Theo Thông tư của liên bộ NN-PTNT và KH-CN ban hành ngày 23.11.2015, từ ngày 8.1.2016 thực phẩm biến đổi gien (GMO) bao gói sẵn lưu thông tại VN có ít nhất một thành phần nguyên liệu GMO lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm phải dán nhãn, ghi bằng tiếng Việt cụm từ biến đổi gien...
|
VN không có sản phẩm GMO?
Gia đình chị Trần Thị Tú (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có 4 người, trong đó có 2 con nhỏ, nên chị rất quan tâm đến các loại thực phẩm hằng ngày, đặc biệt là thực phẩm GMO. Bởi theo chị, dù thực phẩm này vẫn còn là vấn đề đang tranh cãi trên phạm vi toàn thế giới, nhưng “cái gì tự nhiên mới an toàn” và “xu hướng thế giới người ta quay về với thực phẩm hữu cơ”.
“Tôi biết ở VN sản phẩm GMO đã âm thầm đi vào cuộc sống của chúng ta từ lâu, thông qua các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu GMO như bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua… nên rất phấn khởi khi biết có quy định bắt buộc dán nhãn các sản phẩm này. Thế nhưng tôi khá thất vọng vì đã tìm hiểu ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại khác nhau tuyệt nhiên không thấy có sản phẩm nào có nhãn GMO”, chị Tú nói và hoài nghi: “Tôi không tin là ở VN mình không có thực phẩm GMO, mà là quy định của pháp luật không được chấp hành nghiêm túc. Điều này càng làm tôi lo lắng hơn và bức xúc vì quyền lợi của mình không được bảo vệ”.
Khảo sát các hệ thống siêu thị lớn và chợ truyền thống tại TP.HCM cũng tuyệt nhiên không tìm ra một sản phẩm nào có nhãn GMO. Tại một siêu thị lớn trên đường Cống Quỳnh (Q.1), chị Q.Nga vừa săm soi nhãn mác của một chai nước tương vừa nói: “Tôi đã nghe VN nhập khẩu đậu nành GMO rất nhiều nên lo ngại các sản phẩm có nguồn gốc đậu nành như nước tương, sữa, đậu hũ… có thể sử dụng nguồn nguyên liệu này. Bản thân tôi không muốn sử dụng sản phẩm GMO, nên tìm hiểu rất kỹ về sản phẩm trước khi mua, nhưng chưa bao giờ thấy có sản phẩm nào có nhãn GMO cả”.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, nói quy định việc dán nhãn sản phẩm GMO là một bước tiến đáng ghi nhận của cơ quan chức năng VN. Tuy nhiên, giữa quy định của luật pháp và việc đưa nó vào cuộc sống đến nay vẫn còn một khoảng cách khá xa. "Chúng tôi trước đó đã kiến nghị nhiều lần và cuối năm ngoái mới có quy định. Nay quy định có hiệu lực thi hành cả năm mà chưa có sản phẩm nào dán nhãn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa trên thị trường không có sản phẩm GMO, mà là quy định chưa được chấp hành nghiêm túc, khiến người tiêu dùng bị tước mất quyền được lựa chọn của mình", luật gia Thu nói.
Doanh nghiệp “lờ đi” vì sợ không bán được hàng
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 10, nhập khẩu bắp (ngô) ước đạt 7 triệu tấn với giá trị gần 1,4 tỉ USD, tăng 21,4% về khối lượng và 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu đậu nành 1,3 triệu tấn, đạt giá trị gần 550 triệu USD. Brazil và Argentina là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 47,6% và 42,2% tổng giá trị, trong khi đây là những nước sản xuất bắp và đậu nành GMO nổi tiếng thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng lượng bắp và đậu nành nhập khẩu này đa phần là GMO.
Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ mới có quy định dán nhãn GMO cho thực phẩm dành cho người, trong khi phần lớn sản phẩm này dùng để làm thức ăn chăn nuôi và một phần dùng sản xuất nước tương, dầu ăn, sữa… hoặc bán trôi nổi trên thị trường để người dân sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau. Điều này có nghĩa là phần lớn lượng bắp, đậu nành GMO trở thành sản phẩm trung gian.
TS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc) và giảng dạy ở Đại học RMIT VN, cho biết Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định khi động vật ăn thực phẩm GMO trên 5% thì động vật đó cũng được xem là GMO. Còn PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II tại TP.HCM (thuộc Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Để công bằng và sòng phẳng với người tiêu dùng, phải bắt buộc các thức ăn chăn nuôi có sử dụng nguyên liệu GMO cũng phải dán nhãn; sản phẩm chăn nuôi cũng phải dán nhãn sử dụng thức ăn GMO”.
Luật gia Phan Thị Việt Thu nhận xét: “Chúng ta có luật rồi nhưng chưa có đủ cơ sở cũng như danh mục sản phẩm để làm cơ sở áp dụng, nên các doanh nghiệp cố tình lờ đi. Hiện nay, nhiều sản phẩm đang lưu hành trên thị trường vẫn còn ghi nhãn mác theo kiểu lập lờ, nhà nước cũng chưa quyết liệt và xử lý hết. Chính vì vậy, ngoài việc ra quy định, nhà nước cần có cơ chế ràng buộc, giám sát thực hiện sao cho hiệu quả”.
Các chuyên gia thừa nhận, việc bắt buộc dán nhãn GMO là khó khăn vì không nhà sản xuất nào muốn thừa nhận với người tiêu dùng điều này, do sợ không bán được hàng. Theo TS Vọng, trước đây ở Úc, việc bắt buộc thực hiện quy định này cũng rất khó khăn, nhưng chính phủ nước này đã kiên quyết thực hiện để bảo vệ quyền lợi của người dân. “Nếu chúng ta có quy định như vậy rồi thì nên rà soát lại xem việc quản lý có chặt chẽ chưa, có cần bổ sung chỉnh sửa gì cho phù hợp không”, TS Vọng đề xuất.
Một xu thế khá phổ biến hiện nay mà nhiều nhà sản xuất có uy tín trên thế giới đang áp dụng là dán nhãn “Non-GMO - không GMO”. Các chuyên gia cho rằng, trước khi các quy định của cơ quan chức năng đi vào thực tế, các nhà sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ nên chủ động dán nhãn “Non GMO” như một sự cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm của mình. Với xu hướng hiện nay, nó sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Tự trói mình vào các công ty cung cấp giống
Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, trong năm nay đã có 200 tấn bắp giống GMO được bán ra, tương đương diện tích gieo trồng gần 100.000 ha. VN chính thức cho trồng bắp GMO vào tháng 3.2015 và trở thành nước thứ 23 trên thế giới trồng cây GMO. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 30 - 50% diện tích bắp GMO.
Tại một hội thảo gần đây ở TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận giá bắp giống GMO hiện nay quá cao, khoảng 200.000 đồng/kg (gấp 3 - 4 lần giá bắp lai - PV).
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc cho phép trồng bắp GMO là tự “trói mình” vào các doanh nghiệp cung cấp giống, vì năng suất bắp GMO chỉ cao hơn bắp lai 15 - 25%. Không chỉ phụ thuộc giống, chúng ta còn phải lệ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ mà các công ty này cung cấp, vì nếu sử dụng thuốc từ bên ngoài sẽ không hiệu quả. Đặc biệt, thuốc diệt cỏ để trồng bắp này sẽ phá hủy môi trường mà sau đó không thể trồng loại cây nào khác.
|
Bình luận (0)