|
Điều kiện của đất nước thời ấy khiến họ chỉ có một khát vọng duy nhất ấy và dù là duy nhất nhưng đó cũng là khát vọng cao đẹp nhất. Rồi đến những năm sau khi thống nhất đất nước, phần lớn giới trẻ xung kích đến những vùng khó khăn, góp tay xây dựng đất nước sau thời kỳ bị chiến tranh tàn phá.
Đoàn thanh niên phải giúp giới trẻ tìm được môi trường thích hợp để có thể thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Trong ảnh: sinh viên tham gia làm đường nông thôn trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2012 tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Phi Long
Xét về mặt xã hội, những điều kiện khách quan của những thời kỳ đó là một sự thuận lợi để giới trẻ tìm thấy và hiện thực hóa ước vọng và hoài bão của mình. Ngược lại, trong bối cảnh xã hội mở như hiện nay, cơ hội được mở ra nhiều hơn nhưng đó cũng lại là một điều kiện khó khăn để giới trẻ đương thời có thể xác định đâu là khát vọng chính đáng để phấn đấu, đeo đuổi trong cuộc đời của mình.
Quả vậy, xã hội chúng ta mặc dù đã mở ra nhiều cánh cửa nhưng đồng thời cũng đang trong một giai đoạn nhiều mâu thuẫn về mặt chuẩn mực xã hội. Khát vọng là một người công dân tốt tuy là điều rất đỗi bình thường và đáng được khích lệ, nhưng qua những gì đã và đang diễn ra trên thực tế cho thấy làm một người tốt không phải dễ dàng vì sự tưởng thưởng của cộng đồng, của xã hội đôi khi đến rất chậm, thậm chí là không có, trong khi những thiệt thòi lại đến tức thì và đến rất nhanh với người muốn sống tốt, làm người tốt.
Đồng thời, xã hội hiện đã mở nhưng hình như cũng chỉ hướng mọi ưu tư của con người đến chuyện tiền bạc và danh vọng khiến một bộ phận giới trẻ chỉ chú tâm vào chuyện kiếm danh, kiếm lợi bất chấp nhân phẩm và danh dự. Hàng loạt xìcăngđan có chủ đích của một số bạn trẻ được gọi là “nghệ sĩ” đã cho thấy điều đó. Mặt khác, con số gần 50% thí sinh thi đại học chỉ chọn các ngành kinh tế, những ngành nghề được “ngưỡng mộ” là tài chính, ngân hàng, ca sĩ, người mẫu... cũng cho thấy sự đơn điệu trong khát vọng của giới trẻ như thế nào.
Những khát vọng hạn hẹp ấy của họ một mặt bị quy định bởi hiện thực xã hội đang rối ren về chuẩn mực khi lằn ranh giữa cái tốt và cái xấu, cái chính đáng và không chính đáng đang trở nên “mờ” chứ không rõ ràng như những giai đoạn trước đó.
Nhưng mặt khác, với một nền giáo dục chú trọng đến học thuộc lòng, chỉ quan tâm đến kiến thức khoa học (chứ không phải là văn hóa, nghệ thuật, nhân văn...) đã không phải là nguồn động viên và giúp sức cho sự triển nở của những khát vọng khác, ngoài khát vọng kim tiền của giới trẻ.
Bên cạnh đó, nền giáo dục gia đình cũng không tạo cơ hội cho thanh niên dám dấn thân vào những ước vọng phù hợp với nguyện vọng và phẩm chất của bản thân, bởi phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay cũng chỉ hướng và buộc con cái mình phải theo đuổi một mục tiêu duy nhất, đó là giàu có về tiền bạc.
Nếu chúng ta thử hỏi các bạn sinh viên xem vì sao họ chọn khối ngành kinh tế thì chắc phần lớn đều nói là do gia đình định hướng, mặc dù các bạn có thể có những ước mơ khác.
Như vậy làm thế nào để giới trẻ có những khát vọng đa dạng và nhân văn thì bắt buộc xã hội cũng như nhà trường và gia đình phải tạo cơ hội cho những sự “chọn lựa khác”, bởi xã hội hiện đại ngày nay là một xã hội đa dạng chứ không phải là một xã hội đóng như trước đây nữa.
Cụ thể là Đoàn thanh niên cần phải trở thành một tổ chức sao cho thanh niên thuộc mọi xu hướng, mọi tầng lớp có thể tìm thấy ở đó là một môi trường để họ có thể thực hiện được ước mơ, hoài bão của riêng mình, chứ không phải là một tổ chức chỉ định hướng và buộc giới trẻ vào một ước mơ, một hoài bão duy nhất nào đó.
Theo Lê Minh Tiến / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)