Theo thống kê từ Công an tỉnh Bình Phước, trên địa bàn hiện có 485 hộ bán điều non; 107 hộ cầm cố, sang nhượng đất ở, đất sản xuất; 76 hộ vay tiền lãi suất cao (từ 25 - 50%/năm).
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước thăm hỏi, động viên đồng bào dân tộc thiểu số |
HOÀNG GIÁP |
Thực tế, tình trạng này đã có từ nhiều năm nay, phần lớn xảy ra tại H.Bù Đăng và H.Bù Gia Mập. Nguyên nhân được nhận định là trình độ học vấn của đồng bào còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp cận thông tin, phương thức làm ăn hiệu quả nên thường lập gia đình sớm, sinh con nhiều khi tuổi đời còn khá trẻ dẫn đến đời sống ngày càng thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân nhận thức còn đơn giản và hạn chế, cuộc sống dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng để có tiền tiêu xài, mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe... đã quyết định đi vay tiền. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu thường tiếp cận và tìm cách làm quen rồi dụ dỗ người vay tiền, khi không trả được thì buộc người dân phải cầm cố đất, vườn để trả nợ hoặc bị lấy đất để trừ nợ, trong đó có cả đất do nhà nước cấp theo các chương trình chính sách dân tộc.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, giải pháp hữu hiệu chính là giúp bà con nhận diện và nâng cao cảnh giác trước những hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non. Trong cộng đồng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, các hội, đoàn thể tại địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với người dân, hội viên của mình. Giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn chính sách xã hội ưu đãi; trao “cần câu” cho người dân…
Quan trọng không kém, đó chính là các cơ quan chức năng tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để lừa gạt, chiếm đoạt quyền sử dụng đất.
Bình luận (0)