Riêng trong năm 2022, Kon Tum sẽ trồng mới 4.500 ha với nguồn kinh phí trên 92,6 tỉ đồng.
Một vạt rừng tại Kon Tum đã trở thành nương rẫy |
ĐỨC NHẬT |
Để số tiền hơn 92 tỉ đồng này biến thành rừng thì còn phải chờ nhiều năm sau, thậm chí hàng chục năm nữa. Trong khi đó, diện tích rừng tại Kon Tum lại đang bị tàn phá, xâm hại từng ngày.
Theo thống kê, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát hiện 324 vụ vi phạm lâm luật với trên 1.100 m³ gỗ quy tròn các loại. Diện tích rừng bị thiệt hại là trên 43,71 ha. Năm 2021, tổng số vụ vi phạm lâm luật là 201 với khối lượng gỗ vi phạm 432,464 m³; thế nhưng diện tích rừng bị xóa sổ lại tăng lên 74,11 ha.
Thật xót xa khi nhìn thấy những vạt rừng bị đốt, phá. Có những nơi rừng đổ đến đâu, cây trồng của người dân mọc chen vào đến đấy. Thậm chí có những ngọn đồi bị phá sạch chỉ còn trơ lại vài cây khô. Cán bộ quản lý bảo vệ rừng giải thích, người dân ở đây có tập tục du canh du cư, chỉ canh tác ở một khu vực trong một thời gian. Sau vài năm, khi đất đã bạc màu, họ lại đi tìm mảnh đất khác để phá rừng làm nương rẫy. Những diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tái sinh.
Nhưng thực tế nguyên nhân rừng bị phá không phải chỉ từ tập tục của một số người địa phương, nó còn bắt nguồn từ việc quản lý, giám sát và bảo vệ rừng chưa được thực thi một cách nghiêm minh, hiệu quả...
Đưa ra những thông tin trên để thấy, số tiền bỏ ra và để kỳ vọng phần nhỏ nhoi diện tích rừng bị phá được hồi phục đòi hỏi nỗ lực rất lớn, phải được thực hiện kiên trì qua nhiều năm, nhiều giai đoạn. Bài học có thể rút ra là gì? Đó là phải giữ bằng được số rừng hiện có, không để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại, tàn phá vô tội vạ. Chính quyền địa phương phải tạo được sinh kế bền vững cho người dân và đặc biệt vai trò, trách nhiệm của lực lượng giữ rừng cần được nâng cao hơn nữa... thì mới giải được bài toán giữ rừng từ gốc rễ.
Bình luận (0)