Ngành du lịch đang từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc lấy lại những gì đã mất. Trong đó, công tác truyền thông, quảng bá điểm đến được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhắc đến như một "nút thắt" khiến du lịch Việt Nam chưa thể bùng nổ.
Có chính sách mới, phải "hô lên" ngay !
"Nếu các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh lần này được thông qua, phải quảng bá ngay cho du khách biết để họ chủ động làm thủ tục xin visa vào Việt Nam. Tránh tình trạng mở rộng cửa nhưng không ai biết, để lỡ cơ hội như hồi mới mở cửa du lịch sau Covid-19. Việt Nam có đẹp đến đâu, có sản phẩm mới thế nào, mở cửa thông thoáng ra sao mà khách không biết thì họ cũng không tới", ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis, lưu ý.
Cơ hội bỏ lỡ mà ông Nguyễn Châu Á nhắc tới, đến bây giờ vẫn là niềm tiếc nuối của rất nhiều người làm trong ngành du lịch. Sau khi chính thức tháo bỏ mọi rào cản về kiểm soát dịch bệnh nhằm quyết tâm vượt lên trước trong cuộc đua giành khách quốc tế hồi tháng 3.2022, Việt Nam gần như chiếm trọn lợi thế. So với Thái Lan lúc bấy giờ, Việt Nam thông thoáng hơn rất nhiều khi chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính, không cần cách ly, thủ tục xin visa khôi phục như trước dịch. Trong khi đó, Thái Lan vẫn áp dụng chương trình "Test and Go" với quy định khách quốc tế phải cách ly 1 đêm tại khách sạn chờ xét nghiệm PCR, nếu dương tính thì phải tiếp tục cách ly 14 ngày. Chưa kể, giá cách ly cũng khá cao, bao gồm xe chở từ sân bay về khách sạn, ăn uống...
Thế nhưng, nghịch lý là Thái Lan đã vươn lên "vợt" hết những du khách đầu tiên du lịch trở lại, đặc biệt là đối tượng khách lẻ đi tự túc, trong khi chúng ta mở toang cửa vẫn chờ mãi chưa có khách vào. Nguyên nhân là nước bạn đưa ra quy trình nhập cảnh đầy đủ, cặn kẽ, chi tiết trên các phương tiện truyền thông, còn Việt Nam lúc đó vẫn nhùng nhằng chưa có thông tin gì. Khi có quy định cụ thể thì không truyền thông mạnh, không ai biết nên ít người chọn Việt Nam.
Cần quảng bá rộng hơn, mạnh hơn để tạo ra nhận thức điểm đến
Du lịch VN cần sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi và liên tục thì mới có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh, mau chóng khôi phục. Các công ty du lịch cần thay đổi mô hình theo hướng B2C, tức là bán trực tiếp tới khách du lịch, hạn chế qua các đối tác nước ngoài để vừa chủ động phát triển các sản phẩm mới, vừa chủ động nắm bắt thị trường. Song song, Tổng cục Du lịch cần có những chương trình quảng bá điểm đến rộng hơn nữa, mạnh hơn nữa. Cần chi thật nhiều tiền hơn để tạo ra nhận thức điểm đến. Khi đã có nhận thức thì các DN sẽ chào bán sản phẩm dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis
Ông Nguyễn Châu Á nhận định marketing, truyền thông vốn là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam từ trước đến nay. Ngay cả hang Sơn Đoòng nổi tiếng là một trong những hang động kỳ vĩ nhất thế giới, nhưng hỏi 10 người Singapore, cả 10 người đều bảo không biết. Lâu nay, Việt Nam đều chủ yếu "nhờ" đối tác nước ngoài truyền thông "giùm". 80% khách quốc tế đến Việt Nam đều do các công ty nước ngoài đưa về. Hầu hết các công ty du lịch Việt Nam đang kinh doanh theo mô hình B2B, nghĩa là chỉ xây dựng sản phẩm, chào bán cho đối tác để họ chào bán cho khách du lịch. Mô hình này trước dịch vẫn thành công do thị trường phụ thuộc nhiều vào khách châu Á, đi theo đoàn là chủ yếu. Tuy nhiên, thị trường khách châu Âu, châu Mỹ lại khác. Các công ty du lịch đưa khách châu Âu vào Việt Nam không chi nhiều tiền để quảng bá điểm đến nên khách ít biết đến Việt Nam và số lượng chọn du lịch Việt Nam còn hạn chế.
"Cũng vì chủ yếu các DN làm quảng bá du lịch theo hình thức B2B nên ngành du lịch cũng chỉ theo hình thức hỗ trợ làm roadshow và một số chương trình xúc tiến. Chúng ta có rất ít chương trình quảng bá điểm đến. Bối cảnh hiện nay đã có những thay đổi lớn trong mô hình du lịch, đặc biệt là khách châu Âu, châu Mỹ. Họ chuộng mô hình du lịch tự túc, khám phá, trải nghiệm. Nếu thông tin, hình ảnh điểm đến không được truyền thông, quảng bá rộng rãi thì sẽ rất bất lợi cho chúng ta trong cuộc đua cạnh tranh", ông Châu Á đánh giá.
Kinh phí xúc tiến bằng 1/50 Thái Lan
Thời điểm trước dịch, trung bình mỗi năm, Tổng cục Du lịch tham gia khoảng 20 hội chợ quốc tế lớn như: Travex, ITB (Ðức), MITT (Nga), Jata (Nhật Bản)…, tổ chức 10 - 15 đoàn du lịch với hình thức làm quen, tiếp thị (famtrip, presstrips) nhằm giới thiệu các điểm đến, dịch vụ du lịch nổi bật của Việt Nam, thực hiện hơn 20 chương trình biểu diễn nghệ thuật lưu động (roadshow) tại các thị trường trọng điểm nước ngoài. Ngay tại trong nước, các địa phương cũng ra sức tổ chức rất nhiều sự kiện nhằm thu hút khách du lịch thập phương. Sau dịch, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam cũng đã được nâng cấp rất nhiều về quy mô, thay đổi nhiều phương thức như tích cực đưa hình ảnh Việt Nam lên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, quảng bá du lịch qua điện ảnh, ẩm thực…
Tuy nhiên, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch thừa nhận khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam là kinh phí. Ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD mỗi năm, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan chi khoảng 86 triệu USD, Malaysia khoảng 130 triệu USD và Singapore chi 100 triệu USD. Để giải quyết bài toán kinh phí, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng đến nay quỹ vẫn chưa thành lập được bộ máy, chưa thể đi vào hoạt động. Mô hình chưa thực hiện bao giờ nên về mặt con người, bộ máy và cơ chế đều khó khăn.
Khách quốc tế đến VN tháng 5 giảm
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết khách quốc tế đến VN tháng 5 vừa qua ước đạt 916.300 lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, VN đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong nước 5 tháng qua tăng 22,1%, ước đạt 268.300 tỉ đồng; doanh thu khu vực du lịch lữ hành tăng 89,4%, ước đạt 11.600 tỉ đồng do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện mới mở 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài (tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh), trong khi Thái Lan hiện đã có tới 29 văn phòng ở 3 châu lục lớn, gồm 18 văn phòng đại diện ở châu Á, 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ; Malaysia đã có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; Singapore có 23 văn phòng; Hàn Quốc có 31 văn phòng.
"Trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, nhiệm vụ đầu tiên là hướng tới, thâm nhập và khai thác thị trường. Việc có văn phòng đại diện tại các thị trường là rất quan trọng. Thế nhưng, vì nhiều lý do, cho đến bây giờ văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở các thị trường còn rất hạn chế. Đây cũng là một trong những thiệt thòi rất lớn của ngành du lịch Việt Nam trong cuộc đua cạnh tranh điểm đến", lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới hấp dẫn là những vấn đề cần phải quyết liệt tháo gỡ nhanh chóng để tạo sức bật cho du lịch Việt Nam.
"Ngành du lịch đã thể hiện quyết tâm rất lớn nhưng chỉ 1 ngành thôi là chưa đủ. Du lịch muốn đẩy mạnh quảng bá nhưng phân bổ ngân sách ít. Ngân sách xúc tiến của du lịch Việt Nam 1 năm chỉ bằng khoảng 1/50 của Thái Lan. Dù có nỗ lực đến đâu nhưng với nguồn lực ít như vậy thì thương hiệu điểm đến không thể bật lên nhanh được. Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng từ Nghị định 82, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách cụ thể, mạnh mẽ, mở đường cho các bộ, ngành triển khai nhanh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch theo đúng mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông cao Trí Dũng nêu ý kiến.
Bình luận (0)