Giúp con mê học

19/09/2015 15:12 GMT+7

(TNTS) Đam mê học tập hoàn toàn khác với chuyện cố gắng học chỉ nhằm đạt điểm cao để làm vui lòng bố mẹ, thầy cô.

(TNTS) Đam mê học tập hoàn toàn khác với chuyện cố gắng học chỉ nhằm đạt điểm cao để làm vui lòng bố mẹ, thầy cô. Bố mẹ nào cũng muốn con cái yêu thích và duy trì niềm đam mê học tập vì điều đó sẽ luôn giúp chúng gặt hái thành công trong cuộc sống...

Giúp con mê họcẢnh: Shutterstock
Trẻ con bẩm sinh đã yêu thích học hỏi. Từ khi còn rất bé, trẻ đã bắt đầu khám phá... chính cơ thể của chúng, năng lực tiềm tàng của chúng và thế giới xung quanh. Tiếc rằng, niềm đam mê học tập, khám phá đó của trẻ lại giảm hẳn khi chúng đến trường học. Hẳn là bởi chúng phải học vì điểm số chứ không còn có được niềm vui khi khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Thế nên, những người làm bố mẹ cần nêu gương đam mê để giúp con trẻ nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê học tập theo những gợi ý sau:
1. Trò chuyện với trẻ về những câu chuyện mà mình đọc hay nghe kể, đặc biệt là những sự việc mà mình cảm thấy thú vị. Hỏi chúng nghĩ gì về những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống, từ sự kiện nóng trên các phương tiện thông tin truyền thông, đến những mối quan hệ bạn bè trong trường học... Hãy để chúng thoải mái đưa ra ý kiến mà không sợ bị phán xét. Đề nghị chúng lý giải vì sao lại chọn cách hành xử đó...
2. Tiếp tục theo đuổi sở thích và đam mê riêng. Khuyến khích trẻ có những đam mê riêng. Nếu chúng thể hiện một sở thích, năng khiếu đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó, hãy tạo điều kiện cho chúng theo đuổi trong khả năng tài chính của gia đình.
3. Bố mẹ duy trì thói quen đọc sách để làm gương cho con. Đọc truyện cho con nghe từ nhỏ để chúng quen với sách. Có một tủ sách trong nhà và luôn cho trẻ thấy bố mẹ chúng yêu thích và coi trọng sách.
4. Cho con trải nghiệm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc đến thể thao, thăm viện bảo tàng, du lịch, ẩm thực, giải đố, các trò chơi, lễ hội dân gian... Những trải nghiệm này sẽ giúp chúng khơi dậy những tiềm năng có sẵn.
5. Chơi những “trò chơi trí tuệ” với chúng. Có những trò chơi có nhiều hơn 1 đáp án, phương cách xử lý, chẳng hạn như trò chơi sắp chữ Scrabble hay cờ vua, cờ tướng. Khi chơi với con trẻ những trò này, hãy nhấn mạnh đến những nước đi thông minh, chín chắn hơn là tầm quan trọng của chiến thắng.
6. Luôn ghi nhớ rằng bố mẹ là người thầy tốt nhất của trẻ. Trường học, những trò chơi giáo dục, những game show giáo dục trên truyền hình và cả một tủ sách lớn cũng không thể hoàn thành công việc dạy dỗ như những gì bố mẹ có thể làm với con cái.
7. Dành cho trẻ thời gian tự do. Dẫu là trẻ con, trẻ vẫn cần có thời gian rảnh để khám phá và nghiên cứu. Thế nên, hãy dành cho trẻ thời gian để chúng chơi những trò chơi chúng tự “chế ra”, để chúng được thoải mái “mơ giữa ban ngày” hoặc chỉ để chúng lang thang trong vườn và “độc thoại”...
8. Bắt đầu càng sớm càng tốt. Tạo điều kiện để trẻ phát huy tính tự lập từ nhỏ là điều rất quan trọng để giúp trí não chúng phát triển và giúp chúng cảm nhận về học tập.
9. Giúp trẻ hiểu rằng đến trường là điều quan trọng cho việc học tập của chúng. Thể hiện tầm quan trọng của nhà trường trong việc giáo dục của trẻ bằng cách tham gia các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt cần giữ liên lạc với giáo viên để biết bố mẹ cần hỗ trợ gì cho con trong việc học tập.
Để nuôi dưỡng niềm đam mê và hứng thú học tập ở con trẻ, bố mẹ cần giúp con trẻ tìm thấy niềm vui trong việc học chứ không phải sự căng thẳng, thúc ép. Bản thân bố mẹ cần làm gương trong việc học tập thay vì chỉ giải thích suông với con về lợi ích của việc học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.