Chủ tàu nói trên là một trong nhiều trường hợp "bỗng dưng trắng tay" sau hỏa hoạn. Tất cả chủ của những con tàu bị cháy đều là ngư dân huyện đảo Phú Quý. Do trên đảo không có bến sửa chữa tàu cỡ lớn nên họ phải đưa tàu vào bến tàu cửa sông Phú Hài để sửa chữa. Điều không may đã ập đến, khi chỉ còn 2 ngày nữa là làm thủ tục hạ thủy đưa tàu về biển thì xảy ra cháy. Cả 10 con tàu bị cháy đều đóng vào thời điểm năm 2017, chiều dài mỗi tàu từ 20 - 22,5 m, trị giá tới trên 4,5 tỉ đồng (thời điểm đóng tàu).
Các chủ tàu cho biết vốn liếng để đóng phương tiện đi biển chủ yếu vay ngân hàng; phần còn lại do anh em, bạn chài góp phần thêm để có được con tàu. Mỗi tàu trung bình có 15 thuyền viên, tức 15 lao động chính nuôi cả gia đình. Mỗi thuyền viên là lao động chính thì sẽ có tổng cộng hơn 100 nhân khẩu gặp khó khăn do vụ cháy này. Giờ thì họ nằm bờ, ngày ngày ngóng ra biển... Chưa hết, trong số 10 tàu bị cháy, có 3 tàu thu mua và làm hậu cần cho ngư dân. Mỗi tàu thu mua hàng trăm tấn hải sản mỗi năm, cung cấp hậu cần nghề cá cho hàng trăm con tàu khác của ngư dân đi biển dài ngày...
Cái lo lắng nhất của các chủ tàu bây giờ không chỉ là không được ra khơi, mà là làm sao để vay được vốn của ngân hàng với lãi suất ưu đãi mới có hy vọng đóng tàu mới hoặc sửa chữa con tàu cháy. Mặt khác, chính sách về bảo hiểm sẽ được thanh toán thế nào cho nhanh nhất khi mà cái tết đã cận kề, nhiều mối lo toan đang trĩu nặng.
Cháy cả 10 con tàu, trị giá hàng chục tỉ đồng, với các ngư dân, tài sản có khi được tạo dựng cả đời, bỗng chốc tan biến. Do vậy, cần lắm sự cứu xét, hỗ trợ của cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cũng như UBND huyện đảo Phú Quý.
Bình luận (0)