Giúp nông dân cũng không thể ăn dưa mãi được

11/05/2015 13:38 GMT+7

(TNO) Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38 sáng nay 11.5, các ý kiến trong Ủy ban đề nghị phải có giải pháp căn cơ giúp người nông dân, không thể vận động mua dưa mãi theo phòng trào “một quả dưa, một tấm lòng” như thời gian qua.

(TNO) Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38 sáng nay 11.5, các ý kiến trong Ủy ban đề nghị phải có giải pháp căn cơ giúp người nông dân, không thể vận động mua dưa hấu mãi theo phong trào “một quả dưa, một tấm lòng” như thời gian qua.

Dua-hau-rot-giaNông dân khổ sở vì dưa hấu được mùa, rớt giá - Ảnh: Hoàng Sơn

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, năm 2014 và 4 tháng đầu 2015, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Mặc dù, có nhiều cố gắng trong ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhưng tái cơ cấu ngành này gặp nhiều lúng túng, vướng mắc.

Cho ý kiến báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội, Trương Thị Mai đề nghị cần bổ sung đánh giá về đời sống của một bộ phận nông dân đang rất khó khăn. Đặc biệt, tình trạng các mặt hàng nông sản không có thị trường đầu ra, giá cả thấp. “Vừa rồi xã hội chung tay góp sức bán dưa, mua hành. Nhưng đây chỉ là giải pháp tấm lòng, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ mạnh mẽ hơn để người nông dân thực sự cảm thấy được quan tâm, chia sẻ”, bà Mai đề nghị.

Tích cực cũng chỉ ăn được vài quả

Dẫn lại câu chuyện Bộ Công thương, Đoàn Thanh niên phát động phong trào “một quả dưa, một tấm lòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Giải pháp này cũng chỉ tạm thời thôi, không làm mãi được. Tôi cũng tích cực tham gia mua dưa hấu nhưng gia đình tôi cũng chỉ ăn được 1 vài quả thôi”.

Từ việc này, ông đề nghị cần phải tính tới vấn đề dài lâu, giải pháp chiến lược hơn nếu không mặt hàng thế mạnh lúa gạo, tiêu, điều, cà phê… của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. “Cơ chế chính sách của chúng ta còn nặng về tính bao cấp, hàng hóa nông sản chưa gắn bó chặt chẽ với thị trường. Vì vậy, mục tiêu phải thay đổi tư duy, nếu không cứ năm này qua làm khác sẽ không giải quyết được”, ông Hiển đề xuất.

Trước đó, báo cáo Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Bùi Quang Vinh điểm lại một số dấu ấn kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm như tăng trưởng GDP đạt trên 6% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng khá, lạm phát được kiểm soát… Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày chỉ rõ một số yếu kém còn tồn tại như xu hướng nhập siêu lớn (4 tháng hơn 3 tỉ USD) tương đương 6% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%. Nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, tiến độ cổ phần hóa chậm.

Công trình lớn đội giá, tiến độ chậm 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, ông đi một số quốc gia nghe phản ánh các dự án, công trình lớn của Việt Nam thường có tiến độ xây dựng quá chậm, dù quá trình đấu thầu rất nhanh. Đặc biệt, dự án nào sau đó cũng báo giá tăng lên. “Một số dự án lớn chậm cực kỳ, tôi đi Triều Tiên, Trung Quốc rồi mấy nước, người ta xây nhà Quốc hội 18 tháng, còn nhà Quốc hội của ta làm gần 7 năm rồi. Ngày nào cũng thấy đục đẽo, nước bị giọt tùm lum. Không hiểu mình xây dựng như thế nào. Thời gian thực hiện dự án chậm, sử dụng đồng tiền không hiệu quả làm giảm khả năng phát triển của chúng ta”, ông Ksor Phước nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.