Chẳng mấy ai biết bây giờ, giữa đại ngàn cao 1.200 m của dãy núi Cà Đam, H.Tây Trà (Quảng Ngãi), người Cor ở đây đang giữ loại chè mà chỉ thoảng mùi hương trong gió cũng muốn nhấp môi. Đặc biệt, nơi đây còn giữ khoảng 20 ha chè đã có ngót nghét trăm năm tuổi.
Ngỡ ngàng chè xứ lạnh
Sau những cơn mưa rừng, đồi chè thêm mơn mởn. Mắt nhìn, còn tay bất giác đưa ra ngắt một lá chè đưa vào miệng. Vị hơi chan chát nhè nhẹ tràn ra đầu lưỡi. Nuốt nước chè tứa ra chảy chầm chậm xuống cổ, thấy ngòn ngọt, tỉnh hẳn cơn mỏi do đi xe máy gần trăm cây số. Theo con đường mòn thôn Trà Vân ra rừng, khách không khỏi ngỡ ngàng với màu lá chè non màu mạ trải khắp rừng. Đại ngàn thâm u như sáng lên, khi những ánh nắng xuyên qua kẽ lá, soi lên từng lá chè bóng bẩy.
Anh cán bộ xã đưa chúng tôi ra rừng, quờ tay cầm bình nước chè tợp một hớp ngon lành, đưa lưỡi liếm khô hai bên mép như sợ gió rừng thổi bay mất vị chè còn đọng trên môi. Trời lạnh, chè ấm thật không có gì ngon hơn. “Nước từ chè này đó. Chúng tự nhiên mà mọc, tự nhiên mà lớn lên. Ông uống thử đi, không có nơi nào bằng”, anh Hồ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trà Nham, nói.
|
Theo anh Nhân, đây là giống chè cổ rất quý của địa phương, không biết ai trồng. Người Cor trong xã sinh ra, biết ăn hạt cơm gạo lứt là biết uống nước chè tươi. Lớn lên biết ra rẫy, ngoài con dao, cái rựa, thì “bịch chè” luôn lủng lẳng bên hông. Nghe “bịch chè”, anh bạn đồng nghiệp không hiểu, nhưng tôi thì biết rõ từ lâu. Ấy là khoảng năm 1993, theo anh ruột dạy học xã vùng cao Trà Quân, H.Tây Trà, tôi chứng kiến người Cor ở đây khi ra rẫy không mang nước uống, mà mang một gói “cao chè” bọc bằng lá hay giấy. Đây là chè tươi họ nấu keo lại như cao. Mỗi lần uống, chỉ cần dùng dao đi rừng xén ra một cục bỏ vào tô, chén, sau đó nấu nước suối thật sôi lên đổ vào. Cao chè khi đó tan ra, bay hơi nghi ngút thơm. Rừng xanh khi ấy cũng nghiêng mình thưởng thức.
Đi và trò chuyện, chúng tôi lạc vào khoảnh rừng chè cổ thụ cao chừng trên dưới 5 m. Thân chè mốc, xù xì to như cột nhà. Xung quanh chè cổ thụ, bạt ngàn chè mà dân bản địa nói đã trên dưới 40 năm. Anh Nhân tiếc nuối: “Thời gian trước diện tích chè cổ hàng chục năm tuổi còn nhiều nữa. Do một thời giao thương trắc trở, giá cả quá bèo nên bà con phá đi nhiều để trồng cây có củ ăn liền, hay ngắn ngày bán kiếm tiền mua gạo”.
Xác định là cây trồng có giá trị kinh tế lâu dài, bền vững, địa phương đã có đề án quy hoạch, mở rộng thêm 50 ha ở vùng chuyên canh cây chè, đưa diện tích vùng chè tập trung hơn 100 ha. Hiện địa phương đang liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế từ cây trồng chủ lựcÔng Lê Anh Chiến, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Tây Trà |
Quy hoạch, mở rộng diện tích
Trước đây, nếu người Cor để cây chè lớn lên tự nhiên giữa rừng, thì nay, nhờ bán lá chè, cải thiện được đời sống nên người Cor đã biết chăm sóc. Những tháng mưa, cỏ cây chen rừng chè, bà con cầm rựa đi phát quang cho chè phát triển tốt hơn. Anh Hồ Văn Thương ở thôn Trà Vân, xã Trà Nham, cho biết rẫy chè gia đình anh còn rất nhiều cây chè cổ thụ cả trăm tuổi. “Mình không đụng đến các cụ chè này, bởi nó là cây ra trái rất nhiều, mình lấy hạt đi trồng, phát triển thêm diện tích”, anh Thương nói. Đáng mừng là người Cor ở đây cũng trồng thêm chè, lấy giống từ chè cổ thụ ấy để nhân giống, chưa kể sự hỗ trợ giống của UBND H.Tây Trà.
|
Theo tính toán của xã Trà Nham, mỗi gia đình hái khoảng 50 - 60 bó chè lá/ngày (chừng 350 - 430 kg), trung bình 1 ha chè cho khoảng 30 - 50 triệu đồng/năm. Cây chè ở đây trồng 3 năm là thu hoạch được, trong khi đó cây sống cả trăm năm. Vài năm nay, khi giao thông thuận lợi, tư thương đến tận nơi để thu mua. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Bảnh (62 tuổi, ở thôn Trà Vân), hiện 1 kg chè lá tươi bán dưới giá 2.000 đồng, một bó chè 12 kg chỉ được 15.000 - 20.000 đồng là quá rẻ.
Trong khi đó, ông Lê Anh Chiến, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Tây Trà, cho biết cây chè cổ Trà Nham rất đặc biệt. Đến nay ai trồng thì chưa rõ, nhưng các xã vùng cao khác và xã gần đó, chè cũng không ngon bằng. “Xã Trà Nham hiện có khoảng 54 ha chè, trong đó diện tích trồng mới, khôi phục chè cổ thụ lên đến 33 ha, còn lại là chè nhân dân tự trồng, tập trung nhiều nhất ở thôn Trà Vân. Xác định là cây trồng có giá trị kinh tế lâu dài, bền vững, địa phương đã có đề án quy hoạch, mở rộng thêm 50 ha ở vùng chuyên canh cây chè, đưa diện tích vùng chè tập trung hơn 100 ha. Hiện địa phương đang liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế từ cây trồng chủ lực”, ông Chiến nói.
Xây dựng thương hiệu chè Trà Nham
Theo ông Lê Anh Chiến, qua nhiều khảo sát và thử nghiệm, địa phương đi đến xây dựng thương hiệu chè cổ Trà Nham, nhằm mở ra một cơ hội mới cho đồng bào Cor. “Giờ đây, khi hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng ở địa phương đã dần được đầu tư, người miền xuôi và các loại phương tiện đã tiếp cận được vùng chè, thu mua, sẽ đưa chè đi tiêu thụ khắp nơi. Chè trên vùng núi xã Trà Nham nói riêng trồng trên núi cao, trong khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng đặc thù, không giống ở đồng bằng hay núi thấp. Ở nơi thượng ngàn này, cách trồng và khai thác đều tự nhiên, giữ nguyên chất rừng, đang được chính quyền địa phương lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ngay trong năm 2020 này. Theo đó, thương hiệu "chè Trà Nham" trên dãy Cà Đam sẽ được người nhiều vùng biết đến”, ông Chiến đánh giá và kỳ vọng: “Khi chè đã có thương hiệu, đời sống người trồng, chăm sóc chè cổ ở đây sẽ cải thiện rất nhiều, sống tốt hơn bây giờ”.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho biết hiện nay địa phương đang lo việc người dưới đồng bằng lên xã Trà Nham gạ mua chè cổ hàng trăm tuổi. Với giá hàng chục triệu đồng/cây, rất nhiều người dân đã xiêu lòng và trong thực tế, đã có người bán. Vậy nên khi xây dựng thương hiệu chè cổ thì bất cứ giá nào H.Tây Trà cũng giữ giống chè cổ này. Nó không chỉ có giá trị bây giờ, mà còn giúp nâng cao đời sống người dân trong tương lai.
|
Bình luận (0)