Gỡ chi phí, liệu xăng dầu có còn 'thiếu cục bộ'?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/10/2022 07:18 GMT+7

Cho rằng việc điều hành thị trường trong thời gian qua “có vấn đề”, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gửi kiến nghị và đưa ra giải pháp lên thẳng Thủ tướng Chính phủ .

Lỗ vẫn phải bán để cơ quan quản lý “lập thành tích”?

Ngày 7.10, 36 doanh nghiệp (DN) có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM và ĐBSCL đồng đứng đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Theo các DN này, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Thế nhưng, trong thực tế xảy ra tình trạng chiết khấu âm, DN phân phối đã “lách” luật bằng việc tách phần chi phí vận chuyển vào một hóa đơn khác nên DN bán lẻ càng bán càng lỗ. Đại diện các DN nói thẳng: “Giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra, mà DN lại không được ngưng bán do Bộ Công thương dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc DN bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ để cho cơ quan quản lý “lập thành tích” ổn định thị trường”.

Việc điều chỉnh lại chi phí kinh doanh cho DN xăng dầu là một trong giải pháp giúp tăng hoa hồng tại đại lý bán lẻ, giảm lỗ kéo dài

Ngọc Dương

“Nếu DN có lãi thì không bao giờ đứt nguồn cung, sẽ tranh thủ nhập hàng dồi dào để gia tăng lợi nhuận. Vì vậy, nhất thiết cần phải thay đổi cách tính giá cơ sở cho phù hợp với tình hình mới... Nếu tiếp tục điều hành trái với quy luật giá trị, cung cầu thì sẽ phải trả giá bằng sự bất ổn”, đơn kiến nghị nêu và nhấn mạnh “Chúng tôi đề nghị khi thị trường xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng “thả nổi” chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn”.

Từ đó, 36 DN bán lẻ xăng dầu này đưa ra một số kiến nghị lên Chính phủ. Đó là thị trường xăng dầu cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Thứ hai là các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của DN bán lẻ xăng dầu cần phải có, không để DN bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào.

Thứ ba là cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay vì chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến DN càng bán ra càng thua lỗ. Thứ tư là khi chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới thì trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ theo tỷ lệ trên mỗi lít xăng dầu. Và cuối cùng, kiến nghị xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu do hoạt động của quỹ “không khách quan”. Chính phủ nên có công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.

Theo tôi, đã chẩn được bệnh của thị trường là áp mức phí quá thấp, cho lợi nhuận quá thấp không đủ bù chi, nay liên bộ Công thương - Tài chính cần ngồi lại càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay tại kỳ điều hành tới, ngày 11.10, để DN bán lẻ xăng dầu sớm yên tâm kinh doanh, thị trường sớm ổn định

PGS-TS Ngô Trí Long

Trong khi đơn “cầu cứu” của các DN bán lẻ xăng dầu gửi ra Văn phòng Chính phủ thì tại một số tỉnh miền Tây, chiều qua (7.10), phản ánh đến Báo Thanh Niên, nhiều bạn đọc cho hay một loạt cây xăng tại Rạch Giá (Kiên Giang), Đồng Tháp… thông báo hết hàng, bảo khách thứ hai tuần sau quay lại mua khi hàng về.

Cũng trong ngày 7.10, Công ty CP TM DV Dầu khí Hải Phát (Đồng Nai) gửi thông báo đến các đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết công ty đang nỗ lực tìm mọi nguồn cung từ các thương nhân đầu mối, nhưng hiện tại đều trong tình trạng hết hàng. Bà Phạm Thị Thu Tâm, Tổng giám đốc Công ty, nhấn mạnh đây là “giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay” và mong muốn các DN đồng cảm cùng đưa ra các giải pháp cân đối bán hàng hóa để duy trì hoạt động kinh doanh, cùng công ty vượt qua.

Trước đó, ngày 6.10, Công ty CP TM dầu khí Đồng Nai cũng thông báo đến các đại lý và nhượng quyền bán lẻ về tình hình nguồn cung rất khó khăn do nguồn hàng từ các thương nhân đầu mối đang bị gián đoạn và hết hàng. Thậm chí, Công ty CP TM Long Thành (Đồng Nai) cũng với một lý do “nguồn cung khó khăn”, thông báo đến các cửa hàng trực thuộc công ty chỉ bán không quá 30.000 đồng cho 1 xe 2 bánh, không quá 200.000 đồng/lần cho ô tô. Tại TP.HCM, Công ty CP TM-DV Cần Giờ cũng gửi đơn lên Sở Công thương TP.HCM xin nghỉ bán hàng cũng với lý do duy nhất là các đơn vị đầu mối hết hàng, buộc dừng cung cấp cho công ty.

Gỡ chi phí càng sớm càng tốt

Trong khi đó, thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay liên bộ Công thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất việc điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của DN xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ.

Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng hứa sẽ có “những biện pháp để hỗ trợ DN kinh doanh xăng dầu” như đề nghị các DN đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, “chẩn bệnh”: Mấu chốt của thị trường là quy định chi phí kinh doanh và premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới, chi phí này theo phương pháp bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu mà DN đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu - PV) đã trở nên lạc hậu và thấp hơn mức thực tế phải nhận được. Chi phí kinh doanh xăng dầu, trong đó bao gồm chiết khấu cho DN đã được áp dụng từ năm 2014 theo quy định tại Nghị định 83 là khoảng 1.050 đồng/lít đã không phản ánh đúng thực tế. Phần lớn chiết khấu của DN, các chi phí về tỷ giá, lãi suất… cũng nằm trong khoảng chi phí này. Trong khi đó, lãi suất và tỷ giá từ 8 năm qua thay đổi rất nhiều khiến DN gặp khó khăn, từ đó giảm chi phí chiết khấu xuống đại lý bán lẻ, khiến DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài.

Thứ hai, là premium có thể gọi nôm na là phần lợi nhuận của bên bán được quy định tại Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 rất rõ, 6 tháng Bộ Tài chính xem xét để điều chỉnh một lần. Trong thực tế, mức này đang thấp hơn mức chênh lệch mà DN phải chịu. Giả sử chênh đến 4 USD mà đang tính cho DN chỉ 3 USD, thậm chí 2,5 USD trong thời gian dài. Thế nên, trong thời gian tới, nếu đúng như phát biểu của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là điều chỉnh mức phí, phụ phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy về cảng theo hướng tăng lên, bài toán chiết khấu cho DN bán lẻ sẽ được giải quyết phần nào. Không thể để tình trạng kinh doanh không có lãi, càng bán càng lỗ kéo dài mãi vậy được.

“Bộ Tài chính có nhiệm vụ điều chỉnh tăng hay giảm phụ phí này 6 tháng một lần. Nhưng theo tôi hiểu cơ quan quản lý chỉ điều chỉnh tăng phí này khi giá xăng dầu hạ. Trong thời gian qua, giá xăng dầu giảm liên tục, đây là thời điểm thích hợp để tính toán lại phí đưa xăng dầu về cảng. Theo tôi, đã chẩn được bệnh của thị trường là áp mức phí quá thấp, cho lợi nhuận quá thấp không đủ bù chi, nay liên bộ Công thương - Tài chính cần ngồi lại càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay tại kỳ điều hành tới, ngày 11.10, để DN bán lẻ xăng dầu sớm yên tâm kinh doanh, thị trường sớm ổn định”, ông Ngô Trí Long nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.