Giúp người trồng thanh long tiết kiệm điện

19/04/2017 08:00 GMT+7

Từ năm 2014 - 2016, EVN SPC phối hợp với các đơn vị thay gần 2,1 triệu bóng đèn compact cho hơn 2.300 hộ tham gia chương trình, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17,5 tỉ đồng.

Sau hơn 2 năm thực hiện, đề án “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện” do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) phát động đã giúp người dân 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An tiết kiệm hơn 82 tỉ đồng.
Chuyển sang sử dụng đèn compact
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng giám đốc EVN SPC, tính đến tháng 1.2014, tổng diện tích trồng thanh long của 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An là hơn 25.000 ha, trong đó có trên 16.000 ha cần chong đèn kích thích ra hoa trái vụ. Do đó, các hộ dân phải sử dụng hơn 6 triệu bóng điện tròn sợi đốt loại 60 W, với công suất đỉnh khoảng 252 MW. Bên cạnh đó, diện tích trồng thanh long không ngừng tăng lên từng năm, bình quân mỗi tỉnh khoảng 2.000 ha/năm nên nhu cầu sử dụng điện để chong đèn cho cây ra hoa trái vụ ngày càng lớn.


EVN SPC đã hỗ trợ 1.000 đồng/đèn compact đối với các đoàn thể tham gia quảng bá, giới thiệu nội dung chương trình; hỗ trợ 2 mối nối/đèn compact tương đương 3.000 đồng, nhân công thay đèn và lắp mối nối an toàn tương đương 1.500 đồng/đèn; đồng thời thu hồi đèn sợi đốt của nông dân với số tiền 4.000 đồng/đèn sợi đốt.


Để đáp ứng nhu cầu của người dân, EVN SPC đã xây dựng thêm nhiều đường dây và trạm biến áp 110 kV; đồng thời mở rộng tăng cường lưới 22 kV, nâng công suất các trạm biến áp phân phối. Tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu và thường xuyên bị quá tải vào mùa chong đèn. Nhằm khắc phục tình trạng trên, EVN SPC đã hỗ trợ nông dân trồng thanh long 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện, bắt đầu từ tháng 7.2014.
”Mục tiêu của đề án là từng bước chuyển từ đèn sợi đốt sang sử dụng đèn compact tiết kiệm điện, tiến tới xóa bỏ đèn sợi đốt dùng chong thanh long; nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng thông qua sử dụng thiết bị điện hiệu suất cao, giúp nông dân trồng thanh long giảm chi phí sản xuất; đồng thời đạt yêu cầu về cắt giảm công suất, chống quá tải cục bộ gây mất điện phụ tải, giảm áp lực về đầu tư cung cấp điện ở những khu vực trồng thanh long”, ông Hợp cho biết.
Tiết kiệm hơn 82 tỉ đồng
Từ năm 2014 - 2016, EVN SPC phối hợp với các công ty điện lực, hội nông dân, tỉnh đoàn địa phương thay gần 2,1 triệu bóng đèn compact cho hơn 2.300 hộ tham gia chương trình, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 17,5 tỉ đồng. Nhờ đó, các hộ đã tiết kiệm được 54.523 MWh/năm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện hơn 82 tỉ đồng/năm.
Chỉ tính riêng ngành điện, việc thay đèn sợi đốt bằng đèn compact đã giúp EVN SPC giảm 56 MW công suất đỉnh của hệ thống. Nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,2 triệu USD/MW thì EVN SPC đã tiết kiệm được khoảng 67 triệu USD, tương đương 1.475 tỉ đồng. Thay vào đó, Tổng công ty có thể tập trung cung cấp nguồn điện ổn định cho các địa phương khác, giúp tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện, tạo cơ hội đầu tư nhiều công trình cấp bách. Đặc biệt, đề án này giúp cắt giảm hơn 200.000 tấn CO2, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm cũng được nâng cao, tạo hiệu ứng cạnh tranh, tạo động lực giúp giảm giá đèn compact trên thị trường.
Cũng theo ông Hợp, mặc dù thực tế đã chứng minh hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt chiếu sáng cho thanh long, nhưng khi đưa vào áp dụng vẫn gặp một số khó khăn. Đặc biệt là giá đèn compact còn cao gấp nhiều lần so với đèn sợi đốt. Để chong đèn toàn vườn thanh long, mỗi hộ phải sử dụng từ hàng trăm tới hàng ngàn bóng đèn mới đáp ứng đủ điều kiện cho cây ra hoa trái vụ. Với chi phí khoảng 30.000 - 40.000 đồng/bóng compact, bình quân mỗi hộ phải đầu tư vài chục triệu đồng; trong khi đó, nếu dùng bóng đèn sợi đốt chỉ tốn từ 7.000 - 8.000 đồng/bóng (loại 60 W). Do thiếu vốn đầu tư nên đến nay, một số hộ vẫn còn sử dụng đèn sợi đốt để chong thanh long.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.