Vì đại diện cho quyền lực nhà nước, nên họ được trang bị đầy đủ những công cụ hỗ trợ (gậy ma trắc, dùi cui, kiếm chống bạo loạn, còng tay, súng bắn đạn cao su, bộ đàm…) và những vũ khí quân dụng (súng ngắn, súng bán tự động, lựu đạn cay…). Khi họ thi hành nhiệm vụ có Cơ quan Liêm chính (khi có sự tố giác của người dân hay bất kỳ tổ chức nào bị các lực lượng này quấy nhiễu…) giám sát xử lý triệt để những hành vi tham ô, hối lộ… Nên nhìn vào những lực lượng này, người dân đã phải “kiêng nể” và tự ý thức tuân thủ pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu.
Ở nước ta thì sao? Nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện của “hiện tượng” xem thường (thậm chí chống) người đang thi hành công vụ, mà lĩnh vực giao thông là chủ yếu?
Nguyên nhân dễ nhận ra là hình ảnh người cảnh sát giao thông (CSGT) chưa đủ làm cho người cố tình vi phạm “nể” hoặc cao hơn là “sợ” về nhiều mặt. Thái độ và tính nghiêm túc của một bộ phận CSGT cũng chưa thể hiện cho lực lượng đại diện quyền lực nhà nước. Có nơi thì ba bốn chiến sĩ CSGT tụm năm, tụm ba nói chuyện hay có chiến sĩ đang trong ca trực lại sử dụng điện thoại “nấu cháo” với “người thân”… hay thờ ơ với những vi phạm cho rằng chưa đến mức phải xử lý (xe đạp đi ngược chiều, người đi bộ đi không đúng làn đường dành riêng… thì không xử phạt). Rồi việc mãi lộ, nhũng nhiễu mà theo như kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2012 đã chỉ ra CSGT là ngành có mức độ tham nhũng đứng đầu trong nhận thức của người được khảo sát. Chính từ những hành vi tưởng chừng không có ảnh hưởng gì nhưng lại mang một hậu quả thật khó lường, đó chính là thái độ của người dân đối với lực lượng này.
Bên cạnh đó, luật pháp của chúng ta cũng chưa chặt chẽ, thiếu tính cương quyết và đôi khi làm cho người thi hành công vụ, nhất là không chuyên trách mảng phòng chống tội phạm, có phần chùn tay. Khi xảy sự việc, người thi hành công vụ lại sợ phạm phải các điều cấm của pháp luật trong quá trình sử dụng công cụ hỗ trợ hay vũ khí quân dụng.
Đề xuất của Bộ Công an cho nổ súng đối với một số trường hợp cũng là một giải pháp. Song song đó, để lập lại trật tự, kỷ cương cần có những giải pháp đối trọng với cả người thi hành công vụ để xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, mãi lộ thì mới toàn diện.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch
>> Công bằng cho người thi hành công vụ
Bình luận (0)