Bảo vệ rùa mùa sinh sản
Trương Bá Anh Tú, nhân viên công ty truyền thông Golden vừa cho biết đã đăng ký làm tình nguyện viên tham gia vào chương trình bảo tồn rùa biển tại đảo Hòn Cau trong dịp sắp tới. Tú đã làm bản cam kết tham gia chương trình này gửi về Khu Bảo tồn biển Hòn Cau và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Tú sẽ tham gia từ ngày 9 – 15.6 với các công việc như: nhặt rác dọc bãi biển, lặn biển kết hợp dọn rác dưới biển (tại các bãi đẻ của rùa), cải tạo các bãi đẻ của rùa, tuần tra và kết hợp dọn rác dọc các đường mòn trên đảo, tuyên truyền cho khách du lịch về công tác vệ sinh môi trường… Tú cũng đang kêu gọi thêm nhiều bạn bè tham gia hoạt động cùng mình.
Tú cho biết sâu xa của việc tham gia bảo tồn thiên nhiên là từ tổ chức Save Sơn Đoòng. Tú có nghe phần thuyết trình bảo vệ Hang Sơn Đoòng, trong đó có một phần dẫn chứng về những tác hại của con người đến môi trường. Nếu không giữ gìn, làm du lịch đúng cách thì thế hệ tương lai sẽ mất hết những cảnh quan thiên nhiên này. Tú có sang đảo Koh Chang ở Thái Lan thì thấy cách họ làm du lịch rất tốt, vừa làm vừa bảo vệ. Sau đó, Tú thấy chương trình này ở Hòn Cau, đọc thông tin là Hòn Cau là nơi đa dạng sinh học nhưng đang bị thu hẹp dần vì tác động con người nên muốn tham gia để hiểu và làm cho nhiều người biết hơn. Tú cho rằng việc trở thành tình nguyện viên sẽ giúp mình hiểu rõ các nguyên nhân chính, nâng cao nhận biết cho người dân để có cách bảo vệ rùa biển hợp lý hơn. Đây là một trong những biện pháp phát triển du lịch biển bền vững cho những nơi có tiềm năng như Hòn Cau.
Theo đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), vùng biển Tuy Phong nói chung và khu vực đảo Hòn Cau nói riêng là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản. Năm 2013, Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phát hiện 10 cá thể rùa biển lên khu vực đảo Hòn Cau sinh sản và đã bảo vệ thành công các ổ trứng, năm 2014 phát hiện 3 cá thể rùa biển lên đẻ trứng, năm 2015 có 10 cá thể lên bãi đẻ, 2016 có 13 cá thể rùa mẹ lên sinh sản tại đảo Hòn Cau và năm 2017 có 8 cá thể rùa mẹ với 687 trứng rùa và 490 trứng nở thành công thành rùa con bơi ra biển.
Khu vực đảo Hòn Cau là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân vùng biển, mặc dù Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau đã tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm khu vực bảo tồn nhưng vẫn còn một số đối tượng lén lút hoạt động đánh bắt hải sản (nghề lưới) tại khu vực khi rùa đến mùa sinh sản thường bị mắc vào lưới của các đối tượng này (vừa vô ý lẫn cố ý). Các đối tượng chuyên săn bắt rùa biển qua sàng lọc đã vận động, tuyên truyền về bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng và được người dân đồng tình ủng hộ.
Vì vậy, hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển, đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng,tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn biển công tác truyền thông…
Người trẻ tham gia ngày càng nhiều
Theo anh Cao Mạnh Tuấn, người đã tham gia hai lần hoạt động bảo tồn rùa biển, hiện nay có 2 khu vực đang kêu gọi tình nguyện viên tham gia nhiều nhất là Vườn quốc gia Côn Đảo và đảo Hòn Cau (Bình Thuận). Việc rùa lên bờ đẻ diễn ra từ lâu nhưng những năm gần đây bị nhiều ngư dân bắt hoặc tàu thuyền đậu nhiều gần bãi biển, khiến rùa không dám lên bờ đẻ, phải đẻ rơi vãi ngay dưới biển. Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia tình nguyện bảo tồn rùa, thời điểm gần đây rất nhiều rùa lên đẻ ở các bãi miền Trung và miền Nam. Việc làm tình nguyện giúp được rất nhiều cho rùa. Đó là tránh ăn trộm rùa, tránh con vật khác ăn trứng rùa, đưa trứng vào khu vực an toàn, tạo điều kiện nở cân bằng theo nhiệt độ… Có khoảng 5-6 người/nhóm làm tình nguyện cho hoạt động này trong vòng khoảng 5-10 ngày.
Rất đáng mừng là số lượng tình nguyện viên đang ngày càng đông hơn trước. Đa phần là các bạn trẻ tham gia hoạt động này. Theo thông báo từ Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, chỉ tính riêng đợt tháng 6 – 7.2018, nơi này đã chọn được đến 40 tình nguyện viên tham gia hoạt động bảo tồn rủa biển.
Theo báo cáo về “Công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam” của tiến sĩ Chu Thế Cường, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, hiện nay các loài rùa biển đang suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, vích suy giảm 75%, đồi mồi và đồi mồi dứa suy giảm 95%, rùa da suy giảm 99%. 4 trong số 5 loài rùa biển ở Việt Nam đã từng sinh sản, 1 loài chỉ kiếm ăn không sinh sản tại vùng biển Việt Nam (quản đồng).
Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng đánh bắt trực tiếp bằng các phương tiện đánh bắt như câu kiều, lưới quàng, nghề lặn, bắt rùa mẹ khi lên đẻ, thu nhặt trứng rùa biển. Đáng chú ý là các hoạt động phát triển kinh tế như nuôi tôm trên cát, khai thác cát, phát triển du lịch, rác thải và phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng ven biển là những nguyên nhân chính gây nên tác động tiêu cực đến nơi sinh sản của rùa biển. Ngoài ra là sự gia tăng tiếng ồn và ô nhiễm biển từ dầu thải, chất thải lục địa đã tác động tới các quần thể rùa biển và các loài khác khi chúng ăn, bị vướng phải, bị thương, bị tắc hệ thống tiêu hóa hay làm giảm diện tích nơi kiếm ăn và sinh sản.
Để bảo vệ các loài trước nguy cơ tuyệt chủng, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển giai đoạn 2016 -2025 nhằm có cơ sở dữ liệu về rùa biển ở Việt Nam; tuyên truyền và nâng cao ý thức của cộng đồng và xây dựng cơ chế pháp lý cho các khu bảo tồn biển trong công tác bảo vệ rùa biển.
Bình luận (0)