Đây là một trong những lý do và là nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại hội nghị hợp tác lao động VN - HQ được Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức tại Hải Dương.
Nguy cơ mất thị trường tốt
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để giải quyết tình trạng này, giảm số lao động VN bỏ trốn tại HQ thì Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp với cơ quan chức năng HQ và các địa phương bàn bạc, thảo luận kỹ các giải pháp theo hướng “xử lý bằng động lực kinh tế, không nên xử lý vấn đề này bằng hình thức cưỡng chế”.
|
Phát biểu tại hội nghị, đại sứ HQ tại VN Ha Chan Ho cho biết phía HQ cũng như các chủ sử dụng lao động của họ đánh giá rất cao lao động VN bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt, làm việc. Chính vì những ưu điểm này mà nhiều năm qua, tỉ trọng lao động VN làm việc tại HQ luôn cao nhất trong số 15 quốc gia đưa lao động đến HQ. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, số lao động VN bỏ trốn khi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước ngày một tăng, và điều này “sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến số lượng lao động VN trong tương lai”.
|
Ông Choi Tai Ho, tùy viên lao động HQ tại VN, cũng chung nhận định này. Theo ông Choi, tỉ lệ lao động VN cư trú bất hợp pháp tại HQ cao hơn so với tỉ lệ bình quân của 14 quốc gia còn lại. Cụ thể, trong số hơn 28.000 lao động cư trú bất hợp pháp (của cả 15 nước) thì riêng lao động của VN đã chiếm gần 11.000 người (gần 40%).
Ông Choi Tai Ho cho rằng việc VN đặt mục tiêu giảm dần tỉ lệ lao động bỏ trốn xuống 27% vào cuối năm 2012, tức bằng mức trung bình của 15 quốc gia hiện nay là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy từ khi đặt ra mục tiêu này, tỉ lệ lao động của VN bỏ trốn vẫn tăng từ 54% của quý 1 lên 57% vào quý 2-2012. “Nếu điều này không được cải thiện, Chính phủ HQ không còn cách nào khác sẽ phải cắt giảm tỉ lệ tiếp nhận lao động” - ông Choi Tai Ho nhấn mạnh.
Chưa biết vì sao lao động trốn (!)
Muốn có giải pháp, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là phải tìm ra động cơ bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp của lao động VN. Ông đặt câu hỏi: có phải do chi phí đi thấp, thu nhập lại cao nên lao động bất chấp để vượt rào ra ngoài làm, hay do chính sách của bạn chưa chặt chẽ?
“Việc giảm số lao động bỏ trốn là trách nhiệm của ngành lao động, của các địa phương đối với đất nước. Đây là uy tín, là hình ảnh lao động VN” - Phó thủ tướng nhấn mạnh. Theo ông, nên tìm hiểu quy định của bạn, bàn thảo với bạn để tiền lương của người lao động năm cuối hợp đồng nên chuyển về ngân hàng trong nước giữ. Ngân hàng sẽ chuyển cho gia đình lao động nhưng giữ lại phần nào. Cộng thêm với khoản trợ cấp ngưng việc phía HQ chi trả cho lao động khi hoàn thành hợp đồng (trên 4.000 USD/người) thì cũng đủ để “giữ chân” lao động không bỏ trốn.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và gia đình họ chấp hành tốt quy định của hai nước. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương trong tuyển chọn. Thậm chí hạn chế tuyển lao động ở những địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao. Nghiên cứu các chính sách mới để ràng buộc trách nhiệm của người lao động và gia đình họ như chính sách ký quỹ (đối với lao động có điều kiện), bảo lãnh (đối với gia đình nghèo). Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ đề nghị phía HQ tăng cường xử lý những chủ lao động HQ sử dụng lao động bất hợp pháp...
Ông Trịnh Minh Chinh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lào Cai, cho rằng khâu tuyển chọn lao động là quan trọng nhất, chỉ tuyển chọn lao động đủ điều kiện, có ý thức chấp hành chủ trương tốt. Đồng thời nên có cơ chế phối hợp với HQ để trích, chuyển một phần tiền lương tháng của lao động về ngân hàng địa phương.
Tại hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh VN, Hội Nông dân VN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã ký chương trình phối hợp về công tác thông tin, tuyên truyền góp phần ổn định và phát triển thị trường lao động HQ.
Theo Đức Bình / Tuổi Trẻ
>> Cơ hội việc làm tại bến xe
>> Cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật
>> Năm 2009: Cơ hội việc làm thu hẹp
>> Giao lưu trực tuyến "Cơ hội việc làm khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Bình luận (0)