Hội thảo có sự tham gia của đại diện UNESCO, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển, các bộ, ngành T.Ư, đại diện tỉnh Khăm Muộn (Lào), đối tác nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học… Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới (5.7.2003 - 5.7.2023).
Kiến tạo vỏ trái đất hơn 450 triệu năm trước đã "dày công" tạo cho vùng đất Quảng Bình một Phong Nha - Kẻ Bàng với những giá trị đặc sắc, độc đáo về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nơi đây có rừng bách xanh đá trên 500 năm tuổi, các loài cá và bò sát lưỡng cư mới được phát hiện. Đặc biệt, có hàng ngàn hang động lớn nhỏ, trong đó có hơn 400 hang động được khảo sát, nổi bật như Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới), Phong Nha (có sông ngầm dài nhất thế giới), Thiên Đường (có thạch nhũ kỳ ảo, độc đáo nhất thế giới)… Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã 2 lần được Tổ chức UNESCO vinh danh di sản thiên nhiên thế giới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Trong 20 năm qua, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã thực hiện 24 chương trình/dự án, tham gia 17 kỳ họp của Ủy ban Di sản thế giới, tham gia 21 diễn đàn quốc tế. Về nghiên cứu khoa học, đã phát hiện ở 43 loài thực vật, động vật mới; khảo sát đo vẽ 425 hang động với tổng chiều dài 243 km; cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã. Về du lịch, đã có 17 tuyến, điểm du lịch đưa vào khai thác, đón hơn 9,5 triệu lượt khách du lịch, thu phí tham quan 1.742 tỉ đồng.
Tại hội thảo, hàng chục tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tập trung các nội dung: đánh giá thành tựu 20 năm Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; quản lý di sản văn hóa, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo; vấn đề du lịch, kinh tế, truyền thông...
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhận định ngoài những thành tựu, Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng... Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, giải quyết mà hội thảo quốc tế là cơ hội để các bên cùng ngồi lại, bàn thảo vì một tương lai tươi sáng cho Phong Nha - Kẻ Bàng. Một số chuyên gia cũng khẳng định Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là di sản thiên nhiên quý hiếm cần được bảo vệ, gìn giữ mà còn là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bình luận (0)