Thời gian đầu của lớp 1, trẻ phải làm quen với phương pháp học tập mới nên không tránh khỏi những hạn chế. Cha mẹ cũng như giáo viên sẽ phải chủ động hướng dẫn để giúp trẻ ham học.
|
Theo các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục tiểu học, với trẻ lớp 1, quan trọng không phải là vở phải sạch, chữ phải đẹp mà đó là kỹ năng cầm bút đúng tư thế.
Về phương pháp học, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), khuyên: “Không nên tập cho trẻ học vẹt từ nhỏ mà nên giúp trẻ tìm hiểu bản chất của kiến thức”. Bà Thúy tư vấn, cha mẹ có thể biến việc tìm hiểu bản chất của số, ký hiệu toán học thành các trò chơi, thi đố… để trẻ tăng hứng thú, việc học trở nên nhẹ nhàng, đạt hiệu quả. Tương tự, khi tập cho trẻ ghép vần, cũng nên thông qua trò chơi câu đố. Theo bà Lưu Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh), để giúp trẻ phát triển tối đa ngôn ngữ trong giai đoạn này, cha mẹ nên cùng con sưu tầm sách, truyện sau đó tập cho trẻ kể lại.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Hội quán Các bà mẹ, tư vấn mỗi buổi tối cha mẹ không nên làm hộ mà yêu cầu trẻ tự chuẩn bị đủ đồ dùng học tập, sách vở theo thời khóa biểu cho ngày hôm sau.
Nhiều phụ huynh cho rằng để trẻ chủ động học tập, cha mẹ nên biết chấp nhận khả năng thật của trẻ. Mỗi trẻ có mức độ phát triển khác nhau, sự so sánh về khả năng giữa chúng sẽ tạo cảm giác sợ hãi, tự tin khi thua kém. Bên cạnh đó, hãy động viên, khuyến khích, tạo cơ hội khi phát hiện trẻ bộc lộ năng khiếu ở lĩnh vực nào đó.
Cha mẹ nên dành thời gian nhất định để trò chuyện cùng con. Chính những chia sẻ đó sẽ giúp trẻ biết tự suy nghĩ để cố gắng học giỏi.
B.T
>> Ngành giáo dục tiểu học cạnh tranh nhiều nhất
>> Căng thẳng cho thí sinh thi ngành giáo dục tiểu học
>> Đưa cờ vua vào chương trình giáo dục tiểu học
>> Quảng Ngãi đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
Bình luận (0)