Giúp sinh viên đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh

13/01/2018 07:47 GMT+7

Nhiều trường ĐH tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh của sinh viên nhằm xác định năng lực ngoại ngữ để có lộ trình giúp sinh viên đạt chuẩn B1 sau 4 năm học. Kết quả của việc kiểm tra này khiến nhiều người bất ngờ.

Học 7 năm, vẫn phải học lại từ đầu
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Thật khó tin khi các em đã có 7 năm phổ thông học liên tục môn tiếng Anh, vậy nhưng hầu hết đều phải học lại từ đầu. Điều đó có nghĩa là các em phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể đạt được chuẩn B1 trong vòng 4 năm ĐH”.
Có năm chỉ khoảng 20 - 30% sinh viên (SV) ĐH Đà Nẵng có thể theo học tiếng Anh theo chương trình khung của Bộ ở bậc ĐH. Trong khi đó, năm 2016 có khoảng gần 50% SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khi được kiểm tra không đạt năng lực để học chương trình tiếng Anh chính khóa; Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hơn 30%...
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên môn tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhìn nhận: “Có 3 nguyên nhân khiến việc đạt chuẩn B1 của SV trở nên khó khăn. Đó là xuất phát điểm của SV không giống nhau. Ai học chuyên ban ngoại ngữ từ phổ thông thì mức độ tiếp cận và tiếp thu tiếng Anh rất tốt. Ngược lại, SV thuộc khối tự nhiên thì tiếng Anh lại là một môn “khó nhai” vì số tiết học ít, hạn chế cả về giảng dạy lý thuyết lẫn thực hành trong môi trường phổ thông”.
Nguyên nhân tiếp theo, theo thạc sĩ Thế Hữu, khoảng cách giữa nền tảng tiếng Anh cơ bản và yêu cầu của bài thi còn nhiều. Theo đó, đa số các kỳ thi kiểm tra năng lực ngoại ngữ đều đánh giá người tham dự ở cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; trong khi kỹ năng nghe và nói của SV còn nhiều hạn chế.
Đặt ra lộ trình cụ thể và giám sát chặt chẽ
Hiện nay, có trường tổ chức các lớp luyện thi chứng chỉ cũng “thả cửa” để SV của mình đi học các nơi, miễn sao mang về bằng cấp đúng yêu cầu của trường là được. Việc “thả cửa” lại chính là nguyên nhân khiến SV cho rằng “từ từ học cũng được”. Kết quả là đến năm thứ 4 không kịp để hoàn thành.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ chia sẻ: “Nhà trường giám sát rất chặt chẽ việc học tiếng Anh của SV. Cụ thể, SV phải hoàn thành trình độ A2 sau khi hết năm 2. Nếu SV không đạt thì không được học tiếp năm 3”. Theo tiến sĩ Hạ, từ khóa 12 trở về trước, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để SV tự tích lũy nên số lượng nợ chuẩn đầu ra khoảng hơn 20%. Từ khóa 13, trường không để SV “tự do” nữa nên hầu hết đạt yêu cầu.
Đối với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ngoài 7 tín chỉ trong chương trình tiếng Anh căn bản, SV tham gia chương trình tăng cường. Theo đó, cứ sau 5 tiết ở trường, SV phải hoàn thành các phần tự học online với thời gian tương đương 10 tiết. Ông Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ của trường, cho biết: “Cứ 2 tháng trường lại tổ chức một kỳ thi TOEIC nội bộ một lần. Vì thế trường có thể theo dõi, giám sát quá trình học và biết được trình độ của SV đến đâu để đốc thúc các em hoàn thành chuẩn đầu ra đúng tiến độ, tránh việc không tốt nghiệp được chỉ vì nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh”.
Nhưng, điều cốt lõi để giải quyết vấn đề, theo thạc sĩ Châu Thế Hữu, là các trường ĐH cần xem xét lại chương trình đào tạo nhằm lược bỏ những môn không cần thiết, tăng thời lượng học ngoại ngữ cho SV, song song với việc tuyển chọn và đào tạo giảng viên ngoại ngữ có trình độ và nhiệt tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.