện với môi trường nên khỉ vào phòng, cho khỉ ăn. Nhưng đó là sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta bảo vệ thiên nhiên hoang dã chứ đâu phải nuôi thú. Đáng lo ngại là khi khỉ không còn cho ăn là chúng quấy phá du khách, ăn cắp đồ trong phòng. Du khách nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu, Mỹ đang lo sợ điều đó. Hãy tưởng tượng nó có thể cào tay hay lục vali để lấy đồ ăn”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, Sơn Trà là lá phổi xanh, là nơi lãng mạn cuối cùng giữ đa dạng sinh học, là tai mắt của Biển Đông. Ông muốn Sơn Trà thành mô hình như công viên đảo Phillip ở bang Victoria, Úc. “Khách mua vé đến đó, ngắm chim với giá 58 USD/người. Năm 2016 có 3 triệu du khách, thu được 3,8 triệu USD. Thậm chí họ còn yêu cầu khách tắt điện thoại để không ảnh hưởng tới môi trường”, ông Vinh dẫn chứng và đề nghị: “Xây dựng cơ chế chặt để bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là voọc chà vá. Đưa nó thành linh vật của Đà Nẵng như gấu trúc với Trung Quốc. Tôi cũng đề nghị hợp nhất bản đảo Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân tương tự khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm do UNESCO công nhận”.
Ông Võ Thanh Sơn, Viện nghiên cứu Tài nguyên môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Phải duy trì các tài nguyên du lịch, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái. Các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm trong viêc này”. Ông Phan Văn Trương, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng, góp ý toàn bộ Sơn Trà là khu vực động vật quý hiếm. Chính vì thế, phải xác định voọc chà vá ở khu vực nào, và khu vực nào cần bảo vệ. “Ở đây không chỉ bảo tồn linh vật là mà cả hệ động thực vật dưới nước. San hô cũng cần nghiên cứu lâu dài. Phải xem như thế nào để không cắt vào đường đi của chúng”, ông Trương nói.
"Chiến đấu" đến cùng
Theo ông Vinh, Đà Nẵng hiện đã có 22.000 phòng, nếu cộng thêm 30.000 phòng cho thuê kiểu gia đình nữa thì lượng khách cũng chỉ có thể lấp hết 1/3 số phòng. “Nếu xây khách sạn, khu giải trí thì chỉ nên xây ở Đà Nẵng. Còn Sơn Trà giữ nguyên 300 phòng như hiện tại. Chúng tôi chọn Sơn Trà giữ nguyên, đó là điều lãng mạn cuối cùng, là báu vật mà chúng ta để lại cho con cháu của chúng ta”, ông Vinh nói. Ông cũng khẳng định sẽ "chiến đấu" đến cùng vì Sơn Trà.
Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Bộ VH-TT-DL, quy hoạch với số phòng 1.600 đã là quá giảm so với 5.000 phòng mà Đà Nẵng đã cấp phép xây dựng ở Sơn Trà. “Đà Nẵng đã rất dũng cảm chấp nhận con số 1.600, có nghĩa là giảm 70% lượng phòng dự án đã cấp phép và xem xét vấn đề pháp lý liên quan”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói và cho rằng trong việc này "các nhà đầu tư không sai, Đà Nẵng cũng không sai" nhưng vấn đề là "xử lý như thế nào?".
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cũng cho rằng “Giảm lượng phòng từ 5.000 xuống còn 1.600 là dũng cảm”. Tuy nhiên ông Bình đề nghị có thêm quy định chặt chẽ về dự án, rà soát dự án có cấp phép. Bởi cái gốc của vấn đề chính là các dự án và sự nghiêm túc khi thực hiện. Nên ai vi phạm thì cắt luôn không cho đầu tư, thậm chí thu hồi dự án.
Như vậy, việc giữ nguyên hay tiếp tục thực hiện quy hoạch Sơn Trà vẫn chưa có đáp án cuối cùng.
Voọc chà vá có thể bị ảnh hưởng vì bất cứ tác động nào đến bán đảo Sơn Trà
Mời chuyên gia độc lập thẩm định
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo quy hoạch, giải thích quy hoạch tổng thể chỉ là khung và khi thực hiện không phải bất di bất dịch, nếu thấy cần vẫn có thể điều chỉnh. Quy hoạch du lịch Sơn Trà không hề chịu áp lực việc Đà Nẵng đã phê duyệt 25 dự án. Vì thế mới có chuyện giảm lượng lớn phòng như nói trên. Trong quy hoạch, không gian cho du lịch sinh thái cũng lớn nhất so với các khu khác, điều đó chứng tỏ bản quy hoạch rất tôn trọng đa dạng sinh học. Về an ninh quốc gia, ông Lương cho biết, các khu xây dựng đều dưới độ cao 150 m trong khi được cho phép là dưới 200 m. Phần chạm đến rừng là rừng trồng và là khu ít có giá trị về đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, ông Lương cũng cho rằng: “Cần mời chuyên gia độc lập để thẩm định, xác định vấn đề đặt ra từ góc độ bảo tồn để xem cần điều chỉnh cái gì. Chứ nói chuyện cảm tính đó thì chẳng đi đến đâu”.
Ông Hoàng Đạo Cầm, đại diện nhóm soạn thảo quy hoạch, nhận định: Sơn Trà là điểm nhấn cảnh quan quan trọng của Đà Nẵng. Ở đó có khu bảo tồn thiên nhiên, có độ đa dạng sinh học cao, có voọc chà vá chân nâu nổi tiếng thế giới. "Chúng tôi đề xuất 4 quan điểm khi quy hoạch là: phát triển bền vững; phát triển trên khai thác hợp lý thế mạnh tài nguyên; gắn kết tài nguyên du lịch khác ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và gắn với bảo vệ môi trường đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng”, ông Cầm nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sẽ còn thực hiện tọa đàm khoa học để lấy ý kiến đa chiều. Ông cũng không loại trừ khả năng thành lập tổ tư vấn độc lập để thực hiện việc này.
Tổng cục nói có mời, chuyên gia nói không
Đáng tiếc là nhiều chuyên gia đã dự hội thảo về "Đa dạng sinh học ở Sơn Trà" đã không có mặt tại buổi tọa đàm sáng 30.5, dù ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã mời. Một trong số đó là ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), người đã khẳng định với Thanh Niên rằng bất cứ tác động nào đến bán đảo Sơn Trà cũng có ảnh hưởng đến quần thể voọc ở các mức độ khác nhau. Về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định đã liên lạc với các chuyên gia và xác nhận họ chưa nhận được lời mời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.