Đó là quan điểm của ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân VN, tại diễn đàn “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp”. Diễn đàn do T.Ư Hội Nông dân VN tổ chức chiều 18.9 ở Hà Nội, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nông dân.
Quan trọng là hỗ trợ khoa học công nghệ
Đại diện nông dân khởi nghiệp là khách mời chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Cường, chủ trang trại chăn nuôi vịt trời tại Bắc Ninh, bày tỏ giúp nông dân khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay bắt đầu từ thay đổi tư duy của người nông dân không phải làm ra sản phẩm để bán trong chợ làng mà hướng đến những thị trường lớn hơn, đưa nó trở thành hàng hóa có giá trị gia tăng. Khởi nghiệp từ nghề nuôi vịt trời, ông Cường hiện đã phát triển thành mô hình khép kín, sử dụng chất thải từ đàn vịt để nuôi thêm cá và trồng lúa hữu cơ. Đặc biệt, sản phẩm vịt trời hiện được đối tác Nhật mời cộng tác, đưa công nghệ chế biến thành sản phẩm vịt trời hun khói. “Mỗi con vịt trời nếu bán ở chợ quê có giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật thì giá bán của nó là 40 USD. Nông dân rất cần được hỗ trợ về công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khâu chế biến để gia tăng giá trị hàng hóa. Nhưng nói thật, chúng tôi vẫn còn rất khó khăn trong tiếp cận chính sách và hỗ trợ”, ông Cường bày tỏ.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN, nhìn nhận khởi nghiệp trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng của VN hiện nay, có nhiều công ty đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, nếu trước đây có nhiều bạn trẻ ở lại thành phố thì nay trở về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp. “Khởi nghiệp bình thường đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp càng khó hơn, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Đặc biệt là hiện nay, nông nghiệp đang phải chịu tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì càng phải coi trọng khoa học kỹ thuật, công nghệ để hạn chế rủi ro”, ông Tùng nói.
|
Khởi nghiệp để không còn “giải cứu”
Dẫn lại câu chuyện ngành nông nghiệp trong thời gian qua có quá nhiều sản phẩm cần phải “giải cứu”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đặt vấn đề giúp đỡ nông dân khởi nghiệp có hướng đến tương lai sẽ không còn những cuộc “giải cứu”. Nông nghiệp khởi nghiệp gắn với sản phẩm mang tính đặc trưng, có ý tưởng sáng tạo, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho rằng giúp đỡ nông dân khởi nghiệp phải nhìn rộng hơn ở “giải cứu nông sản”, hướng đến gây dựng thành các mô hình kinh doanh, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà là toàn cầu. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có kết nối doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực để dẫn dắt. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân tập trung vào sản phẩm chủ lực, là đặc sản của địa phương, phù hợp vùng miền thì sản phẩm sẽ có thị trường, sẽ không còn chuyện phải giải cứu.
Ông Phạm Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường (Bộ KH-CN), cho biết nông nghiệp đạt được thành tựu quan trọng, từ chỗ thiếu lương thực, thực phẩm thì đến nay đã dư thừa, dù diện tích sản xuất giảm nhưng năng suất vẫn cao. Thành công này là nhờ khoa học công nghệ. Theo đó, ông Đích cho rằng, nông dân khởi nghiệp trong nông nghiệp muốn thành công thì đầu tiên phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cách làm đầu tiên, nông dân phải có ý thức ngay từ đầu là chủ động ứng dụng giống mới vào sản xuất, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn. Còn ở mức độ cao hơn, nông dân đầu tư phát triển mô hình thành doanh nghiệp, hợp tác xã thì tìm cách liên kết viện, trường để có thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất, gần gũi nhất để làm ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, theo nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường.
Bình luận (0)