Thành viên đội bảo vệ hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng rạn san hô Hòn - Ảnh: Công Tâm |
Vùng rạn san hô được ví như rừng cây dưới đáy biển. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, làng biển Mỹ Hiệp vốn là điểm nóng về khai thác san hô của Ninh Thuận. Thương lái khắp nơi về đây đặt mua những cành bông đá (loại san hô mềm - PV) với giá rất cao. Bà con trong làng đua nhau xuống khu vực rạn san hô Hòn Đỏ (làng Mỹ Hiệp) khai thác một cách không thương tiếc. San hô đưa lên bờ, chất kín dọc bãi biển, sau đó được lái buôn thu mua, đưa về các thành phố lớn tiêu thụ. Có người còn dùng chất nổ để khai thác san hô cứng cung cấp cho một số nhà máy sản xuất xi năng. Từ đó, vùng rạn san hô Hòn Đỏ bị tàn phá, không còn chỗ cho các loài thủy sản sinh sống. Đứng trước nguy cơ rừng biển bị hủy diệt, cuối năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận phối hợp với chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) triển khai dự án: “Mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu” mà vùng rạn san hô Hòn Đỏ là một trong hai địa điểm của Ninh Thuận nằm trong chương trình.
Đội bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ gồm 6 thành viên là những ngư dân của làng biển Mỹ Hiệp được ra đời ở thời điểm này. Nhiệm vụ của các thành viên trong đội là tuyên truyền, canh gác, tuần tra không cho tàu thuyền neo đậu trên vùng nước hay dùng chất nổ khai thác san hô. Khi phát hiện có thuyền lạ vào rạn, đội bảo vệ sẽ phất cờ hiệu, đưa đèn báo hiệu cấm vào neo đậu. Trường hợp các tàu này không nhận lệnh thì các thành viên trong ca trực liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Ông Diệp Nghĩa Hùng (55 tuổi) thành viên của đội bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ, tâm sự: “Là ngư dân vùng biển, chúng tôi thường xuyên chứng kiến cảnh từng cây san hô bị tàn phá đưa lên bờ phơi khô mà thấy đau lòng. Sau khi tìm hiểu giá trị của rừng biển, chúng tôi quyết định viết đơn tình nguyện để được làm người vác tù và hàng tổng”. Theo ông Hùng, thời điểm mới bắt tay vào công việc ngăn chặn khai thác san hô, một số người trong vùng phản ứng gay gắt. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những thành viên trong đội thường xuyên tiếp chuyện, phân tích cho dân làng biết cái đúng, chỉ ra cái sai và rồi họ cũng nhận ra. Hiện người dân trong làng Mỹ Hiệp cùng nhau bảo vệ rạn san hộ như chính bảo vệ tài sản chung của dân làng.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận tổ chức khảo sát các loài thủy sản ở Hòn Đỏ và cho kết quả khả quan. Tại đây, có trên 334 loài san hô, trong đó có 308 loài thuộc 15 họ; 59 giống san hô cứng, 16 loài san hô mềm, 6 loài san hô sừng, 3 loài thủy tức san hô, tạo thành môi trường cho 92 loài thủy sản quý hiếm cư trú. Ông Lê Thành Nhựt, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết làng biển Mỹ Hiệp hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống bằng nghề biển. Từ khi đội bảo vệ tự quản đi vào hoạt động, rừng san hô ở Hòn Đỏ đã được hồi sinh, các loài thủy sản quý quay về sinh sống và ngư dân bắt đầu thu những “quả ngọt”. Đơn cử, mỗi năm họ đánh bắt hơn 50.000 con tôm hùm con (giá 270.000 đồng/con) đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Đời sống của ngư dân làng biển Mỹ Hiệp cũng khá lên nhờ khai thác các loại cá mú, cá hồng, ốc, mực…và đã mua sắm thuyền công suất lớn để khai thác xa bờ. Theo ông Nhựt, hiện có nhiều nhà đầu tư “nhắm” đến địa điểm Hòn Đỏ để đầu tư dự án du lịch sinh thái và được UBND tỉnh cấp phép.
Thiện Nhân
Bình luận (0)