Chiếc xe buýt dài ba mươi mét lắc lư vật vã giờ cao điểm trong thành phố, hơi thở con người còn không có kẽ thoát ra. Xe buýt qua cầu vào thành phố.
Minh họa: Tuấn Anh
|
Một điểm đỗ gần trường học. Trẻ con trung học cao lộc ngộc cố bíu cánh cửa xe mở vội cho người lọt xuống. Thêm vài nhân mạng thế vào chỗ lọt xuống có lẽ quá tải nên cửa xe sập mạnh. Như cảnh cáo. Trong số chen lên có một chú thợ tỉnh xa. Mười bảy tuổi. Thợ hàn học việc đang có việc làm phụ trên dự án xây nhà năm mươi tầng. Chú thợ lớ ngớ. Gã lái xe suốt ngày căng như sợi cáp cần cẩu lúc này thấy ngán lắm. Lúc này nhìn đám người bấu kín cửa xe gã tức điên. Lúc này gã lầm bầm: “Mẹ, chen gì mà như lũ giòi”... Rồi gã nhấn nút đóng cửa xe lần nữa. Chú thợ chân trong chân ngoài thét lên. Xe dừng đột ngột. Gì thế? Chuyện gì? Tai nạn xe buýt!
Cửa xe mở mạnh. Chú thợ ngã xuống vỉa hè. Phụ xe nhảy xuống loay hoay sờ nắn chùi máu hét về phía đầu xe: Kẹp chân tí thôi!
Bắt đầu vòng trong vòng ngoài. Bắt đầu ồn ào bày vẽ đường đi nước bước. Đưa con người ta đi viện đi! Đền tiền mặt rồi gọi taxi. Làm đi chứ. Tinh thần trách nhiệm để ở đâu. Cứ cái lối ào ào rồi lẩn à... Những hùng hổ. Những bàn tới bàn lui. Những ước lượng tiền phải đền...
Nhưng chú thợ, mặt bầu bầu áo sơ mi ca rô màu sẫm tay bịt vết thương mắt nheo nheo vì đèn pha xe máy soi vào mặt. Không sao đâu. Cháu thấy không sao mà. Cho cháu tí bông băng là xong! Gã lái xe trẻ tuổi cúi xuống băng chân cho chú bé lầm bầm ai bảo đông thế còn cố bám? Cháu vội! Thế tao không vội chắc?
Thôi chú đi đi kệ cháu. Cháu không cầm tiền đâu. Cầm lấy. Hai chục này vào chỗ trạm xá phường kia kìa băng lại cho chắc...
Đám đông nín thở. Rồi bùng nổ khi cái xe buýt đã lắc lư ra khỏi chỗ đó. Thằng ngu kia, mày không bắt nó đền cho nó lòi con ngươi ra. Ngố quá em ơi, ngố thế này về miền của em mà bơi chứ ở thành phố này nước mặn lắm, em ngơ như thế em chết sặc cái chắc... Một cặp đôi u bảy mươi đứng lại nhìn nhân sự giày thể thao đi bộ dậm dậm lên có vẻ thể thao. Ông kéo bà ra xa bình luận: cho tôi ngồi lên xe buýt mà lái tôi sẽ đâm vào cái đám mất dạy kia rồi đến đâu thì đến. Không có xứ nào mà người ngợm gớm ghiếc như xứ này. Bà trí thức quan chức đã rảnh tay gật đầu: Cho chết bớt đi!
Chú thợ nhìn mọi người đang tản đi cố đứng lên nhưng không được. Bây giờ mới thấy đau. Cái đau xuyên qua cơ thể làm chú rên nhỏ. Chú nhìn ra đường. Mũ bảo hiểm lấp lóa trên xe máy phóng nhanh làm đường sá như có hàng ngàn người máy diễu qua giống trong phim giả tưởng để phút chốc có cảm giác mình trơ trọi. Không còn ai nhìn ngó chú nữa.
Đúng lúc ấy một cánh tay giơ về phía chú. Nào đứng lên anh kéo. Có lẽ nhờ cánh tay lạ, nhờ giọng nói lạ nhờ cái vẻ quan tâm thực sự mà chú thợ đứng lên được. Chú bất giác dựa cả thân người vào một thân thể hừng hực thanh xuân của người thanh niên chưa quen. Anh ta nói chắc: Chân em bị kẹt vào cánh cửa chắc là hơi sái rồi, ngồi lên xe anh đưa đi khám, không liều được đâu. Gọi tên anh cho dễ xưng hô. Anh là Tiền. Tiền ạ! Ừ Tiền. Cái thứ mà anh với chú quần quật vì nó ngày đêm đấy.
Chú thợ giới thiệu quê quán nghề nghiệp, không thể không nghĩ đến cái khúc người ta hay dọa đám nhà quê non tuổi rằng cái sự bị bắt cóc bị lừa lỉnh bị níu kéo nhập hội. Nhưng nhìn anh này cảm nhận cái thật qua bàn tay anh ấy đưa ra, chú để anh hầu như bế lên ngồi trên xe. Chú bảo em là thằng Tơn.
Sao thời này vẫn có người đặt tên con xấu thế?
Mẹ em bảo đặt theo tên ông nội thời chiến, ông nội chết oanh liệt lắm nên đặt gần vần tên của ông lấy khước.
Hóa ra là phải chiếu phải chụp. Phòng khám tư nhân có vẻ thương chú thợ, lấy của chú đủ tháng lương thợ học việc vừa nhận buổi chiều. Xương cổ chân hơi rạn. Phải nằm độ hai tuần giữ nguyên cái nẹp này, còn phần da chảy máu không lo. Chú thợ hoang mang. Em ở trọ cùng hai bác xe ôm trong khu nhà trọ bên kia cầu. Ở đấy cho rẻ. Tối nào em cũng đi xe buýt qua cầu. Em về đến nơi thì hai bác ấy đã lên giường rồi. Giường kê dưới đất hóa ra bây giờ lại hợp với em. Em vẫn còn ít tiền em nhờ mua cơm bụi đầu ngõ họ đưa vào ngay mà. Anh đừng lo!
Anh Tiền nghe chú thợ vạch kế hoạch. Vậy là nghỉ dài trong khi túi chỉ có vài chục ngàn.
Anh đừng lo. Anh cho xem ra chỗ xe buýt giờ này sắp có chuyến cuối em về bên cầu.
Cái cách thằng bé không bắt đền lái xe, cái câu gã nào đó trong đám đông “ngố thế này về miền của em mà bơi” làm anh Tiền chằm chằm nhìn thằng bé. Anh dứt khoát: Về chỗ anh gần đây. Nào đưa tay anh dìu. Không cãi. Yên tâm đi!
Con ngõ ngoằn ngoèo nhỏ tí như có sự bí mật giữa thành phố. Căn phòng trọ không đến nỗi nào. Nó được tách ra trong một ngôi nhà lớn xây kiểu cán bộ được chia đất có lối đi riêng, có nhà bếp riêng. Xe máy để giữa phòng. Hai cái giường hai bên. Có mùi xào nấu. Có một cô gái trẻ mặc áo đỏ anh Tiền gọi là Lan, ra đỡ hộ anh nào! Nhìn thấy Tơn cô này mặt sưng lên, hai gò má nhô cao. Một sự gì đấy làm một cô gái khá đẹp biến hình rất nhanh. Thế là đây lại phải biến?!
Phải rồi. Em sang chỗ chị Thịnh mà ngủ sáng đi làm cho vui. Cậu này là em anh bị tai nạn ở với anh một thời gian... Em anh hả? Năm nay em thấy anh có hai cậu em rồi. Chưa đã hả?
Đừng nói bậy. Người ta cần giúp đỡ cả.
Vùng vằng nhưng Lan vẫn dọn cơm ra cái bàn gấp để giữa lối đi. Món canh cá món xào thịt bò. Có vẻ là bữa cơm được chăm chút dành cho hai người trong buổi chập choạng tối. Chú thợ ngập ngừng đưa miếng cơm lên miệng, muốn nói rất nhiều mà không biết nói ra sao cho phải. Cô Lan có vẻ thương người, không ghê gớm như vẻ ngoài của cô. Ăn đi này! Chân cẳng thế kia thì mất việc là cái chắc. May là gặp anh Tiền. Gặp anh Tiền là sinh vào giờ tốt. Tiền mà!
Cô dọn dẹp, rửa bát, cất bàn, đập bụi trên gối của hai cái giường, dặn có bánh mì ở kia, đói thì rán quả trứng! Rồi cô xách túi du lịch nhỏ lấy trên gác xép, bảo ra gọi xe ôm đi cho tiện.
Chú thợ đau một lúc uống thuốc giảm đau mệt quá ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy đã nghe tiếng xe máy tiếng trẻ con gọi nhau trong ngõ. Một cái chăn mỏng đắp ngang người đêm mùa thu hơi lạnh. Một mẩu bánh mì kẹp trứng để cái đĩa bên cạnh. Lời dặn trên bảng: Buổi trưa anh dặn hàng cơm bụi rồi, họ mang cơm cho. Đừng cử động nhiều tối anh về. Trông nhà cho anh!
Nhà không có gì ngoài cái ti vi hai cái va li cũ, nhưng như vậy là không thể bỏ đi, là phải có trách nhiệm với anh Tiền. Ngày trôi qua thật chậm với những câu chuyện yêu đương giống hệt nhau trên ti vi với những con người mỹ mãn hồng hào no đủ trong các phim quảng cáo. Ước gì đời được như cái anh quảng cáo nước hoa đàn ông kia.
Anh Tiền thường về muộn. Chị Lan ghé qua vừa lườm nguýt vừa xào nấu chu đáo khéo tay. Ba con người ba phương quần tụ như máu hồi tim buổi chiều muộn. Mà đột nhiên thấy an tâm, thấy ấm áp. Thường trong bữa ăn anh Tiền không nói gì. Thường trong bữa ăn chị Lan bàn những chuyện ngoài đường chêm vào đủ thứ từ ngữ mà cánh thợ hàn ngồi với nhau hay nói cả cánh xe ôm hay nói. Thường chú thợ đỏ mặt nhưng không hiểu sao nghe chị Lan nói lại có thể cười. Có lúc cười nghẹn cơm. Câu chuyện có nhắc tới cái anh chàng chiếm chỗ của chị hai tháng. Thằng Qua. Người nhỏ như cái kẹo mút mà kiếm tiền chả kém gì anh Tiền. Nghề gì Tơn đoán xem? Học hộ. Lại có nghề thế đấy. Mấy cái trường đại học trên kia kìa. Đủ bộ. Ban đêm đi chạy sô nhà hàng, sáng sức mấy mà ngồi lớp. Thằng Qua chỉ việc điểm danh. Chỉ việc ngồi nghe cho thầy nhìn thấy chỗ thằng kia có đứa ngồi. Rồi là thiếu gia thừa tiền mải chơi. Sáng còn dẫn em chân dài ngồi quán. Thằng Qua điểm danh lớp đó ngồi chỗ thằng kia cho thầy thấy mặt... Rồi là về quê đột xuất. Rồi là học hai trường... Thằng Qua sáng dạ học được đủ thứ ở đủ lớp. Nhưng lại ngu, lại tham. Muốn có thêm khách thế là làm quảng cáo dán bảng trường đề là “Nhận học hộ!”. Bị người ta rình tóm được. Bị ngồi đồn một ngày. Anh Tiền đưa về nuôi mấy tháng là biến. Giờ nó đi đâu anh?
Biết được à?
Anh nuôi nó mấy tháng nó chả thèm quay lại mà cám cái ơn anh! Nó khó khăn mà. Chắc phải đi tìm việc mới.
Rõ rách việc cho anh. Cứ thế bao giờ anh đủ tiền thuê chỗ tươm một chút. Đủ tiền lấy vợ? Em không mơi anh nhé. Anh chả phải bận tâm lấy em. Ở với anh lâu rồi em thừa biết súng ống anh hoành tráng nhưng lửa khói không đủ độ. Phải có lửa đàn bà nó mới đỡ tủi. Em nói vậy cho anh xác định không phải lo cho em!
Anh Tiền cười cười, thấy chú thợ ngớ ra khi nghe chị Lan nói một chặp. Thằng kia ăn cái này đi. Rồi phải quen sóng quen gió em ạ. Chả mấy khi gặp được đại ca nghĩa hiệp như ông này!
Mùa thu đi chậm, nhiều màu sắc trên ngọn cây sấu sót lại sau cái dự án mở đường ngang qua khu phố này. Ngồi trong nhà chú thợ ngắm cái cây như ngày thường thỉnh thoảng từ trên cao chú nhìn xuống đường thấy cây cối cứ biến mất. Biến một cách dã man như cây xà cừ chú từng ngồi bên nó ước lượng phải hai vòng tay ôm mới xuể thân nó. Cưa máy nghiến cái cây rất ngọt. Gốc cây đỏ màu gỗ như có máu. Có cái gì đó trơ trọi yếu ớt tràn ngập tim chú. Chả có ai thương xót. Cái cây tội nghiệp!
Gần hai tuần trôi qua. Mọi việc anh Tiền lo rồi. Anh gọi điện cho ông chủ chú thợ. Ô kê! Khi nào khỏi thì đi làm tiếp. Cậu này chăm chỉ có trách nhiệm chúng tôi chờ đấy!
Đêm. Chú thợ nằm nghe giường bên kia anh Tiền trăn qua trở lại. Chú cũng chả hỏi anh làm gì. Anh ấy cũng chả hỏi gia cảnh của chú. Như các mảnh đời tình cờ ghép lại. Nhưng sao lại có người tốt thế. Chú thợ nghĩ đến gã bố dượng say rượu. Sợ hãi cái đòn gánh gã từng phang vào lưng thằng con riêng của vợ dù khổ mà má nó vẫn bầu bầu, da nó vẫn trắng. Chắc con vợ mình thu xếp cho thằng con của nó tiền bạc giấu diếm bồi dưỡng nọ kia... Bất kể cái gì xảy ra trong nhà gã cũng dùng đòn gánh. Đòn gánh mẹ chú gánh rau ra chợ huyện hằng ngày. Phang xong gã còn dọa: mẹ mày mà biết tao cho mày xuống hồ ngủ với cá...
Nghĩ tới quê nhà xa tít miền ngược chú thợ sụt sùi. Ngoài đường đêm vắng lắm. Tiếng sùi sụt của chú nghe như bị kìm nén mà không kìm nổi. Anh Tiền dậy từ từ đến bên thằng bé. Gì thế? Em đau hả? Không anh ạ!
Một cách vô thức, một cách mãnh liệt như cơn bão tràn qua đỉnh núi, hai chàng trai ôm choàng lấy nhau. Chú thợ nhỏ bé hơn gục lên vai người con trai đã trưởng thành vai đã vuông gáy cứng cáp tay rất mạnh. Cánh tay giống như của thợ bốc vác ngoài cảng sông nhưng có cái gì đó mềm mại chở che. Không một lời thổ lộ không một chút sờ soạng khám phá, họ ôm nhau rồi nằm xuống trong một cảm xúc kỳ lạ chưa bao giờ nếm trải. Chỉ có một thứ gì đó như là tình thương đứa em trai, như là sự nương tựa người anh trai. Cả hai không nói gì nữa. Giấc ngủ tràn ngập. Tràn ngập tâm hồn họ sự trong trẻo của tình cảm con người...
Những ngày tiếp nối. Những đêm tiếp nối. Hóa ra giữa hai đứa trai có một thứ gọi là tình yêu.
Em đi làm rồi về ở với anh. Anh lo cho em mọi việc đừng ngại. Anh Tiền vuốt cái má bầu bầu, sờ cái dái tai dầy của chú thợ. Đếm mấy cái lông măng trên mặt thằng bé. Em là của anh. Không được yêu ai nữa!
Buổi sáng chú thợ chuẩn bị quay trở lại công trường. Xa nhau có một ngày. Tối chú lại về. Nhưng có cái gì như xé nát tim người con trai trưởng thành. Anh Tiền sợ độ cao làm thằng bé còn đau chân phải loạng choạng. Sợ chuyến xe buýt đông nghẹt giờ cao điểm. Sợ thằng bé đói. Sợ làm anh Tiền không thể kìm lòng. Anh ôm choàng chú thợ giữa căn phòng trọ. Ôm chặt cứng. Chị Lan đến làm gì ấy, nhìn thấy cái cảnh lần đầu tiên trong đời chứng kiến. Lan hét lên: Làm gì thế hả?
Như là tự nhiên nó phải thế, hai người buông nhau. Anh Tiền nhỏ nhẹ: em đừng nghĩ vớ vẩn. Anh thương nó cũng như thương em thôi.
Anh thương gì tôi. Chị Lan bắt đầu nức nở. Tôi biết thừa anh coi thường tôi vì tôi chỉ là thợ mát xa. Coi thường vì người ta thêu dệt thợ mát xa là cái đệm mút. Không đâu anh ơi. Tôi nói để anh hay không đứa nào hứng thú gì khi ngày nào cũng sờ tay lên lưng lên chân mấy lão già bụng hôi mồm thối cánh viêm. Cánh viêm là cái gì thằng kia biết không, là hôi nách ấy. Có lão đi vào phòng xoa bóp nhất định không mặc quần đùi. Có lão cầm tay thợ chỉ bảo. Hàng họ lão nào cũng đen sì xám xịt cũng nhàu như giẻ rách. Gớm thôi cũng không đủ! Nhưng mà phải nhịn. Phải truyền hết năng lượng trong một ca mát xa. Có là điên mới ngả ngớn. Nghề này kiếm tiền típ ngày vài trăm còn hơn chán vạn kẻ khác...
Nức nở. Suỵt soạt nước mũi. Chả hiểu chị Lan ám chỉ cái gì. Hai gã trai ngồi buông thõng tay, mặt đần như trẻ bị mắng.
Tôi biết mà. Biết vì sao anh hoành tráng thế mà anh đối với tôi cứ như mèo vờn chuột. Anh khinh tôi...
Em đừng hiểu bậy. Đã bao giờ anh khinh em?
Phải. Nhưng chưa bao giờ anh ôm tôi với cái kiểu như anh vừa ôm thằng cu kia. Tôi sửng sốt đấy. Anh ôm mà như ôm cả trời đất trong tay. Như sẻ da sẻ thịt. Đời tôi mà được ai ôm như thế một lần là đủ bay lên trời chả ở trần gian làm gì. Thôi tôi đi nhường chỗ cho người của anh.
Chú thợ hốt hoảng cầm tay chị Lan. Chị nhìn bàn tay thằng bé búp măng không ra tay thợ rồi nghĩ cái gì đó như là trái khoáy chị Lan giật tay ra vẻ gơm gớm.
Đừng có mà cầm tay tôi.
Nhưng chị đừng đi hẳn, chị phải giúp anh Tiền nhà cửa cơm nước. Em đi làm em sẽ về bên kia sông, em đóng tiền trọ nửa năm rồi em không làm phiền chị đâu.
Cám ơn! Còn phải nghĩ!
Nghĩ gì hả em? Bọn mình đều là dân nghèo đều là bụi bặm trong thành phố có gì phải ghét nhau? Anh với em, tình nghĩa lâu rồi mà. Thỉnh thoảng về với anh... Xem, thằng này bị nạn không có bọn mình thì còn có ai.
Nhưng Lan, đanh đá, xinh đẹp nguýt hai gã trai vừa khinh vừa thương hại vừa như ganh tị. Mà ganh tị nhiều hơn. Lan khoác ba lô kiểu của học trò đựng phụ kiện đi cương quyết ra đường.
Hai gã trai nhìn nhau. Không dưng lại khoác cho mình một thứ tình? Anh Tiền lầm bầm rồi đập đập vai chú thợ: Thôi
cũng được. Cứ để anh giúp em. Mặc kệ chị Lan. Xưa nay vẫn vậy đấy…
Chú thợ nhớ tới thời gian trong cái ngày hôm đó. Sáu giờ ba mươi tối. Chú đọc đâu đó rằng giờ đó người ta có thể gặp nạn nhưng rồi sẽ gặp may.
Tin được một người là may.
Ngoài kia là thành phố rì rầm hung dữ với mỏng manh con người. Chú thợ nhìn đôi vai người đàn ông tốt bụng. Tựa vào vai đó đâu có thể chỉ là người đàn bà?
Bình luận (0)