Giúp nhau cùng tiến ở nước ngoài

Thục Minh
Thục Minh
(Nhà báo sống ở Thụy Sĩ, Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG) tại thành phố Lausanne)
02/09/2024 10:51 GMT+7

Bạn trẻ đi du học, định cư ở nước ngoài luôn có thể tìm thấy trong cộng đồng Việt tại chỗ sự hỗ trợ và nâng đỡ vô tư, giúp nhau cùng hội nhập và thành công trên đất khách.

HỘI NHẬP Ở THỤY SĨ

Khi chuẩn bị rời Singapore sang Thụy Sĩ định cư năm 2017, tôi lên mạng tìm kiếm những tổ chức, hội nhóm của người Việt ở đất nước mình sắp đến.

Trên Facebook, tôi tìm thấy VNLausanne, tập hợp chủ yếu sinh viên và cựu sinh bậc thạc sĩ, tiến sĩ từ hai trường nổi tiếng ở vùng tây nam Thụy Sĩ là Đại học Bách khoa Liên bang tại Lausanne (EPFL) và Đại học Lausanne (Unil). Tôi tham gia VNLausanne và xem trang cá nhân của vài thành viên tích cực trong nhóm. Qua đó, tôi biết và kết bạn với Lưu Vĩnh Toàn ở Zurich và Phạm Minh Hải ở Lausanne. Hải và Toàn về sau trở thành những "địa chỉ" thân quen, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giới thiệu cho tôi nhiều mối quan hệ khác trong cộng đồng Việt ở Thụy Sĩ.

Giúp nhau cùng tiến ở nước ngoài- Ảnh 1.

VNLausanne với đông đảo trẻ em và “dâu, rể” Tây tưng bừng vui Tết Quý Mão 2023

ẢNH: VNLausanne

VNLausanne có truyền thống tổ chức ngày hội mừng Tết rất chu đáo và vui tươi, nên một số người ở xa cũng đến dự. Dịp Tết, gặp gỡ đồng hương, thưởng thức các món truyền thống, nghe lại những bản nhạc xuân, ai cũng cảm giác như được nâng đỡ bởi quê hương ở sau lưng. Nhóm cũng đông các cháu bé sinh ra tại Thụy Sĩ, vừa nói tiếng Pháp vừa được bố mẹ nỗ lực dạy tiếng Việt.

Đông đảo và xôm tụ hơn là Chợ Việt online tại Thụy Sĩ. Vì là "chợ" nên nơi này có phần bình dân hơn, ai cũng có thể mạnh dạn bước vào, tìm câu trả lời cho một vấn đề cá nhân, hay rao bán, tìm mua một món hàng nào đó.

Muốn biết thủ tục đăng ký kết hôn, học lái xe, học nghề, mở cửa hàng kinh doanh, tìm nơi khám chữa bệnh, mua đồ thời trang hay làm lại cái chìa khóa bị đánh mất? Cứ lên "chợ" hỏi, kiểu gì cũng có người biết, dù ngôn ngữ và quy định ở mỗi tiểu bang có thể khác nhau.

Hay đang gặp khó khăn trong đời sống hôn nhân, đau đầu với nhân viên làm thuê cho mình, con đi học gặp rắc rối ở trường, chủ nhà trọ rất quá quắt… sẽ có người trong "chợ" chia sẻ, động viên, chỉ cho vài giải pháp, thậm chí đi cùng bạn đến nơi để giải quyết, phiên dịch giúp.

"Chợ" đặc biệt là nơi kiếm sống của rất nhiều người nội trợ, người chưa tìm được công việc phù hợp, người không đủ điều kiện tham gia vào nguồn nhân lực địa phương hay tự mở cửa hàng kinh doanh. Bởi ở "chợ" này, ai cũng dễ dàng rao bán hàng online, giới thiệu dịch vụ mình có thể cung cấp, hay nấu vài món Việt phổ biến và bán cho người đồng hương mà không mất một khoản lệ phí nào.

Khi tôi tham gia năm 2017, "chợ" có gần 2.000 thành viên; nay đã hơn 5.000. Chợ hoạt động nền nếp, nhộn nhịp gần như 24/7, là nhờ sự cống hiến toàn thời gian của người sáng lập Bích Hạnh, cùng một vài cộng sự…

THĂNG TIẾN Ở VƯƠNG QUỐC ANH

Gần đây, tôi tình cờ biết đến Hội sinh viên tìm việc ở UK, và cảm thấy lạc quan, hứng thú với nhóm này. "Mục tiêu của group (hội, nhóm - NV) là để nâng cao tinh thần các bạn xin việc làm ở lại UK (Vương quốc Anh) và giúp đỡ nhau tiến xa, trau dồi kỹ năng trong cuộc sống", nhóm tự giới thiệu trên trang Facebook hiện có gần 24.000 hội viên.

Giúp nhau cùng tiến ở nước ngoài- Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Anh, người sáng lập và điều hành trang Hội sinh viên tìm việc ở UK

ẢNH: NVCC

Nguyễn Ngọc Anh (Anh Nguyen), nữ sinh Hà Nội, đến Vương quốc Anh năm 2011 học ngành tài chính, là người lập trang vào năm 2022 và đang nắm vai trò điều hành. Trong một bài đăng trên nhóm Scholarship Hunters (những người săn học bổng) hồi năm 2021, Ngọc Anh viết: "Mình biết đến group vì có một bạn mình quen hôm nào cũng lên đây động viên các em nhỏ trong group. Qua đấy mình thấy như được "sống lại tuổi trẻ" lần nữa. Mình viết bài này mang tính chất chia sẻ kinh nghiệm du học của mình và những gì mình biết qua ánh mắt thực tế. Mình sẽ viết minh bạch hết mức có thể để các bạn có thể nhìn vào kinh nghiệm của người đi trước rồi tự tìm hiểu cho bản thân".

Và Ngọc Anh đã thực hành điều tâm nguyện giúp đỡ, "động viên các em nhỏ" gần như mỗi ngày trên trang cô tạo lập. Cô cần mẫn viết những bài dài về kinh nghiệm học tập, thi cử và xin việc rút ra từ hơn chục năm bôn ba ở London với ngôn từ dí dỏm; cô đăng các thông báo tuyển dụng vừa được các công ty tung ra kèm theo những "mách nước" có thể giúp người ứng tuyển thành công; cô loan tin hội viên vừa nhận được việc ở các công ty lớn để cả hội phấn chấn, thêm tự tin… Những ngày nước Anh bị xáo trộn bởi bạo động, bất ổn, Ngọc Anh cũng không quên nhắc hội viên cẩn trọng khi đi lại và chia sẻ những mẹo nhỏ để tránh gặp phiền phức với những kẻ gây rối hay thành phần phân biệt chủng tộc.

Giúp nhau cùng tiến ở nước ngoài- Ảnh 3.

Nguyễn Ngọc Anh (thứ 5 từ phải sang, hàng sau) tham gia hội sinh viên Việt Nam (Vietnam Society) tại London

ẢNH: NVCC

Trang của Ngọc Anh vì thế luôn náo nhiệt. Hội viên thì mỗi người mỗi cảnh: người không biết phải làm gì khi hồ sơ đã gửi đi thì phát hiện có lỗi, người băn khoăn thời điểm nào nộp đơn gia hạn visa là tối ưu, người phân vân chọn học thêm môn gì để hữu ích cho công việc tương lai... Tất cả đều được Ngọc Anh và các hội viên khác, mỗi người một ý, chỉ dẫn tận tình.

Lâm ly nhất là với những "ca" thi rớt, trượt tuyển dụng liên tục, thậm chí thất tình. Hàng chục người xúm vào an ủi, động viên, cho lời khuyên… Những lúc như thế mới thấy sự cần thiết của những group đồng hương và nỗ lực của những cá nhân như Ngọc Anh.

Bên cạnh chia sẻ, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc một cách tự nguyện trên Facebook, Ngọc Anh cũng mở dịch vụ "luyện thi", giúp ứng viên vượt qua các vòng tuyển dụng đầy cam go ở Anh.

Trong một bài viết dài trên nhóm về hành trình "hy sinh cả một năm công sức và tiền bạc của bố mẹ mà không tìm được việc làm mong muốn" đến mức bị trầm cảm nặng, sinh viên năm 2 ngành Tài chính tại Trường Kinh doanh Bayes của Đại học Thành phố London Trần Sỹ Minh Tiến kể, nhờ luyện phỏng vấn xin việc 3 ngày với chị Ngọc Anh mà cậu đã thành công hồi tháng 7 vừa rồi. "Vẫn nhớ lúc công ty thông báo nhận mình, cũng là lần đầu mình khóc. Mình khóc vì áp lực được giải tỏa!", Tiến viết sau khi được Công ty dịch vụ tài chính PRGX Global Inc. nhận theo Chương trình Sinh viên thực tập kéo dài 12 tháng...

Nhìn những cộng đồng Việt ngày càng đông, càng biết đoàn kết và nâng đỡ nhau, hướng về quê hương, nguồn cội, những du học sinh trẻ đang miệt mài học tập, năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, không ngừng trau dồi kiến thức và các kỹ năng trong môi trường lao động cạnh tranh ở Thụy Sĩ, ở Anh và các quốc gia phát triển khác, tôi thấy vui cho tương lai của Việt Nam. Bởi những cộng đồng đó là những nguồn lực quý giá và cũng sẵn sàng khi trong nước thực sự cần đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.