Giữa Tashkent, gặp chàng trai Việt với ước mơ đi bộ khắp thế giới

20/05/2023 12:12 GMT+7

Cách đây vài tháng, khi tình cờ phát hiện kênh YouTube của Lê Khả Giáp, chàng trai 9X nổi tiếng với ước mơ đi bộ khắp thế giới, tôi đã rất ấn tượng nên nhấn nút đăng ký và trở thành “fan” của cậu.

Thật bất ngờ khi tôi gặp Giáp tại thủ đô Tashkent (Uzbekistan) - nơi tôi đang sống nên không bỏ lỡ cơ hội “phỏng vấn” để giải tỏa những thắc mắc và sự tò mò của tôi về chàng thanh niên bản lĩnh này.

Tôi mời Giáp đến nhà ăn trưa và tranh thủ phỏng vấn trước khi cậu lên đường sang châu Phi vào ngày hôm sau (19.5). Đồng thời, tôi cũng muốn chia sẻ cho Giáp vài điểm cần lưu ý khi đến châu Phi, do tôi đã từng sống ở Kenya và Sudan hơn 6 năm.

Lê Khả Giáp sinh năm 1995, quê ở Hải Dương. Năm 2014, khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội, cậu tham gia chuyến đạp xe xuyên Việt. Lúc đang đạp xe ở Quảng Ngãi, Giáp bỗng cảm nhận được khát vọng lang thang trỗi dậy từ bên trong, thôi thúc cậu lên đường khám phá thế giới. 

Giữa Tashkent, gặp chàng trai Việt với ước mơ đi bộ khắp thế giới - Ảnh 1.

Tác giả bài viết (giữa) gặp Giáp ở Tashkent (phải)

NVCC

Chỉ trong vòng vài tháng, Giáp quyết tâm biến khát vọng đó thành hiện thực, thế là Giáp nghỉ học, tìm việc để kiếm tiền chuẩn bị cho hành trình ra biển lớn. Giáp chọn cách đi bộ để trải nghiệm được chậm hơn, sâu hơn, kỹ hơn và cũng vì… rẻ. Sau 2 năm làm việc cật lực và để dành được 16 triệu trong tài khoản, Giáp quyết tâm lên đường.

“Em nghĩ nếu đợi có đủ tiền và kinh nghiệm mới đi thì chẳng biết đến bao giờ. Bây giờ thì em đã có nhiều kinh nghiệm rồi”, Giáp kể. Hình xăm 5/6/2016 trên cánh tay Giáp đánh dấu cho ngày mà cậu bước những bước chân đầu tiên trên hành trình đi bộ vòng quanh thế giới. 

Khi tôi hỏi về ý nghĩa của những hình xăm khác trên người, Giáp giải thích: “Lúc mới đi, em chỉ có một hình xăm trên cánh tay thôi. Đó là dòng chữ “Walk around the world” (Đi bộ khắp thế giới), cũng là quyết tâm của em. Chữ Alaska trên bụng để đánh dấu cho điểm cuối của hành trình”.

- Điều này khiến chị nhớ đến bộ phim Miền hoang dã (In to the wild, 2007). Chắc em đã xem phim đó? 

- Đúng vậy. Dù đã có ý tưởng lên đường từ lâu, nhưng sau khi xem bộ phim đó, em quyết định rằng Alaska sẽ là đích cuối.

Giữa Tashkent, gặp chàng trai Việt với ước mơ đi bộ khắp thế giới - Ảnh 2.

Một bữa cơm trên hành trình đi bộ khắp thế giới của Giáp

NVCC

Giáp khởi hành từ Hà Nội đến Sapa, Điện Biên rồi sang Bắc Lào, Bắc Thái Lan, Trung Thái Lan, Myanmar rồi qua Ấn Độ. Ngay trong ngày đầu tiên rời Hà Nội, tiết trời giữa trưa hè rất nóng nên Giáp nhanh chóng bị mệt và bắt đầu nản, nhưng thay vì bỏ cuộc quay về nhà, cậu quyết định bắt xe khách chạy thẳng đến điểm tiếp theo. Dần dần, Giáp học cách nghe, cảm nhận cơ thể của mình, dễ thích ứng với việc di chuyển. Mỗi ngày, Giáp đi bộ khoảng 15 - 35km.

Để tiết kiệm tiền, Giáp xin ngủ nhờ ở chùa hoặc cắm trại, dựng lều ngủ ở bất kỳ đâu. Nghe Giáp kể từng ngủ một mình ở những nơi rừng thiêng nước độc, thậm chí là nghĩa địa, tôi xanh cả mắt. Lúc ở Chennai (Ấn Độ), do đã cạn tiền nên Giáp quyết định bay về Việt Nam làm việc kiếm tiền, trước khi tiếp tục hành trình.

- Vì sao em chọn quay về Việt Nam mà không ở lại Ấn Độ tìm việc rồi đi tiếp? 

- Lúc đó kinh nghiệm của em còn non, không biết tiếng Anh, em chẳng có khả năng gì và cũng không biết phải làm gì để ra tiền nên quyết định về nhà. Em biết mình cần chuẩn bị kỹ hơn để có thể đi được xa hơn nữa.

Về quê, Giáp khởi nghiệp bằng cách mở tiệm bánh. Năm đầu, cậu học nghề và phương pháp quản lý để tích lũy kinh nghiệm. Nhà nghèo nên cậu thuyết phục bố mẹ "cắm" sổ đỏ để có vốn mở cửa hàng, quyết tâm thành công để không phụ niềm tin của bố mẹ. Đến năm thứ 2, việc kinh doanh bắt đầu ổn định và tới năm thứ 3 thì bắt đầu dư tiền. Năm 2020, khi đã tích được một số tiền tạm đủ, Giáp để cửa hàng lại cho bố mẹ quản lý rồi tiếp tục hành trình.

- Bố mẹ em đã phản ứng như thế nào với việc em lại lên đường khi công việc kinh doanh vừa mới vào guồng? 

- Bố mẹ không giữ vì hiểu tính em, có giữ cũng không được vì em đã quyết là sẽ làm. Vả lại, ngay từ khi làm móng để xây cửa hàng, em đã nói với bố mẹ rằng khi việc này làm ra tiền, con sẽ lại ra đi.

- Bây giờ em đã có kỹ năng làm bánh. Nếu lại hết tiền ở đâu đó, em đã có thể tự tin bước vào một tiệm bánh để xin việc chứ?

- Chắc chắn rồi. Giờ thì em đã là một “master” làm bánh! 

Giữa Tashkent, gặp chàng trai Việt với ước mơ đi bộ khắp thế giới - Ảnh 3.

Giáp và "hành lý" ở Ấn Độ

NVCC

Giáp cười, nụ cười hiền lành nhưng đầy tự tin. Lê Khả Giáp lập kênh YouTube để kể về trải nghiệm của mình khi lên đường lần thứ hai vào năm 2020. Vì chưa có kinh nghiệm nên cậu bỏ hơn 100 triệu sắm đủ mọi đồ nghề với suy nghĩ đã làm YouTube thì phải “pro” ngay từ đầu. 

Sau này, càng đi, Giáp càng tối giản mọi thứ cho dễ di chuyển nên bây giờ, chỉ cần một chiếc iPhone, một cái micro và chiếc máy quay GoPro nhỏ gọn, Giáp đã có thể “sản xuất” những video chất lừ. Tôi thắc mắc liệu có ai giúp Giáp chỉnh sửa video trước khi đăng trên YouTube, cậu lại khiến tôi bất ngờ khi trả lời mọi thứ đều do cậu tự học, tự làm từ các ứng dụng miễn phí trên điện thoại.

“Bây giờ xem lại các video đầu tiên, em thấy chán lắm”, Giáp bật cười kể tại. “Lúc ấy trình thấp nên em quay kém, video bị rung lắc nhiều, nhưng giờ thì ổn rồi. Còn việc chỉnh sửa và soạn video thì cứ kiên nhẫn, cặm cụi học và sửa dần, rồi đâu sẽ vào đấy thôi”. 

Điều nữa khiến tôi ngạc nhiên là tuy đã đi qua rất nhiều nơi, nhưng Giáp không biết tiếng Anh. Cậu kể hồi sang Lào, Giáp nghèo đến mức không có tiền mua sim điện thoại nên mỗi khi học được từ mới, cậu lại ghi vào sổ. Ở những nơi khác, Giáp đều học trên đường. Khi kết nối được với internet thì cậu dùng chức năng Google dịch để giao tiếp. Trong suốt năm đầu của hành trình, Giáp thậm chí không dùng sim điện thoại nên đến đâu có wifi mới có thể truy cập internet. 

Ở Afghanistan, Giáp đánh liều xin ngủ nhờ trong căn cứ của quân đội Taliban. Có vài chuyện trục trặc xảy ra khi Giáp bị thu hộ chiếu, đồ đạc nhưng sau đó được giải quyết ổn thỏa. Đối với cậu, người Afghanistan thân thiện và hiếu khách, rất dễ thương. Tại nhiều nơi, chỉ cần Giáp dừng chân một lát là cả làng kéo đến vây quanh.

- Họ luôn tò mò, muốn biết về em nên hỏi đủ thứ. 

- Bằng Google dịch ư?

- Tất nhiên rồi, họ không biết tiếng Anh và em cũng vậy. Có rất nhiều người tử tế tốt bụng.

- Có khi nào em thấy cô đơn, lạc lõng, muốn bỏ cuộc không? 

- Đôi khi lang thang mệt mỏi, em có hơi nản. Nhưng bây giờ, em thấy chỉ cần ngủ một giấc là hôm sau lại có đầy năng lượng để tiếp tục đi.

Cuộc trò chuyện thân tình rồi cũng phải kết thúc vì Giáp phải về để chuẩn bị lên đường: chỉnh sửa video mới nhất về cộng đồng người Triều Tiên sống tại Uzbekistan để kịp đăng YouTube và chuẩn bị hành lý. Những thứ làm nên “thương hiệu” của chàng trai đặc biệt này trên hành trình đi bộ khắp thế giới là chiếc xe đẩy có thể gấp gọn do chính Giáp thiết kế và chiếc balo, bên trong có vài bộ quần áo, một đôi giày và đôi dép lê Việt Nam.

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ thái độ tích cực và luôn vui vẻ của chàng trai 9X này. Lê Khả Giáp đang mang tinh thần của người trẻ Việt Nam ra thế giới trên những cung đường không hề bằng phẳng, nhưng nhờ những câu chuyện mà Giáp chia sẻ, chúng ta biết được rằng đâu đó vẫn đầy ắp tình người. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.