Trong đợt bão số 12, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 ha bị gãy đổ, không còn khả năng cho mủ, phải chặt bỏ bán gỗ với giá chỉ từ 90.000 - 150.000 đồng/cây. Mặc dù bán đổ bán tháo nhưng thương lái từ các tỉnh phía nam chỉ mua những cây đường kính từ 20 cm trở lên, còn lại chỉ biết làm củi.
Ông Nguyễn Thoại Dũng (xã Sơn Định, H.Sơn Hòa) cho biết gia đình trồng 3,5 ha cao su đã thiệt hại hoàn toàn. Bình thường mỗi năm cạo mủ bán được 200 triệu đồng, bây giờ bán hết cả vườn được có 100 triệu. Cây cao su to bán khoảng 150.000 đồng/cây, còn cây nhỏ thương lái không mua. Ông Trần Minh Tiên, Chủ tịch xã Sơn Định (H.Sơn Hòa), cho biết riêng xã này đã có gần 300 ha cao su thiệt hại gần 70% nên người dân phải tận thu, bán để trồng mới. Tuy nhiên, gỗ cao su sau khi khai thác bị thương lái ép giá nên gặp nhiều khó khăn.
|
Rơi vào tình trạng tương tự cây cao su, gỗ keo rừng trồng cũng bị thương lái chê. Toàn tỉnh Phú Yên có hơn 10.000 ha cây keo rừng trồng gần đến ngày thu hoạch bị gãy nên người dân đang đồng loạt tận thu, bán với giá từ 600.000 - 800.000 đồng/tấn, giảm 300.000 đồng/tấn so với trước bão.
Số lượng gỗ khai thác lớn nhưng hiện Phú Yên chỉ có 2 nhà máy chế biến gỗ với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, nên không thể thu mua kịp. Vì vậy, những diện tích rừng nằm xa đường giao thông bán không ai mua, người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Kim Thảo (xã Sơn Long, H.Sơn Hòa) cho biết gia đình bà có 6 ha cây keo nhưng chỉ bán được cây trồng hơn 3 năm, còn cây từ 1 - 2 năm thì không bán được. Bà Thảo ứa nước mắt: “Mỗi héc ta đầu tư từ 20 - 30 triệu đồng. Rừng keo của gia đình tui ở gần đường nên bán được chứ ở xa bên trong thì không có ai mua.
“Một số hộ vay theo chính sách tiểu điền để trồng cây cao su, số vay khá lớn, có hộ vay cả tỉ đồng. Sau thiệt hại, bà con gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng nên chính quyền đã trao đổi với ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ”, ông Trần Minh Tiên cho biết thêm.
Bình luận (0)