Giữa cái rét Sài Gòn, thương ngày rét đậm tuổi thơ

01/01/2017 15:12 GMT+7

1. Sài Gòn những sáng học đòi làm mùa đông, cũng mưa phùn gió lạnh, cũng áo ấm khăn choàng. Và tôi, ngủ dậy vẫn còn nán nằm im trong chăn ấm, nhớ về những mùa rét cũ.

Ngày còn bé, mẹ gửi tôi về nhà ông bà ngoại ở Đô Lương những khi bận công tác. Nhà ông bà có một rặng chuối già bên sân nhà. Đối diện với góc sân ấy là cái loa xã. Những ngày rét ấn tượng trong tôi là nhiều đám tang. Bà tôi thường dỏng tai lên mỗi khi loa phường rầu rĩ giọng đọc tin buồn để nghe xem người vừa mất quen hay lạ.
Rét đến độ người trẻ phải kêu trời thì huống chi những người già còn lay lắt. Và sau những tin buồn, loa xã lại phát dân ca, ví dặm. Bà ngồi bên bếp lửa lầm rầm hát theo những câu hát tưởng đã xa lắc lơ trong thời tuổi trẻ:
Ờ ơ... hoa đến thì thì hoa phải nở, đò đầy đò phải qua sông, đến duyên em phải lấy chồng...
Đôi khi, ngưng giữa câu hát buồn, bà kể rủ rỉ: “Khổ thật, mấy hôm trước còn thấy bà Chắt đi đám cưới, vì đứng xa quá, ồn ào không chào nhau, vậy mà...”.
Những cái rét tràn về tầm tháng 11, tháng 12, nối gần cận Tết cực kỳ buồn và âu lo với những gia đình có ông già bà cả như nhà ngoại tôi. Người lớn chặc lưỡi hỏi nhau: “Không biết cố có qua nổi tết không?”.
Trẻ con nằm trên giường, mái nhà chéo chéo phía trên là cỗ quan tài màu đỏ sẫm để phòng hờ ngày tết không mua kịp. Cứ thành thông lệ, sau ngày ông Táo, những nhà có người già, yếu trong nhà cứ qua một ngày mừng một ngày và âu lo tràn quanh những ngày sắp tới.
2. Tôi nhớ không nguôi những bếp lửa hồng ngày rét. Dù đó là bếp lửa ấm nồng bà nhóm lên trong gian bếp hay bếp lửa ngọn xanh ngọn vàng khói bay mù mịt mà lũ trẻ chơi cùng nhau nhóm lên ngoài sân trong vườn. Chúng tôi, đám trẻ lên năm lên sáu phân công nhau tìm những cành cây khô, lá chuối khô nhóm bếp chuẩn bị “đại tiệc”.
Đứa dấm dúi bốc được vài nắm gạo nếp của bố mẹ, nấu cơm nếp bằng... ống bơ. Cơm nếp nấu bằng ống bơ dĩ nhiên là rất nhão. Có đứa hí hửng nhặt được quả trứng của cô gà mái vừa đẻ rớt trong vườn nhà, háo hức vớ thêm nắm lá ngải cứu xanh non vừa nảy chồi đơm lộc, rửa qua quýt, ngắt nhỏ ra nướng chung với trứng.
Món ấy chắc cú là bắt chước từ người lớn. Đó là món ăn thơm ngon thần thánh của tuổi thơ mà sau này các cậu, các dì vẫn cùng nhắc lại cho tôi nghe với một niềm tự hào vui thích. Gọi là dì, cậu nhưng chỉ hơn cháu vài ba tuổi, có người còn ít tuổi hơn cháu, nên rất thân thiết với nhau.
Bố mẹ tôi làm nghề bán than tổ ong. Những ngày rét, mưa phùn lại là những ngày than bán rất chạy. Nhất là những hàng phở, sốt vang, giặt là... luôn có nhu cầu dùng than những ngày giáp Tết. Trên ngón chân cái của mẹ có một vết sẹo to và sâu tới mức móng chân không thể mọc lại, trở thành hình thù dị dạng. Mẹ nói đó là đợt mùa đông rét buốt gần tết.
Đi ngoài đường quá lạnh, chui vào bếp đưa than cho khách, đứng xớ rớ gần bếp cho ấm thì con chó vừa đẻ trú trong gầm bếp nhảy xổ ra cắn. Hỏi mẹ, lúc ấy chắc đau lắm phải không?
Mẹ cười, lúc ấy rét tới mức chẳng còn cảm giác đau gì. Nhưng chỉ ngày sau thì nhức lên tận óc. Tôi vẫn thường xoa xoa vết sẹo chai sần nơi ngón chân mẹ những ngày gió lạnh, mẹ ốm nằm bẹp giường. Xoa vào nỗi xót xa của chính mình khi nghĩ chỉ vài tháng sau thôi mình không bao giờ có cơ hội xoa lên vết chai này nữa...
3. Cái rét theo tôi cả những chuyến tàu ngược xuôi về phương Nam thời đi học xa nhà. Miền Nam nắng nóng, tàu chạy qua đèo Hải Vân là gặp rét. Càng ra Bắc càng lạnh nhưng lòng ai nấy đều reo vui ấm cúng khi ngoài những rào chắn sắt của đoàn tàu là những cánh đồng chấp chới cò bay, khói lam chiều quyện cùng gió rét bay la đà trong sương.
Còn khi quay lại trường học, lòng luôn có cảm giác lạnh lẽo, hiu quạnh, dù rằng phía ấy là những ngày nắng nóng. Bố tiễn con gái tận cửa tàu, nhất định dúi thêm nắm tiền lẻ vừa bán than được trong ngày. Nắm tiền lem luốc bụi than.
Dù có thể tự lo liệu được cuộc sống trong những ngày đi học xa nhà nhưng tôi không bao giờ chối từ nắm tiền lẻ lấm lem ấy vì nó mang theo hơi ấm từ tay bố, sưởi ấm lòng mình khi một mình quay lại nơi xa xôi. Và vì đơn giản, tôi thích nhìn thấy nụ cười thật tươi tắn hồn nhiên khi chia sẻ với con gái, không muốn nhìn vẻ băn khoăn đan xen trên những vết nhăn của bố.
Có những cái rét mang nhiều tâm tư, vui buồn trôi qua trong quá khứ nhưng vẫn mãi chưa bao giờ xa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.