Nghe có vẻ lạ lùng nhưng một nhóm nhà nghiên cứu ở Mỹ đã nhận thấy giun ký sinh lại có khả năng trị bệnh viêm ruột, một căn bệnh đến nay vẫn chưa chữa được.
Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Theo CBS News, các nhà khoa học ở Trung tâm Y khoa NYU Langone, New York, Mỹ, nhận ra rằng có một loại giun sán thường thấy ở người ít mắc bệnh viêm ruột (còn có tên là Crohn, viết tắt là IBD).
Từ đó, nhóm nghiên cứu quyết định kiểm tra xem có phải loại ký sinh trùng này có khả năng điều trị bệnh cho người mắc bệnh viêm ruột. Đây là căn bệnh gây viêm trong niêm mạc đường tiêu hóa. Nó có thể gây ra triệu chứng suy nhược bao gồm đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân và suy dinh dưỡng.
Đồng tác giả nghiên cứu này là ông Ken Cadwell, trợ lý giáo sư về sinh học tại Trường ĐH Y khoa ở New York, cho biết bệnh viêm ruột đang gia tăng và điều đó thúc đẩy nhóm nghiên cứu tìm hiểu về điều này.
“Có một điều lạ là những nơi như Mỹ và Tây Âu lại có tỷ lệ người mắc bệnh viêm ruột cao hơn so với những nơi như Ấn Độ hay Đông Nam Á”, ông Cadwell nói với CBS News.
Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học, đã dùng chuột thử nghiệm và nhận thấy chuột bị nhiễm giun trong ruột thì vi khuẩn bacteroides, loại vi khuẩn gây bệnh viêm ruột, giảm đi. Họ cũng nhìn thấy một loại vi khuẩn có khả năng chống viêm có tên là clostridia lại tăng lên.
Nhóm nghiên cứu ở NYU Langone còn cho chuột ăn 10-15 trứng giun roi ký sinh, loại giun làm biến mất gien NOD2, dẫn tới mắc bệnh viêm ruột. Sau khi giun trưởng thành, các nhà nghiên cứu đo số lượng các bacteroides và clostridia trong ruột và phân của con chuột. Nhiều triệu chứng của bệnh viêm ruột, bao gồm chảy máu đường ruột và loét đều biến mất cùng với các khuẩn bacteroides, trong khi khuẩn clostridia lại tăng lên.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các phản ứng miễn dịch với giun sán có thể đã kích hoạt sự phát triển của khuẩn có lợi clostridia.
Nhưng Cadwell cũng lưu ý “Không phải người nhiễm giun nào cũng có thể hết bệnh viêm ruột”.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh vi khuẩn bacteria tìm thấy ở 75 người sống vùng nông thôn với vi khuẩn bacteia của 20 người sống ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Các nhà nghiên cứu thấy rằng người sống vùng hẻo lánh có ít vi khuẩn có hại Bacteroides hơn người thành phố. Họ cũng lưu ý tìm thấy sự khác nhau tương tự như vậy ở các nước châu Á khác.
Nghiên cứu này đặc biệt hấp dẫn vì hiện chưa có cách nào để chữa bệnh viêm ruột. Phương pháp điều trị hiện nay chỉ là chống viêm bằng các loại thuốc chống viêm, kháng sinh,...
Ông Cadwell cho biết phương pháp nghiên cứu của nhóm tập trung vào tác động của vi khuẩn trong ruột trên hệ thống miễn dịch, từ đó có thể thay đổi cách nhìn của các nhà khoa học và bác sĩ về điều trị bệnh viêm ruột.
Bình luận (0)