Giương đông, kích cả tây

24/09/2011 00:22 GMT+7

Mọi cảnh báo và đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ đều không cản được Síp tiến hành khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ để chính quyền ở miền bắc đảo Síp thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp. Chính quyền này được Thổ Nhĩ Kỳ lập nên năm 1974 và đến nay cũng chỉ được mỗi nước này công nhận nên ai cũng hiểu mọi chuyện họ làm đều có Ankara đứng sau.

Người ta đã nói đến cuộc chiến giành nguyên vật liệu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp. Đúng thế, nhưng thực chất còn hơn cả thế. Tất cả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Síp đều nhằm luôn vào EU và trong bối cảnh hiện tại thì liên quan đến cả căng thẳng với Israel. Síp là thành viên EU và khối này đến nay vẫn cự tuyệt kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa hết, EU vẫn được coi là đồng minh của Israel. Với vị thế địa chiến lược đặc biệt trong NATO và thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng trở thành đối tác chiến lược và đồng minh quan trọng đối với nhiều bên. Chính quyền hiện tại ở Ankara lại có tham vọng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc khu vực, cạnh trang ngang ngửa với Iran và Ả Rập Xê Út. Chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông, việc không được EU kết nạp và những thành tựu phát triển thời gian qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã tới lúc và có đủ điều kiện thực hiện tham vọng đó. Căng thẳng với Israel cũng như đối đầu trực diện với Síp và EU đều là chủ ý chứ không phải là lựa chọn bắt buộc. Cho nên cuộc chiến nhiên liệu này chưa phải cấp độ đối đầu đỉnh điểm.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.